Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái hiện huyền thoại những con đường...

08:12, 05/12/2019

Gần 250 hình ảnh tư liệu và hiện vật về những con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại triển lãm trưng bày ở Bảo tàng Đồng Nai đã và đang làm tái hiện một thời oanh liệt của cha ông ta.

Gần 250 hình ảnh tư liệu và hiện vật về những con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại triển lãm trưng bày ở Bảo tàng Đồng Nai đã và đang làm tái hiện một thời oanh liệt của cha ông ta.

Các đại biểu tham quan triển lãm Những con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Na
Các đại biểu tham quan triển lãm Những con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Na

Dù đã mấy mươi năm trôi qua nhưng những câu chuyện xúc động xung quanh các con đường huyền thoại này như chưa bao giờ cũ, vẫn khiến lòng người rưng rưng, tự hào.

* Gợi ký ức từ những câu chuyện

Cách đây 60 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19-5-1959 Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt Đoàn 559 và Đoàn 759 (thành lập ngày 23-10-1961). Thượng tá Võ Bẩm giữ chức vụ làm đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn và đường biển với tên gọi là Đoàn tàu Không Số, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mỗi con đường huyền thoại đều mang trong mình nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời, hồi ức của các chiến sĩ cách mạng. Đó là chuyện lái xe trên dây cáp vượt Trường Sơn trong chiến tranh. Câu chuyện kể về ông Nguyễn Trọng Quyến - giáo viên Khoa Xe máy Trường sĩ quan hậu cần được chọn là người lái xe đầu tiên chạy trên cáp. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại rồi thành công, Chính phủ quyết định lắp đặt cầu dây cáp cho xe ô tô chạy bằng hệ thống bánh puli (ròng rọc) đầu tiên tại km0 (Đắc Krông, Quảng Trị). Từ đó, hàng loạt cây cầu dây cáp được nhân rộng trên khắp tuyến đường Trường Sơn.

Đó còn là câu chuyện về hòn đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng của tàu C.235 nhận nhiệm vụ vận chuyển 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho tỉnh Khánh Hòa vào ngày 27-2-1968. Khi tàu đang trên hành trình cách Nha Trang 10 hải lý thì bị tàu chiến Mỹ phát hiện và vây bắt. Thuyền trưởng Phan Vinh đã khẩn trương cho thả hàng xuống vùng biển Ninh Phước để du kích ta tìm kiếm vớt lên sau. Bị tàu chiến của địch bám đuổi, bắn phá tàu, thuyền trưởng Phan Vinh đã kiên cường bám trụ chống trả để đồng đội được rút lui an toàn. Tuy nhiên, do đạn hết và bị thương quá nặng, thuyền trưởng Phan Vinh đã hy sinh…

Những con đường huyền thoại mang tên Bác trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai khẳng định thêm một lần nữa niềm tự hào suốt 60 năm qua. Sự hy sinh gian khổ cùng với ước mơ và niềm tin của các anh hùng, liệt sĩ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường và bất khuất của dân tộc. Hình ảnh tư liệu và hiện vật tại triển lãm mang đến cho người xem một cảm xúc dạt dào, chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng độc lập, tự do.

* Lời tri ân sâu sắc…

Để có bộ sưu tập ảnh và hiện vật những con đường mang tên Bác, theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du từ rất lâu, bảo tàng đã có kế hoạch tổ chức triển lãm với mong muốn gửi đến người dân, du khách tham quan những hình ảnh và câu chuyện về anh Bộ đội Cụ Hồ với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, lạc quan yêu đời, cảm nhận được lý tưởng của người cộng sản.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du cho biết, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển và những con đường khác đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Đồng Nai trưng bày, giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân triển lãm Những con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 4-1-2020.

Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng, các câu chuyện về những con đường mang tên Bác đã đưa mọi người trở về hồi ức của một thời kỳ lịch sử đầy đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đó không chỉ là lời tri ân, tôn vinh những cống hiến của quân và dân ta mà còn cổ vũ thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, xung kích, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, để góp phần đa dạng các câu chuyện xung quanh những con đường mang tên Bác, ông Trần Quang Toại cho rằng, cần sưu tầm và bổ sung thêm mảng đóng góp của Đồng Nai, các tỉnh miền Đông Nam bộ trong việc hình thành nên những con đường huyền thoại này.

“Chẳng hạn, để hình thành con đường Hồ Chí Minh trên biển, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có gia đình bà Mười Riều đã bán hết tài sản để mua gỗ đóng thuyền đi từ Phước Hải ra miền Bắc. Chuyến tàu đầu tiên bí mật vượt biển ra Bắc ấy có 6 chiến sĩ, họ đều mặc quần áo nâu giả làm ngư dân đánh bắt cá trên biển. Hay góp phần hình thành con đường Hồ Chí Minh trên bộ, ở Đồng Nai có nhiều nhân vật như: Phạm Lạc, Chín Hồng, Trần Quang Sang… đã góp sức” - ông Trần Quang Toại chia sẻ.

Ly Na

Tin xem nhiều