Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng bưởi VietGAP bằng chế phẩm sinh học

10:12, 09/12/2019

Việc nâng cao độ pH trong đất lên 6-6,5 là một trong những yếu tố giúp bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Do đó, ở những vùng đất có độ pH thấp, việc nâng cao độ pH là một yêu cầu bắt buộc đối với nhà nông.

Việc nâng cao độ pH trong đất lên 6-6,5 là một trong những yếu tố giúp bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Do đó, ở những vùng đất có độ pH thấp, việc nâng cao độ pH là một yêu cầu bắt buộc đối với nhà nông.

Mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.Yến
Mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.Yến

Bằng cách dùng chế phẩm sinh học, thời gian nâng cao độ pH trong đất chỉ mất
3-5 ngày. Trong khi nếu dùng vôi để xử lý theo cách truyền thống thì phải mất 3-6 tháng.

* Cùng nhau trồng bưởi VietGAP

Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đang thực hiện chuyển giao dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở, thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 9-2019.

Ông Nguyễn Văn Thật (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm) cho biết: “Đến nay, Hợp tác xã bưởi Trường Phát mà tôi là thành viên đã được cấp chứng nhận VietGap. Khi cấp giấy chứng nhận, họ cấp cho cả mã vạch để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Các hộ sản xuất tự đi in để dán vào sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tôi chưa dùng đến mã vạch này vì tôi vẫn đang bán bưởi cho thương lái truyền thống chứ chưa đưa được bưởi đến các thị trường như mong muốn. Mặc dù vậy, tôi vẫn thực hiện quy trình sản xuất, ghi chép nhật ký... theo yêu cầu của chuẩn VietGap để chờ đợi cơ hội”.

Ban đầu, dự án chỉ dự kiến thí điểm mô hình trồng bưởi theo chuẩn VietGap trên 10 hécta ở 2 xã Bàu Hàm và Sông Thao. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, có 9 hộ tham gia vào dự án với tổng diện tích 20,6 hécta. Đây đều là những hộ sản xuất thuộc Hợp tác xã bưởi Trường Phát, trong đó hộ có diện tích ít chưa đến 1 hécta, hộ có diện tích lớn nhất hơn 6 hécta

Để triển khai dự án, các kỹ sư của trung tâm đã thực hiện công tác điều tra, nắm bắt hiện trạng sản xuất và các mối nguy gây ô nhiễm các vùng trồng bưởi da xanh huyện Trảng Bom. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

ThS.Vũ Mạnh Hà, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Trước khi thực hiện dự án trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP ở Trảng Bom, chúng tôi đã tiến hành những đề tài, dự án tương tự ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Dựa vào các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng trong những mô hình đó, chúng tôi đã chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế ở huyện Trảng Bom“.

Theo kết quả khảo sát của trung tâm, xã Bàu Hàm và xã Sông Thao có điều kiện tự nhiên đất đai, nguồn nước và khí hậu phù hợp cho bưởi da xanh phát triển với năng suất cao, chất lượng tốt. Loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhà vườn. Đây lại là vùng phát triển bưởi da xanh nằm trong vùng quy hoạch của huyện Trảng Bom. Đó là những yếu tố rất thuận lợi để vận động người dân tham gia trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thật (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm) chia sẻ: “Tôi tham gia trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với mong muốn nâng giá trị nông sản để có thể xuất khẩu đi thị trường nước ngoài hoặc bán cho chợ đầu mối với giá cao hơn”.

* Nâng cao độ pH trong đất bằng chế phẩm sinh học

Độ pH thích hợp để trồng bưởi da xanh là từ 6-6,5. Trong khi đó, các mẫu đất được lấy ở các nhà vườn trong mô hình hầu hết đều có giá trị pH thấp (từ 4-5). Với giá trị này, đất sẽ giữ lại nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, khiến cây trồng hấp thu rất khó khăn, đồng thời cây thường xảy ra hiện tượng bị “ngộ độc” phèn. Độ pH thấp còn khiến các vi sinh vật gây bệnh cho hệ rễ của cây phát triển rất mạnh, còn những nấm đối kháng, có lợi cho cây trồng thì phát triển kém…

Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật thâm canh, những vườn bưởi thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP ở huyện Trảng Bom đã tăng năng xuất từ 20 - 24% so với trước đây
Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật thâm canh, những vườn bưởi thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP ở huyện Trảng Bom đã tăng năng xuất từ 20 - 24% so với trước đây

Để nâng cao độ pH trong đất (còn gọi là xử lý nhiễm phèn), thông thường người dân sẽ bón vôi cho đất. Cách làm này phải tốn từ 3-6 tháng mới có kết quả. Trong khi đó, nhóm thực hiện dự án đã sử dụng chế phẩm nano R011 tưới lên mặt vườn với nồng độ 1 lít R011 pha cho 200 lít nước, mỗi cây tưới từ 10-20 lít nước tùy vào đường kính tán cây. Cách làm này chỉ tốn từ 3-5 ngày là đạt kết quả. Định kỳ 4 tháng người dân nên tưới 1 lần để duy trì độ pH trong đất đạt yêu cầu.

ThS.Vũ Mạnh Hà cho hay: “Có nhiều cách để các hộ nông dân tự đo được độ pH, trong đó có thể dùng máy đo độ pH để đo trực tiếp ngay tại vườn (máy có bán rộng rãi trên thị trường). Nếu kinh phí eo hẹp, người dân có thể mua hộp kiểm tra độ pH với giá khoảng 100 ngàn đồng, có thể dùng cho 300 lần kiểm tra. Nguyên tắc kiểm tra tương tự như cách dùng giấy quỳ tím”.

Ngoài vấn đề về độ pH trong đất, một số nhà vườn cũng gặp vấn đề tương tự đối với nước tưới. Nếu dùng nước bị nhiễm phèn (độ pH thấp) để tưới cho vườn bưởi thì làm cho pH đất bị giảm dần theo thời gian, cây sẽ sinh trưởng phát triển không thuận lợi. Nguồn nước này sử dụng để pha thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá thì hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, giải pháp mà nhóm đưa ra là nên bơm nước từ giếng khoan lên hồ chứa và rải chế phẩm Tocazeo. Sau đó sử dụng nước từ hồ chứa này để tưới vườn cây và pha thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón lá.

Theo báo cáo của nhóm thực hiện dự án, cùng với việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp khác, những vườn bưởi da xanh tham gia dự án đều được đánh giá là đã tăng năng suất so với trước đây. Mức tăng từ 20,8% đến hơn 24%, nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng tăng lên.

Trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững đã hỗ trợ các nhà vườn tìm hiểu thông tin về yêu cầu chất lượng bưởi da xanh của các công ty thu mua xuất nhập khẩu bưởi da xanh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay có 2 công ty đã đặt vấn đề thu mua bưởi của hợp tác xã với số lượng nhiều và đều trong năm là Công ty cổ phẩn nông sản sạch Việt Nam và Công ty cổ phẩn Lavifood.

Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững đã đào tạo được 30 kỹ thuật viên sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Những kỹ thuật viên này sẽ là nòng cốt để hướng dẫn các nhà vườn trồng bưởi da xanh ở địa phương, tập huấn cho 200 nhà vườn ở các xã trồng bưởi da xanh tập trung (các xã: Bàu Hàm, Sông Thao, Trung Hòa). Nhóm cũng đã biên soạn sổ tay Hướng dẫn sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Trảng Bom. Sổ tay được trình bày cô đọng, dễ hiểu, dễ áp dụng và có nhiều hình ảnh minh họa và đã chuyển giao cho cán bộ kỹ thuật, nhà vườn trên địa bàn huyện.

Hải Yến

Tin xem nhiều