Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thầy với sáng tạo 'bảng đa năng'

04:12, 19/12/2019

Hiện nay, một số trường học ở huyện Nhơn Trạch đã đưa vào sử dụng thiết bị bảng đa năng trong việc dạy học và được các giáo viên đánh giá cao. Tuy nhiên, ít ai biết được, người sáng tạo ra bảng đa năng này lại là một giáo viên của một trường tiểu học trong vùng.

Hiện nay, một số trường học ở huyện Nhơn Trạch đã đưa vào sử dụng thiết bị bảng đa năng trong việc dạy học và được các giáo viên đánh giá cao. Tuy nhiên, ít ai biết được, người sáng tạo ra bảng đa năng này lại là một giáo viên của một trường tiểu học trong vùng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thầy Ngô Quốc Toàn (thứ 2 từ phải sang) tại lễ tổng kết trao giải các phong trào, hội thi tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh:N.An
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thầy Ngô Quốc Toàn (thứ 2 từ phải sang) tại lễ tổng kết trao giải các phong trào, hội thi tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh:N.An

Đó là thầy Ngô Quốc Toàn, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu (thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch). Thầy Toàn và một học sinh trong trường đã mất khoảng 6 tháng để biến ý tưởng thành một sản phẩm hoàn chỉnh được đặt tên là thiết bị 3 trong 1 dành cho bảng đen (hay còn gọi là bảng đa năng).

* Tiện ích của bảng đa năng

Thầy Toàn cho biết, nét mới và sáng tạo của bảng đa năng là tăng thêm nhiều chức năng cho chiếc bảng đen truyền thống. Bảng đa năng có những tính năng chính như: xóa bảng thông minh tự động (thiết bị có thể tự nhận biết phần bảng cần xóa và tự động xóa thông qua các cảm biến đã được lập trình sẵn); thu bụi phấn, không để bụi phấn phát tán ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe giáo viên và học sinh. Đặc biệt, thiết bị này có thể xóa được mọi vị trí trên bảng kết hợp điều khiển từ xa.

Thời gian qua, thầy Ngô Quốc Toàn còn tận tình hướng dẫn học sinh của Trường tiểu học Phú Hữu tham dự nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học, công nghệ các cấp và đoạt giải cao. Chẳng hạn, mô hình đồ dùng dạy học sử dụng các môn ở khối tiểu học đã đoạt giải cấp quốc gia do Trung ương Đoàn kết hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức năm học 2018-2019.

Bên cạnh đó, bảng đa năng còn có thể tô, vẽ lại bất kỳ hình ảnh, biểu đồ, bảng đồ, đồ thị lên bảng với sai số nhỏ hơn 5%; có thể vẽ đồ thị hàm số lên bảng khi nhập vào máy tính phương trình tương ứng. Bảng đa năng cũng có cơ cấu kẹp phấn linh hoạt và có thể thay thế phấn bằng bút lông. Ngoài ra, bảng đa năng cũng cho tích hợp micro và loa bluetooth để hỗ trợ giáo viên khi giảng dạy.

Thầy Toàn cho biết thêm, thiết bị bảng đa năng còn có thể nâng cấp một số tính năng mới như: phát triển hệ thống tự thu và nén bụi phấn để có thể tái sử dụng phấn; thêm chức năng chụp hình bằng webcam và có thể đặt thiết bị nơi công cộng để vẽ chân dung, thu lợi nhuận kinh tế; nâng cấp thiết bị trở nên linh hoạt hơn để dễ dàng tháo, lắp bút vẽ phục vụ nhiều việc khác như: thiết kế và tạo các khối hình học, các khối trò chơi (hỗ trợ giáo viên mầm non), khắc gỗ, mica, cắt decal; tương tác từ xa giúp giáo viên có thể dạy học từ xa khi không có mặt trên lớp…

* Ý tưởng xuất phát từ thực tế

Nói về ý tưởng thực hiện bảng đa năng, thầy Toàn chia sẻ, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình giáo dục là xu thế tất yếu. Việc sử dụng máy chiếu hoặc những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại mới (bảng điện tử thông minh, màn hình tương tác, sách giáo khoa điện tử) mang lại nhiều hiệu quả tích cực giúp việc dạy và học sinh động, hấp dẫn hơn; tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh...

Thây Ngô Quôc Toan giới thiệu về mô hinh bảng đa năng
Thây Ngô Quôc Toan giới thiệu về mô hinh bảng đa năng

Tuy nhiên, hiện nay, do giá thành của các thiết bị này khá cao (từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng) nên hầu hết các lớp học vẫn sử dụng bảng đen, phấn trắng theo kiểu truyền thống, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mô hình bảng đa năng đã đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật năm 2018 do Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức. Mới đây, tại lễ tổng kết trao giải các phong trào, hội thi tỉnh Đồng Nai năm 2019, thầy Ngô Quốc Toàn đã được nhận huy hiệu và bằng lao động sáng tạo của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vì đã đạt danh hiệu lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018.

Trong khi hạn chế của việc sử dụng bảng truyền thống là việc phát sinh bụi phấn khi viết, lau bảng, ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và học sinh. Đồng thời, việc dùng bảng đen, phấn trắng truyền thống đã gây không ít khó khăn cho một số giáo viên khi vẽ những hình ảnh lên bảng cần độ chính xác tương đối cao. Thêm vào đó là nỗi lo bị khàn giọng, mất giọng đối với giáo viên ngày càng cao do phải nói lớn và liên tục trong một thời gian dài.

Trước thực tế đó, nhóm của thầy Toàn đã nghĩ ra ý tưởng trang bị thêm cho bảng đen một số công cụ để có thể lau bảng tự động và thu được bụi phấn; hỗ trợ giáo viên vẽ lên bảng những hình ảnh phức tạp; tích hợp micro trợ giảng và loa bluetooth để hỗ trợ giáo viên giảng bài được tốt hơn.

Tháng 8-2018, nhóm của thầy Toàn bắt tay vào làm bảng đa năng. Quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Trong đó, theo thầy Toàn, khó nhất là việc lựa chọn và mua vật tư cho các thiết bị truyền động của bảng; đồng thời, việc lập trình cho thiết bị cũng mất nhiều thời gian vì phải tự tìm hiểu trên inernet. Với sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng nhóm cũng đã làm ra thiết bị như mong đợi.

“Bảng đa năng sau khi hoàn thiện có giá chỉ từ 2-2,5 triệu đồng/thiết bị. Vừa có giá trị kinh tế vừa không gây ô nhiễm môi trường; gia công đơn giản, dễ tìm, bất cứ nơi đâu làm cũng được từ thành thị đến nông thôn; mang tính thẩm mỹ cao và thuận lợi cho việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác” - thầy Toàn cho biết.

Nhân An

Tin xem nhiều