Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng lòng với quê hương

10:02, 20/02/2020

Gần 10 năm trước, doanh nhân Nguyễn Công Chính, Việt kiều Đức về Đồng Nai "khởi nghiệp" với Công ty cổ phần Sado Group và Công ty cổ phần Sado Germany Window (Sado Group, Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Gần 10 năm trước, doanh nhân Nguyễn Công Chính, Việt kiều Đức về Đồng Nai “khởi nghiệp” với Công ty cổ phần Sado Group và Công ty cổ phần Sado Germany Window (Sado Group, Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Doanh nhân Việt kiều Đức Nguyễn Công Chính đề xuất những giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại chương trình họp mặt kiều bào Xuân quê hương năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: H.Dung
Doanh nhân Việt kiều Đức Nguyễn Công Chính đề xuất những giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại chương trình họp mặt kiều bào Xuân quê hương năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: H.Dung

Ông Chính cho biết, việc xây dựng 2 nhà máy sản xuất nhôm kính với chất lượng Đức, giá cả Việt Nam là cách để ông trả ơn quê hương, đất nước và những bạn bè cùng trang lứa đã khoác ba lô ra chiến trường để ông được du học.

* Nhôm kính chất lượng cao made in Viet Nam

Ông Nguyễn Công Chính quê gốc ở tỉnh Nghệ An, đi du học ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 1980 ngành công nghệ máy. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành này, năm 2010, ông Chính về Đồng Nai đầu tư 2 nhà máy sản xuất nhôm kính công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Đức.

Chia sẻ về nguyên nhân lựa chọn lĩnh vực nhôm kính để đầu tư, ông Nguyễn Công Chính cho biết, cách đây 10 năm, thị trường kính xây dựng tại Việt Nam bị chiếm lĩnh bởi các sản phẩm của Trung Quốc với chất lượng không cao. Nhiều doanh nghiệp gia công trong nước chưa có chiến lược cũng như công nghệ hiện đại nên sản xuất với số lượng ít. Để xây dựng các công trình lớn, cao cấp, các nhà thầu Việt Nam phải nhập khẩu kính cao cấp từ các nước phát triển với chi phí rất cao.

Năm 2016, tại Anh, ông Nguyễn Công Chính được Hiệp hội Kinh doanh châu Âu (European Business Assembly) trao tặng danh hiệu Nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất của năm. Sado Group được công nhận là doanh nghiệp xuất sắc nhất trong lĩnh vực nhôm kính.

Mong muốn giải quyết những hạn chế trên và xuất khẩu sản phẩm nhôm kính sang các thị trường khó tính, ông Chính quyết định đầu tư 2 nhà máy sản xuất nhôm kính với tổng số vốn gần 1 ngàn tỷ đồng. Đây được xem là bước đi táo bạo của ông bởi thời điểm này, nhiều Việt kiều cũng về Việt Nam đầu tư kinh doanh nhưng ở lĩnh vực bất động sản.

Với tâm huyết, tài năng cộng với quyết tâm, đến nay Sado Group đã sản xuất được các sản phẩm kính cao cấp khổ lớn, kính cường lực, kính dán keo an toàn, kính hộp cách âm cách nhiệt, kính in màu kỹ thuật số bột sứ, kính trang trí nội, ngoại thất; các dòng sản phẩm thông minh và thân thiện với môi trường như: cửa hợp kim nhôm, vách ngăn nhôm kính, các hệ thống tường kính, mặt dựng cho các tòa nhà cao tầng.

Sản phẩm nhôm kính của Sado Group được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo yêu cầu khắt khe về chất lượng kỹ thuật, thẩm mỹ và chủng loại của các thị trường “khó tính” như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Đồng thời, đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhôm kính chất lượng ngày càng cao của các công trình xây dựng tại Việt Nam, thực hiện tốt khẩu hiệu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

* Trăn trở với công tác đào tạo nghề

Sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, khi trở về quê hương, ông Nguyễn Công Chính nhận thấy Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông Chính luôn trăn trở và mong muốn thay đổi, đó là công tác đào tạo nghề tại Việt Nam. Ngay từ năm 1994, ông Chính đã giới thiệu nhiều trường nghề của Cộng hòa Liên bang Đức về các tỉnh, thành của Việt Nam để hợp tác đào tạo nghề thông qua Bộ Công thương, Bộ GD-ĐT, các tổ chức phi chính phủ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) đã hợp tác rất thành công với các tổ chức đào tạo nghề của Đức để đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế cho học viên, sinh viên. Theo ông Chính, kết quả này cần được nhân rộng hơn nữa. Để làm được điều này, việc quan trọng là phải thay đổi được tâm lý, cách nhìn nhận của các gia đình Việt Nam về công tác đào tạo nghề.

Ông Chính lấy dẫn chứng, ở Đức, một công ty dù lớn hay nhỏ đều có chế độ chính sách cho người lao động giống nhau, dù người lao động làm việc ở bộ phận nào. Học sinh ở Đức được định hướng nghề nghiệp từ rất sớm, không nhất thiết phải là học đại học. Một học viên sau khi tốt nghiệp trường nghề, có tay nghề vững, kỹ năng tốt, có ý chí, nghị lực đều có thể có được mức thu nhập khá cao.

“Con số hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học cho thấy Nhà nước cần có sự thay đổi về chính sách đối với đào tạo nghề. Người học cũng nên lựa chọn học nghề để đáp ứng nhu cầu của xã hội chứ không phải học đại học theo phong trào. Có như vậy mới tránh được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, đặc biệt là những thợ lành nghề” - ông Chính đề xuất.

Theo ông Chính, những ngành nghề ở Đức cần nhiều lao động và ở Việt Nam cũng đang đào tạo khá nhiều là điện, cơ khí, công nghệ thông tin, hàn... Lao động Việt Nam hoàn toàn có thể có được cơ hội trở thành lao động toàn cầu nếu đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều