Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp trẻ học tốt sau Tết

10:01, 17/01/2020

Những ngày Tết đang cận kề. Năm nay, học sinh trong tỉnh được nghỉ học 14 ngày. Nửa tháng quả là thời gian nghỉ học rất dài, cộng với vui Tết thoải mái khiến con trẻ sẽ vướng vào tâm lý "lừ đừ", chểnh mảng sau Tết. Làm thế nào để giúp trẻ học tốt sau Tết luôn là mối quan tâm lo lắng của không ít các bậc cha mẹ.

Những ngày Tết đang cận kề. Năm nay, học sinh trong tỉnh được nghỉ học 14 ngày. Nửa tháng quả là thời gian nghỉ học rất dài, cộng với vui Tết thoải mái khiến con trẻ sẽ vướng vào tâm lý “lừ đừ”, chểnh mảng sau Tết. Làm thế nào để giúp trẻ học tốt sau Tết luôn là mối quan tâm lo lắng của không ít các bậc cha mẹ.

Tết là thời gian trẻ được vui chơi thỏa thích nhất. Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ cũng không theo một giờ giấc nhất định. Không riêng gì con trẻ mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng có tâm lý cho con cái chơi “thả ga” ba ngày xuân. Có thể nói, đây là việc làm hết sức có hại cho trẻ không chỉ về sức khỏe mà cả về học tập.

Chính vì vậy, chơi Tết và học tập cần phải hài hòa. Sau Tết là thời điểm học sinh sẽ thi giữa học kỳ, làm bài kiểm tra... Nếu không kết hợp học để ôn bài thì sẽ rất khó đạt kết quả cao. Những ngày đầu nghỉ Tết sẽ kiểm tra những bài tập trẻ phải hoàn thành ở nhà trong dịp Tết, sau đó cùng con lên thời khóa biểu cho việc chơi và học. Làm sao tạo cho trẻ ý thức tự giác học tập như những ngày thường. Cha mẹ nên cho trẻ mỗi ngày học, làm bài tập giáo viên cho, đọc sách khoảng 1-2 tiếng để các em không quên kiến thức, tránh được hội chứng chán học sau những ngày nghỉ Tết.

Với những trẻ đang học mầm non, cha mẹ phải thường xuyên nói chuyện, hỏi han trường lớp, bạn bè, kể chuyện cho bé nghe. Khuyến khích các bé ôn lại những gì cô đã dạy ở trường, cho bé ăn ngủ đúng giờ, ăn uống đầy đủ và đúng bữa... Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần để mắt, quan tâm đến việc chơi của trẻ. Tránh việc cho con cái ngồi lâu trước tivi, máy tính chơi game, tham gia các trò chơi hay hình thức ăn tiền, nhắc nhở các em về an toàn khi tham gia giao thông. Không cho trẻ thức quá khuya, ngủ ít, chơi quá sức dẫn đến người mệt mỏi, uể oải.

Sẽ là rất khó để trẻ đến trường ngày đầu năm mới với một tâm thế tốt nhất. Thực tế cho thấy, vì nghỉ quá dài ngày, chơi nhiều hơn học nên với trẻ lớn là mệt mỏi, uể oải không muốn đến lớp, trẻ nhỏ là khóc đòi ở nhà... Chính vì thế, khoảng 3 hôm trước ngày đến trường, cha mẹ phải điều chỉnh thời gian biểu vốn đã bị xáo trộn cho trẻ bằng cách ngủ và thức dậy đúng giờ. Chuyến du lịch xa hay về quê sớm kết thúc trước 2 ngày để trẻ lấy lại sức. Quá cận ngày trở lại lớp, trẻ chưa thể bắt kịp việc học tập. Cha mẹ cũng cần gieo vào trẻ không khí học tập như nhắc ngày đi học, xem thời khóa biểu, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, kiểm tra bài tập xem trẻ đã làm xong chưa. Không nên ép trẻ lao ngay vào học thêm quá tải, bắt trẻ ngồi học nhiều tiếng sau thời gian ở trường...

Cha mẹ nên bớt chút thời gian quan tâm, hỏi han bài vở của con ở trường, hỏi chuyện lớp học. Cho trẻ giải trí để bớt căng thẳng bằng một phim hoạt hình, một cuốn truyện tranh, một cuốn sách hay hoặc cho trẻ chơi một môn thể thao nào đó.

Ở trường, giáo viên cũng phải lưu tâm đến tâm lý của học sinh. Thầy cô giáo cần ổn định nề nếp học sinh ngay ngày học đầu tiên. Giáo viên nên khéo léo, nhẹ nhàng giúp các em lấy lại thăng bằng sao cho trẻ tìm lại được tâm trạng thoải mái, sự hứng thú, ham thích học tập. Nhẹ nhàng, không la mắng đối với những trẻ chán học, còn thiếu tập trung. Đừng bắt trẻ vào học ngay với cả núi kiến thức, bài tập tạo áp lực sợ học cho trẻ. Ngược lại, giáo viên cũng tránh tư tưởng “còn mùng là còn Tết”, cần giảng dạy nhiệt tình ngay từ buổi đầu.         

Đào Khởi

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích