Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện không giấy đầu tiên ở Đồng Nai

09:12, 18/12/2019

Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Sự thay đổi ban đầu tuy có khó khăn, song đã được các y, bác sĩ của bệnh viện khắc phục...

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên tại Đồng Nai triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ trên bệnh án điện tử để chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: H.Dung
Điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ trên bệnh án điện tử để chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Sự thay đổi ban đầu tuy có đôi chút khó khăn song đã được các y, bác sĩ của bệnh viện khắc phục và nhận được những phản hồi tích cực.

* 17 khoa, phòng đều triển khai

Ông Bảo Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, với hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và đội ngũ nguồn nhân lực tương đối đồng đều, bệnh viện được Sở Y tế lựa chọn là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai thí điểm bệnh án điện tử vào cuối tháng 8-2019.

Trong 3 tháng đầu, bệnh viện mới thực hiện tại một số khoa, phòng để rút kinh nghiệm. Song song đó, các nhân viên của Công ty cổ phần Clas Healthcare (đơn vị phối hợp thực hiện bệnh án điện tử) luôn túc trực tại bệnh viện để hướng dẫn bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, kỹ thuật viên… thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện bệnh án điện tử.

Kể từ giữa tháng 11 đến nay, đơn vị đối tác đã mở hơn 15 lớp đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên công nghệ thông tin trong bệnh viện biết cách thao tác, vận hành, sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Đến ngày 25-12, bệnh viện sẽ triển khai bệnh án điện tử tại tất cả 17 khoa, phòng của bệnh viện. Điều này đồng nghĩa với việc “khai tử” bệnh án giấy vốn gây rất nhiều phiền toái cho các bác sĩ, điều dưỡng từ trước đến nay.

Là bác sĩ trẻ, lại có trình độ công nghệ thông tin khá tốt nên bác sĩ Nguyễn Gia Duy Trí, Khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận bệnh án điện tử rất nhanh. Bác sĩ Trí cho biết, trước đây sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ ghi diễn tiến bệnh, chỉ định thuốc, xét nghiệm… vào bệnh án giấy. Khi có kết quả chụp phim hay xét nghiệm của khoa xét nghiệm trả về, bác sĩ sẽ dán vào bệnh án giấy, ghi kết quả xét nghiệm vào bệnh án giấy.

“Một ca trực, tôi phải dành nhiều giờ cho việc ghi bệnh án giấy. Đó là chưa kể có khi bác sĩ đang ở ngoài đường hay ở nhà, muốn xem kết quả xét nghiệm, phim chụp của bệnh nhân buộc phải chạy vào bệnh viện hoặc nhờ bác sĩ đang có mặt ở bệnh viện chụp lại bản kết quả giấy gửi qua mail, Zalo… mới xem được” - bác sĩ Trí cho hay.

Hiện nay, khi đã triển khai bệnh án điện tử, bác sĩ Trí dù đang ở bất cứ đâu, chỉ cần có iPad hay máy vi tính có kết nối internet, nhập tên đăng nhập, mật khẩu của bác sĩ, nhập mã số bệnh nhân/tên bệnh nhân là có thể đọc được kết quả xét nghiệm, chụp phim của bệnh nhân. Từ đó có thể chỉ định thuốc hay làm các xét nghiệm cần thiết tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều dưỡng khi đăng nhập vào bệnh án điện tử này có thể thực hiện y lệnh của bác sĩ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.

Bác sĩ Trí tâm đắc: “Nếu trước đây, mỗi ngày tôi khám cho 20 bệnh nhân phải “ôm” 20 bộ bệnh án giấy thì nay tôi chỉ cần một chiếc iPad là đã có đầy đủ thông tin của 20 bệnh nhân, rất thuận tiện”.

* Dành thời gian cho bệnh nhân nhiều hơn

Điều dưỡng Lê Thị Mỹ Linh, liên chuyên khoa mắt - tai mũi họng - răng hàm mặt bộc bạch, trước đây mỗi ngày chị phải làm hơn 30 bệnh án giấy. Buổi sáng sau khi bác sĩ kê thuốc, chỉ định cận lâm sàng trong bệnh án giấy, điều dưỡng phải dò, nhập thông tin vào phần mềm HIS (phần mềm quản lý bệnh viện), sau đó in ra, hướng dẫn bệnh nhân đi thực hiện cận lâm sàng. Trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân, nếu bác sĩ có thêm chỉ định thì điều dưỡng tiếp tục lặp lại công việc như trên. Đến buổi tối, điều dưỡng phải ngồi lại để ghi chép diễn tiến, việc dùng thuốc của bệnh nhân vào bệnh án giấy, tốn rất nhiều thời gian.

Nay, khi bác sĩ đã chỉ định trên bệnh án điện tử, bệnh án điện tử sẽ trực tiếp kết nối với các phần mềm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, điều dưỡng không còn phải in phiếu ra như trước mà chỉ cần dựa vào bệnh án điện tử để đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm. Điều dưỡng không cần ghi chép lại thông tin mà chỉ cần kiểm tra thông tin của bệnh nhân trên bệnh án điện tử xem đã đầy đủ chưa.

“Đỡ nhất là phần lãnh thuốc. Trước đây bác sĩ ghi lên bệnh án giấy cho thuốc gì, điều dưỡng phải nhìn vào bệnh án giấy rồi đánh máy, in phiếu thuốc. Chưa kể nhiều bác sĩ viết chữ khó đọc dễ gây sai sót về tên thuốc, thiếu thuốc. Nay điều dưỡng không phải đánh lại tên thuốc và in phiếu ra mà chỉ y lệnh, kết nối tổng hợp thuốc” - điều dưỡng Võ Thị Ngọc Ánh, Khoa Truyền nhiễm cho hay.

Cũng nhờ không phải mất quá nhiều thời gian, tốn nhiều công sức vào việc ghi chép bệnh án giấy mà từ nay bác sĩ, điều dưỡng có thêm nhiều thời gian để giao tiếp, tương tác với bệnh nhân, hiểu bệnh nhân và có những chia sẻ qua lại nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, sau khi triển khai bệnh án điện tử thành công tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, đầu năm 2020, Sở Y tế sẽ mời Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và UBND tỉnh đến bệnh viện này để nghiệm thu. Sau đó, Sở sẽ triển khai đến tất cả các bệnh viện trong tỉnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên bày tỏ: “Sắp tới đây, bệnh viện sẽ xây dựng mô hình bệnh viện thông minh với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Mục đích cuối cùng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện, giúp người dân không phải chờ đợi lâu, được phục vụ một cách tận tình, chu đáo nhất”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều