Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng văn hóa đọc từ thư viện trường mầm non

09:01, 15/01/2020

Nhiều trường mầm non đang nỗ lực xây dựng thư viện cho trẻ. Nơi có điều kiện thuận lợi thì bố trí riêng một phòng thư viện, nơi không có điều kiện thì tận dụng chân cầu thang, hành lang… để đặt sách.

Nhiều trường mầm non đang nỗ lực xây dựng thư viện cho trẻ. Nơi có điều kiện thuận lợi thì bố trí riêng một phòng thư viện, nơi không có điều kiện thì tận dụng chân cầu thang, hành lang… để đặt sách.

Học sinh lớp lá Trường mầm non Trảng Dài (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) xem sách tại thư viện. Ảnh: H.Yến
Học sinh lớp lá Trường mầm non Trảng Dài (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) xem sách tại thư viện. Ảnh: H.Yến

Đây sẽ là nơi góp phần xây dựng, nuôi dưỡng văn hóa đọc cho thế hệ trẻ mai sau…

* Không gian yêu thích của trẻ

Bé Trương Hoài Ân, lớp lá 3, Trường mầm non Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chưa biết đọc nhưng vẫn say sưa lật từng trang sách để xem. Dựa vào những bức tranh trong mỗi trang sách, Ân hào hứng kể chuyện cho các bạn nghe. Hết cuốn sách này, Ân lại lấy cuốn khác để kể. Thỉnh thoảng, các bạn lại cắt ngang lời kể của Ân để đố em về bức tranh trong một quyển sách khác. Nhiều bạn không có đủ kiên nhẫn lật hết quyển sách như Ân thì lăng xăng chọn hết quyển này đến quyển khác trên giá sách. Có khi mấy bé cùng nhau xem một cuốn truyện có nhiều hình ảnh đẹp. Có bé không xem sách mà chỉ ôm gấu bông để chơi…

Thư viện của trường nằm gần khoảng giữa sân trường, không xây kiên cố mà được dựng lên từ khung nhôm và cửa kính, phía trên cao là mái che của sân trường. Vì thế, thư viện luôn thoáng và có đầy đủ ánh sáng. Ngoài các giá đựng sách, bàn đọc ở trong phòng, trường còn bố trí các bàn đọc, giá sách ở bên ngoài. Sàn được lót bằng cỏ nhân tạo và luôn giữ sạch sẽ. Ngoài sách, tranh ảnh, phòng đọc còn là không gian vui chơi của trẻ với nhiều gấu bông, đồ chơi…

Trường mầm non Trảng Dài có 10 lớp học, các lớp đều được bố trí thời gian để cho các bé tham gia hoạt động tại thư viện. Nhờ thư viện bố trí ở không gian mở, gần với lớp học nên khi trẻ xem sách và vui chơi tại đây, các cô giáo có thể quan sát được mọi hoạt động của học trò.

Nếu như Trường mầm non Trảng Dài làm thư viện trong khuôn viên sân trường thì Trường mầm non Hoa Mai (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lại cải tạo phòng chứa đồ ở gần hành lang để làm thư viện. Thư viện có bề ngang khá hẹp, ít sách mới nhưng bù lại là có nhiều đồ chơi cho trẻ như: rối tay, tô màu, luồn hạt, tạo hình… Nhà trường có thời khóa biểu sinh hoạt trong thư viện cho từng lớp. Tuy nhiên, do phòng nhỏ nên một lớp chỉ có nửa số học sinh được đến thư viện/lần.

Những trường không có điều kiện để làm phòng thư viện như 2 trường học nói trên thì thư viện được bố trí lưu động, có khi là góc cầu thang, có khi là ngay tại sảnh hành lang, hoặc thư viện ngoài trời… Ngoài ra, mỗi lớp học đều bố trí một góc thư viện.

Cô Đỗ Thị Kim Giang, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai cho biết: “Trẻ thích vào thư viện hơn so với những góc chơi khác, nhất là những bé gái. Những tranh ảnh bé tô màu hoặc những đồ chơi tạo hình do bé tự làm tại thư viện sẽ được đem về lớp”.

* Giúp trẻ làm quen với việc đọc sách

Cùng chung mục tiêu giáo dục nhưng tùy điều kiện mà mỗi trường có cách tổ chức, sắp xếp khác nhau. Chẳng hạn, để tăng khả năng ghi nhớ mặt chữ cho trẻ, thư viện Trường mầm non Hoa Mai đã đánh dấu các loại sách theo bảng chữ cái để vừa giúp trẻ nhớ mặt chữ, vừa thuận lợi cho bé trong việc chọn sách. Chẳng hạn, những sách có chữ “i” là tủ sách chim non; những sách có chữ “o” là sách khoa học, khám phá; những sách có chữ “đ” là sách kể về động vật…

Để tổ chức được một tiết sinh hoạt trong thư viện cho trẻ, các cô giáo phải rất vất vả. Đa số trẻ chưa có thói quen “đọc” sách và chưa biết giữ gìn sách nên trước tiên, cô phải hướng dẫn trẻ cách lật giở sách, cách lấy sách và cất sách đúng vị trí sau khi dùng xong. Ngoài kể chuyện cho học sinh nghe, cô còn hướng dẫn để các bé kể truyện sáng tạo theo tranh hoặc chơi đóng vai các nhân vật trong truyện thông qua trò chơi rối tay...

Thư viện rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc, khả năng tra cứu của trẻ và thúc đẩy sự sẵn sàng học tập cũng như sự chuyển tiếp từ mầm non sang cấp tiểu học. Cô Tăng Thị Lan, Hiệu trưởng Trường mầm non Trảng Dài cho biết: “Các hoạt động tại thư viện giúp trẻ làm quen với văn hóa đọc, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ và tăng khả năng ghi nhớ mặt chữ. Ngoài ra, sinh hoạt tại thư viện cũng hỗ trợ tốt cho công tác giáo dục trẻ do các nội dung được thực hiện theo khung chủ đề đã được thiết kế từ đầu năm học”.

Tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu được đề án đặt ra là đến năm 2020 sẽ có 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.

Thực hiện đề án này, trong 3 năm qua, nhiều trường mầm non đã tích cực xây dựng các thư viện thân thiện. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về thư viện nên mỗi trường thực hiện theo mỗi kiểu. Việc tận dụng thư viện ở các góc cầu thang, hành lang… chưa đảm bảo không gian để trẻ xem sách và vui chơi.

Cần phụ huynh chung tay

Muốn phát triển văn hóa đọc cho trẻ, các trường mầm non rất cần sự chung tay của phụ huynh, trong đó phụ huynh phải duy trì việc đọc sách cùng trẻ. Ngoài ra, hiện nay nguồn sách của thư viện đều rất hạn chế nên các trường đều mong nhận được sự đóng góp sách của phụ huynh để tăng đầu sách cho thư viện.

Hải Yến

Tin xem nhiều