Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

03:12, 02/12/2019

Ngày càng có nhiều chuyên gia, các nhà giáo dục đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới), cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp…

Ngày càng có nhiều chuyên gia, các nhà giáo dục đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT mới), cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp… Tuy nhiên, để hái được “quả ngọt” từ chương trình GDPT mới thì không chỉ ngành Giáo dục mà cả xã hội đều cần kiên nhẫn và cùng chung tay chuyển hóa.

Học sinh Trường THCS Phú Bình (huyện Tân Phú) tham gia Câu lạc bộ STEM robot. Ảnh: H.YẾN
Học sinh Trường THCS Phú Bình (huyện Tân Phú) tham gia Câu lạc bộ STEM robot. Ảnh: H.YẾN

[links()]Bà Phạm Hải Yến, Giám đốc điều hành của doanh nghiệp xã hội School of Gumption (trụ sở ở Singapore, có nhiều hoạt động giáo dục tại Việt Nam)trưởng thành từ nền giáo dục Việt Nam, sau đó du học và làm việc cho hệ thống giáo dục công lập ở Singapore 10 năm, trong đó có 2 năm công tác tại Bộ Giáo dục nước này. Vì thế, bà Hải Yến hiểu khá rõ về nền giáo dục của cả hai nước. Sau khi tìm hiểu kỹ về chương trình GDPT mới, bà vui mừng khi tìm thấy nhiều điểm tương đồng tích cực trong xu hướng chuyển hóa của giáo dục Việt Nam và Singapore.

* Những tương đồng tích cực

Công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1

Bộ GD-ĐT đã công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình GDPT mới sẽ triển khai từ năm học 2020. Theo đó, có 32 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Các địa phương có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp.

 

Theo đó, hình tượng của một người Singapore sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bậc phổ thông cần có một số phẩm chất, năng lực sau: có giá trị cốt lõi; có kiến thức về bản thân, hiểu về xã hội, kiến thức để ra quyết định lựa chọn đúng đắn; có kỹ năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo đổi mới, nhận thức về chuyển hóa toàn cầu và làm việc trong môi trường đa văn hóa; là con người tự tin, biết tự định hướng việc học tập của mình, một công dân biết quan tâm, đóng góp một cách năng nổ cho xã hội.

Còn mục tiêu của chương trình GDPT mới của Việt Nam là giáo dục con người toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực; kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ. “Đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh” là một trong những quan điểm xây dựng chương trình GDPT mới. Như vậy, cả giáo dục Việt Nam và Singapore đều hướng đến giá trị đầu tiên là nhân văn. Cá nhân bà Yến cho rằng đây là xu hướng khá hay và đáng ghi nhận của giáo dục Việt Nam.

Cũng đánh giá cao chương trình GDPT mới, ông Nguyễn Việt Trung, Phó tổng giám đốc Công ty KDI Education (trụ sở tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, định hướng phát triển giáo dục STEM (science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và maths (toán học) trong chương trình GDPT mới là rất phù hợp với xu thế phát triển. Ông Trung đã lấy giáo dục STEM ở Israel làm thế đối chiếu cho nhận định này. Theo đó, Israel là đất nước có số kỹ sư và nhà khoa học lớn nhất thế giới (135/10.000 người). Đây cũng là đất nước có bình quân số bằng sáng chế trên đầu người cao nhất (109 bằng sáng chế/10.000 người). Trong vòng 67 năm qua, người Israel cũng đã đoạt 12 giải Nobel ở các lĩnh vực: Hóa học, Kinh tế, Hòa bình, Văn học… Những thành tựu trên có đóng góp không nhỏ của chiến lược phát triển giáo dục STEM.

Hiện nay, ở Israel, giáo dục STEM được tiến hành khá phong phú, đa dạng và liên tục. Không chỉ trong chương trình phổ thông, giáo dục STEM được áp dụng cả trong thời gian phục vụ quân đội và ở bậc đại học. Nhờ đó, khi làm việc, người Israel có nền tảng để nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực STEM.

Mặc dù có nền giáo dục phát triển nhưng Singapore cũng đang gặp phải những khó khăn, thách thức mang tính hệ thống. Những khó khăn này khá giống với hiện trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay. Đầu tiên là hệ thống đánh giá giáo viên, học sinh còn nặng về thành tích.

Thứ hai, học sinh của cả hai đất nước đều bị cuốn vào “cuộc đua điểm số” để vào trường tốp trên. “Không chỉ ở Việt Nam, phụ huynh ở Singapore cũng tin vào công thức: có điểm cao thì vào trường giỏi, vào trường giỏi thì có bằng giỏi, có bằng giỏi thì có việc làm tốt, lương cao. Vì thế, mỗi năm, phụ huynh Singapore chi ra số tiền rất lớn để cho con đi học thêm nhằm đạt được điểm cao trong các kỳ thi” - bà Phạm Hải Yến cho biết.

* Kiên nhẫn và cùng chung tay chuyển hóa

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình GDPT mới chính thức được áp dụng ở lớp 1. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cho sự thay đổi quan trọng này. Theo đó, công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đang được thực hiện. Trong đó, Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh được giao phụ trách tập huấn ở 19 tỉnh khu vực phía Nam. Quy trình tập huấn rất chặt chẽ. Giáo viên phải tham gia lớp tập huấn online trong 5 ngày, khi được đánh giá đạt từ 90% trở lên mới được dự lớp tập huấn trực tiếp trong 3 ngày. Sau đó, những giáo viên này còn phải tiếp tục tập huấn online thêm 7 ngày nữa mới hoàn thành khóa tập huấn.

TS.Nguyễn Thành Thi, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh chia sẻ về những điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho các quản lý giáo dục, giáo viên tại Hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam tổ chức tại Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh vừa qua
TS.Nguyễn Thành Thi, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh chia sẻ về những điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho các quản lý giáo dục, giáo viên tại Hội thảo Xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam tổ chức tại Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh vừa qua

PST-TS.Nguyễn Thành Thi (giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh) là thành viên Ban soạn thảo môn Ngữ Văn chương trình GDPT mới cho biết, chương trình GDPT tổng thể được xây dựng trong 3 năm với rất nhiều nội dung, hệ thống. Chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn học có quan hệ mật thiết với nhau. Vì thế, để hiểu rõ về chương trình, bản thân các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phải đọc thật kỹ để có cái nhìn tổng thể. “Đọc chương trình GDPT mới một vài lần chưa thể hiểu được đâu mà phải đọc rất, rất nhiều lần” - TS. Nguyễn Thành Thi nhấn mạnh.

Mục tiêu giáo dục trong chương trình GDPT mới nhằm giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

“Rõ ràng, mục tiêu chương trình GDPT mới có những bước tiến rất đáng khích lệ. Lý thuyết là vậy nhưng để đạt được tầm nhìn và khát vọng đó thì còn tồn tại rất nhiều thách thức hệ thống. Do đó, chúng ta phải kiên nhẫn và cùng chung tay để chuyển hóa nền giáo dục nước nhà” - bà Phạm Hải Yến mong muốn.

Những điểm đáng chú ý của môn Toán chương trình GDPT mới

Quan điểm xây dựng chương trình môn Toán là tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo, trong đó nhấn mạnh các quan điểm: bảo đảm tính thống nhất, sự nhất quán và phát triển liên tục; bảo đảm tính tích hợp và phân hóa; bảo đảm tính mở (để tùy điều kiện từng trường, từng vùng mà có hướng triển khai riêng).

Về phương pháp dạy học, quán triệt nguyên tắc: từ cụ thể đến trừu tượng và từ dễ đến khó. Tổ chức cho học sinh các hoạt động tìm tòi, khám phá, phát hiện kiến thức Toán học. Tạo cơ hội để học sinh có thể học theo nhiều cách khác nhau (học cá nhân, học hợp tác, học thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm với sự giúp đỡ, định hướng hợp lý của giáo viên).

Hải Yến


Giáo viên Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường tiểu học Liên Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán):

Chương trình tạo cho giáo viên nhiều cảm hứng mới

Qua tìm hiểu về tổng thể chương trình GDPT mới cũng như được tập huấn về chương trình này, chúng tôi nhận thấy chương trình đã tạo cho giáo viên nhiều cảm hứng mới so với chương trình hiện hành.

Điều giáo viên cảm thấy thích thú là nếu như chương trình cũ giáo viên chỉ chủ yếu tập trung truyền đạt kiến thức để học sinh hiểu bài, còn chương trình mới giáo viên ngoài việc truyền đạt kiến thức còn giúp học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề cụ thể. Chẳng hạn trước đây, giáo viên công nghệ dạy học sinh nấu cơm chủ yếu dạy lý thuyết trên sách vở còn trong chương trình mới, giáo viên có thể giới thiệu lý thuyết sau đó sẽ dạy các em thực hành một quy trình đầy đủ để có thể có một nồi cơm ngon, điều này hẳn học sinh sẽ cảm thấy thú vị.

Giáo viên Phạm Thị Kim Dịu (Trường tiểu học An Bình, phường An Bình, TP.Biên Hòa):

Giúp giáo viên chủ động đổi mới, sáng tạo

Sau khi được tập huấn về chương trình GDPT mới, chúng tôi cảm thấy chương trình đã giúp giáo viên “cởi bỏ” được khá nhiều áp lực trong quá trình triển khai truyền đạt kiến thức cho học sinh. Việc dạy học của giáo viên trong những năm tới chắc chắn sẽ không còn thụ động, nhàm chán nữa mà sẽ thoải mái hơn, giáo viên có thể sáng tạo hơn trong cách truyền đạt kiến thức với nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, học sinh không chỉ nắm bắt kiến thức mà còn có thể vận dụng kiến thức, đồng thời hoàn thiện được phẩm chất năng lực của mình. Chúng tôi đánh giá cao chương trình mới, vì chúng tôi được quyền chủ động hoàn toàn nội dung dạy học đối với môn học đó, không nhất thiết phải dạy theo thứ tự chương trình, miễn sao đảm bảo đầy đủ nội dung.

Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình Bùi Thị Mai Xoan (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa):

Chủ động tìm hiểu kỹ chương trình

Chương trình GDPT mới đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu và chuẩn bị công phu, có lộ trình áp dụng phù hợp cho từng giai đoạn. Bộ GD-ĐT cũng đã có những bước tập huấn cho giáo viên với nhiều hình thức khác nhau cho giáo viên cốt cán của các trường thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp. Chúng tôi tin tưởng chương trình này sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho việc dạy và học sắp tới.

Tuy nhiên tôi cho rằng, muốn đạt được hiệu quả đối với chương trình GDPT mới thì từ cán bộ quản lý đến giáo viên đều phải chủ động tìm hiểu kỹ nội dung chương trình. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất và nhất là tinh thần cho giáo viên nhằm sẵn sàng đón nhận và triển khai ứng dụng hiệu quả chương trình này.  

Công Nghĩa (ghi)


 

 

Tin xem nhiều