Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS

11:12, 05/12/2019

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 4.600 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú là 3.762 bệnh nhân, đạt 81,8% so với số người nhiễm HIV được quản lý.

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 4.600 trường hợp nhiễm HIV, trong đó số bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú là 3.762 bệnh nhân, đạt 81,8% so với số người nhiễm HIV được quản lý.

Lấy máu xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: K.Ngọc
Lấy máu xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: K.Ngọc

Những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được quản lý và điều trị ngày càng tăng.

* Sống bình thường nhờ thuốc ARV

Hơn 10 năm nay, anh H.H.N., ngụ TP.Biên Hòa sống chung với HIV/AIDS. Anh N. kể, khi mắc bệnh được 6 tháng, anh mới phát hiện bệnh và CD4 (là tế bào bạch cầu được tạo do đáp ứng của hệ miễn dịch, có vai trò quan trọng trong việc chống lại virus) chỉ còn hơn 200 (ở người bình thường CD4 phải từ 500 - 1.200). “Lúc ấy, tôi rất yếu, đi không nổi. Mẹ và em trai phải dìu đi khám bệnh, lấy thuốc. Hơn nữa, tâm lý lúc đó cũng rất hoảng loạn, chán nản” - anh N. nhớ lại.

Được sự động viên của bác sĩ, mỗi tháng, anh N. lấy thuốc uống 1 lần tại Phòng OPC (phòng khám và điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS) của TP.Biên Hòa và 3-6 tháng lại xét nghiệm 1 lần. Mới đây, anh N. kết hôn và vợ chồng anh đã lên kế hoạch sinh con. “Hơn 10 năm bị bệnh, tôi có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức về căn bệnh này từ hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ. Tôi tin mình sẽ dự phòng tốt để con sinh ra không mắc bệnh” - anh N. vui vẻ nói.

Đều đặn, mỗi tháng 1 lần, chị H.K. “lặn lội” từ TP.Long Khánh lên Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy thuốc ARV (là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể). Lý do chị K. phải đi xa lấy thuốc vì Phòng khám OPC của TP.Long Khánh có người quen đang làm việc nên chị muốn tránh mặt. Năm 2010, chị K. phát hiện bệnh khi đang mang thai.

Chị K. kể: “Lúc ấy, tôi không cảm thấy lo lắng cho bản thân mình mà rất lo lắng cho con. Tôi sợ con bị lây truyền bệnh. May mắn, tôi sử dụng thuốc ARV ngay khi phát hiện bệnh và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nên con tôi không mắc bệnh”.

Khi điều trị bằng thuốc ARV, sức khỏe của chị K. cải thiện rõ rệt, tăng cân từ 40kg lên 49kg, CD4 cũng tăng từ 80 đến hơn 300. Hiện chị K. làm công nhân, hằng ngày vẫn uống thuốc ARV và làm việc như mọi người khác.

* Đẩy lùi đại dịch HIV

“Thuốc ARV chính là “chìa khóa” đẩy lùi đại dịch HIV vì nó góp phần giảm lây nhiễm HIV từ người bệnh sang người lành. Khi người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV đều đặn, đúng giờ thì tải lượng virus được kìm hãm, không có khả năng lây cho người khác” - bác sĩ Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh.

Trước năm 2010, số lượng người nhiễm HIV lớn và trở thành gánh nặng bệnh tật cho toàn xã hội. Nhưng kể từ khi có thuốc ARV được đưa vào điều trị cho người nhiễm HIV, số người nhiễm và tử vong do căn bệnh này đã giảm rõ rệt.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS (12-2019), ngành Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho người dân, đặc biệt người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS...

Để việc điều trị HIV hiệu quả hơn, Đồng Nai đã triển khai 2 phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế Long Thành. Hiện nay, 2 phòng xét nghiệm này đều trả kết quả nhanh trong ngày. Những người có kết quả dương tính với HIV được đưa vào điều trị bằng ARV ngay để tránh lây truyền trong cộng đồng.

“Người bệnh được điều trị đều đặn, sớm bằng ARV giúp có cuộc sống khỏe mạnh, giảm khả năng lây nhiễm HIV cho cộng đồng và từ mẹ sang con” - bác sĩ Ngọc nói.

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 có chủ đề Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS!, không chỉ là mục tiêu hướng tới của Việt Nam mà còn của toàn thế giới. Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo như cam kết của Việt Nam với Tổ chức Y tế thế giới, ngành Y tế đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và can thiệp. Trong đó, công tác dự phòng lây truyền  HIV từ mẹ sang con được triển khai trên toàn tỉnh với nhiều hình thức như: tư vấn xét nghiệm cho phụ nữ mang thai sớm, cấp thuốc ARV cho phụ nữ mang thai khi phát hiện nhiễm HIV, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

“Nhiều bà mẹ bị nhiễm HIV nhưng nhờ được tư vấn, can thiệp sớm nên con sinh ra không bị nhiễm bệnh” - bác sĩ Hòa nói.  

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều