Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó cấm siêu âm xác định giới tính

10:12, 16/12/2019

Việc lợi dụng thiết bị siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi hiện khá phổ biến, nhất là ở các phòng khám tư nhân.

Việc lợi dụng thiết bị siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi hiện khá phổ biến, nhất là ở các phòng khám tư nhân.

Bác sĩ siêu âm tầm soát dị tật thai nhi (ảnh minh họa). Ảnh:H. Yến
Bác sĩ siêu âm tầm soát dị tật thai nhi (ảnh minh họa). Ảnh:H. Yến

* Nhu cầu lớn

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh kể, đã có những cặp vợ chồng khi siêu âm ở phòng khám tư nhân phát hiện lần mang bầu thứ 3 cũng là con gái (đã có 2 con gái) nên đến trung tâm để bỏ thai. “Chúng tôi đã phải thuyết phục rất nhiều lần cả vợ lẫn chồng, khuyên họ đừng bỏ thai nhi, bởi khả năng người mẹ phải đối mặt với các biến chứng như: nhiễm trùng, sốc phản vệ, băng huyết… là rất lớn nhưng những cặp vợ chồng đó vẫn quyết định bỏ thai” - bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay.

Theo Sở Y tế, thực tế việc cấm các cơ sở siêu âm tư nhân tiết lộ giới tính thai nhi là rất khó khăn do các cơ sở không thể hiện trên giấy, thông báo bằng miệng theo nhiều cách khác nhau. Thời gian qua, Sở Y tế dù đã kiểm tra nhưng không thể xử phạt về hành vi này do không có cơ sở, bằng chứng rõ ràng.

Tại Khoản 2, Điều 7 của Pháp lệnh Dân số đã quy định: “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (tư vấn, chẩn đoán giới tính của thai nhi, phá thai...)”. Tiếp đó, Chính phủ cũng đưa ra Nghị định số 104/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số ngày 16-9-2003, quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Theo đó, mọi hành vi như phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi bằng xét nghiệm máu, siêu âm, hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng các bác sĩ, nhân viên y tế ở các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân tiết lộ giới tính thai nhi cho sản phụ khá phổ biến. Để “lách luật”, bác sĩ ở các phòng khám không ghi kết quả siêu âm giới tính thai nhi vào giấy khám, nhưng họ lại khéo léo thông báo với các sản phụ theo kiểu: cháu giống cha hoặc giống mẹ…

Không chỉ sử dụng thiết bị siêu âm, nhiều cặp vợ chồng đã đến một số cơ sở y tế tư nhân để xét nghiệm máu, nước tiểu để chẩn đoán thai nhi. Bác sĩ Nguyễn Kim Thanh kể, bà từng gặp một phụ nữ “nhờ” Khoa Sức khỏe sinh sản của trung tâm lấy máu để gửi đi làm xét nghiệm chẩn đoán giới tính thai nhi. “Khi chúng tôi từ chối làm dịch vụ này, cô ấy đã ra tận Hà Nội để đến một cơ sở tư nhân làm xét nghiệm xác định giới tính thai nhi. Khoảng vài tuần sau, cô ấy quay lại đăng ký dịch vụ bỏ thai vì xét nghiệm giới tính thai nhi là con gái” - bác sĩ Thanh kể.

Một bác sĩ tại phòng khám tư nhân ở TP.Biên Hòa cho rằng, mặc dù quy định của Bộ Y tế cấm siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi nhưng hầu hết sản phụ tới siêu âm đều yêu cầu cho biết thai nhi là trai hay gái. “Do đó, chúng tôi buộc phải nói giới tính thai nhi bằng nhiều cách khác nhau bởi nếu không nói thì dễ bị mất khách. Để vừa thu hút được khách hàng, vừa tránh được vi phạm quy định, nhiều bác sĩ đã phải học những “tiểu xảo” đọc và thông báo giới tính thai nhi” - vị bác sĩ này chia sẻ.

* Tai biến do phá thai

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, việc lợi dụng siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi rồi phá thai là rất khó ngăn cấm. Từ tuần mang thai thứ 12, việc siêu âm sẽ biết được giới tính thai nhi. Nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng phá thai sau “cuộc siêu âm” này bởi tai biến do phá thai là vô cùng nghiêm trọng.

“Chúng tôi đã gặp nhiều phụ nữ rất “liều” khi tự mình mua thuốc phá thai để uống hoặc đến các cơ sở nhỏ, lẻ, không có chuyên môn để nạo phá thai. Họ phải vào bệnh viện cấp cứu khi bị xuất huyết, nhiễm trùng sau khi phá thai” - bác sĩ Hoan nói.

Hậu quả của việc phá thai là khi sinh con trở lại, tử cung của người mẹ bị tổn thương do viêm nhiễm sẽ gây ra băng huyết. Bác sĩ Hoan cho hay, những năm trước đây, chỉ những bệnh nhân sinh con lần thứ 4, bác sĩ mới lo ngại bệnh nhân băng huyết khi sinh. Nhưng gần đây, ngay cả bệnh nhân sinh con đầu cũng bị  băng huyết do đã từng phá thai.

Điều đáng lo ngại là bệnh nhân chọn phá thai ở các cơ sở không có chuyên môn. Khi phá thai ở đó, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Các bác sĩ của bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân tự ý phá thai dẫn đến chảy máu ồ ạt, choáng, phải cấp cứu, truyền máu, cầm máu và biến chứng thủng tử cung.

Khánh Ngọc

Tin xem nhiều