Báo Đồng Nai điện tử
En

'Siết' mua bán giấy nghỉ bệnh giả

09:11, 13/11/2019

Công nhân muốn nghỉ việc mà vẫn hưởng lương, có thể tìm đến quán nước gần bệnh viện, thậm chí là quầy thuốc tây, tiệm photocopy để mua giấy nghỉ bệnh.

Công nhân muốn nghỉ việc mà vẫn hưởng lương, có thể tìm đến quán nước gần bệnh viện, thậm chí là quầy thuốc tây, tiệm photocopy để mua giấy nghỉ bệnh.

Giấy nghỉ bệnh có thể mua dễ dàng tại quầy thuốc. Ảnh: B.Mai
Giấy nghỉ bệnh có thể mua dễ dàng tại quầy thuốc. Ảnh: B.Mai

Hầu hết đều là giấy giả nhưng một số doanh nghiệp thường “bấm bụng” làm ngơ, giải quyết chế độ cho người lao động. 

* Làm giấy nghỉ bệnh, đâu cũng có

Qua giới thiệu của vài công nhân, chúng tôi tìm đến một quán nước nhỏ trước cổng Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (huyện Long Thành) để hỏi mua giấy nghỉ bệnh. Tại đây, một phụ nữ chừng hơn 50 tuổi được mọi người gọi là “má Chín” nhận làm giấy nghỉ bệnh với mức giá 200 ngàn đồng/giấy, không phụ thuộc vào số ngày nghỉ. Bà Chín cho rằng, tùy theo số ngày nghỉ của công nhân mà ghi giấy nghỉ bệnh và kê toa thuốc cho phù hợp. Cụ thể như, cảm sốt ghi nghỉ 1 ngày, sốt xuất huyết là 3 ngày, đặt vòng tránh thai là 5 ngày...

Bà Chín khẳng định mức giá dịch vụ do mình đưa ra khá rẻ vì có một số “mối” tính tiền giấy nghỉ bệnh theo số ngày nghỉ, với 80 ngàn đồng/ngày. “Đây là giấy thật, có chữ ký thật của bác sĩ nên cô cứ yên tâm sẽ được nghỉ và được thanh toán tiền bảo hiểm” - bà Chín nói với chúng tôi.

Sau vài phút trao đổi, bà Chín cho số điện thoại và dặn chúng tôi hôm sau quay lại sẽ có người dắt vào bệnh viện, khám khoảng 15 phút là xong và có giấy nghỉ bệnh. Chúng tôi không cần phải “đặt cọc” trước cho đến khi cầm giấy trên tay mới trả tiền. Trường hợp người bệnh không muốn vào bên trong khám phải qua ngày hôm sau mới lấy được giấy.

Không chỉ ở cổng bệnh viện, nhiều công nhân còn cho biết có thể mua giấy nghỉ bệnh ở quầy thuốc tây, tiệm photocopy...

Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi đến một tiệm thuốc tây ở phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) hỏi mua giấy nghỉ bệnh. Sau khi hỏi họ tên, năm sinh, địa chỉ của chúng tôi, nhân viên bán thuốc tại đây đưa cho một đơn thuốc và giấy nghỉ 2 ngày. Đơn thuốc được đóng dấu tròn đỏ của Trạm y tế phường Tân Vạn và người ký giấy là bác sĩ V. (cũng là tên của tiệm thuốc).

* Chuyển công an điều tra xác minh

Vào tháng 8-2019, Công ty TNHH Phương Đông Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế xác minh 3 trường hợp có dấu hiệu mua bán 6 giấy cho nghỉ bệnh để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Các trường hợp nghỉ bệnh đều được cấp toa thuốc từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Sau khi nhận được phản ảnh trên, đoàn thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Những người được cấp giấy nghỉ bệnh là Nguyễn Trọng Khiêm, Phạm Minh Nhật, Nguyễn Hoàng Khánh có số ngày nghỉ bệnh khá gần nhau. Trên các giấy nghỉ bệnh này sử dụng mã vào viện (số thứ tự) gồm 10 ký tự nhưng thực tế, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chỉ sử dụng 8 ký tự. Hoặc các giấy nghỉ bệnh này đều sử dụng mã y tế sai với mã của bệnh viện.

Theo Phó chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Thanh Thủy, trên hồ sơ của các đối tượng này còn ghi có dấu mộc của bệnh viện và tên bác sĩ. Tuy nhiên, đoàn thanh tra xác nhận tất cả đều bị làm giả. Cụ thể, đơn thuốc ngày 13-7 cấp cho bệnh nhân Phạm Minh Nhật với chẩn đoán viêm phế quản cấp đều không có trong dữ liệu khám bệnh nội trú, ngoại trú của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; hoặc đơn thuốc ngày 9 và 11-7 cho bệnh nhân Nguyễn Trọng Khiêm, chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, đau bụng và vùng chậu cũng không có trong hồ sơ khám, chữa bệnh nội, ngoại trú của bệnh viện. Đơn thuốc cấp cho bệnh nhân Nguyễn Hoàng Khánh vào các ngày 29-6, 1-7, 12 và 13-7 với nhiều loại bệnh như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng và vùng chậu, viêm da dị ứng, viêm dạ dày - tá tràng, viêm phế quản cũng không hề tồn tại trong dữ liệu của bệnh viện.

Trên giấy nghỉ bệnh của 3 trường hợp trên đều có tên, chữ ký của bác sĩ cụ thể. Bác sĩ ký trên đơn thuốc gồm: Nguyễn Đăng Vững, Hà Thị Minh và Trần Thị Lê. Thực tế chỉ có 2 bác sĩ Nguyễn Đăng Vững và Trần Thị Lê là nhân viên của bệnh viện nhưng chữ ký lại khác hoàn toàn. Còn mộc dấu vuông đóng trên đơn thuốc của những trường hợp này cũng không phải là mộc dấu của Khoa Cấp cứu của bệnh viện đang sử dụng.

Tất cả các đơn thuốc nghỉ bệnh của Công ty TNHH Phương Đông Việt Nam cung cấp đều không phải do Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cấp. Các hồ sơ nghỉ bệnh trên đều được làm giả đơn thuốc, mạo danh tên, chữ ký của bác sĩ và giả cả con dấu. “Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã làm hồ sơ chuyển sang Công an tỉnh điều tra làm rõ sự việc, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện” - bà Thủy chia sẻ.

* Thâm hụt nguồn quỹ bảo hiểm y tế, doanh nghiệp thiệt hại

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, hiện tượng làm giấy nghỉ bệnh giả để lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Trong nhiều cuộc họp giao ban các khu công nghiệp, nhiều công ty đã phản ánh, người lao động đột ngột thông báo tình trạng nghỉ bệnh để không tham gia vào dây chuyền sản xuất. Sau đó, họ “chống chế” bằng cách làm giấy nghỉ bệnh “khống” để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội dù không bị bệnh thật. “Doanh nghiệp mất đi người làm, giờ lao động, còn quỹ bảo hiểm mất tiền thanh toán ngày nghỉ bệnh. Điều này làm thiệt hại cho cả doanh nghiệp và cho cả quỹ bảo hiểm xã hội, BHYT” - ông Thành nói.

Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã yêu cầu các cơ sở y tế chỉ in mẫu khám bệnh từ hệ thống khi có người dân đến khám bệnh, thay cho hình thức có mẫu giấy nghỉ bệnh sẵn như trước đây. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải kiểm soát người đến khám phải đúng thẻ BHYT và đưa thông tin người bệnh lên hệ thống quản lý khám, chữa bệnh BHYT điện tử.

 Ông Thành chia sẻ: “Nhiều người đã phải rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi chúng tôi phát hiện họ làm giả giấy nghỉ bệnh. Khi đó, công nhân không những không được lãnh tiền bảo hiểm xã hội mà còn đối mặt với kỷ luật, thậm chí là mất việc từ phía công ty”.

Bích Nhàn - Ban Mai


Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh: Xử lý nghiêm

Dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng thực tế vẫn chưa thể trị triệt để tình trạng gian lận dùng giấy nghỉ bệnh giả để hưởng bảo hiểm xã hội. Vì thế, sắp tới tình trạng hồ sơ giả, hồ sơ khống, kê đơn thuốc khống sẽ được xác định lỗi rõ ràng giữa các bên: người lao động, cơ sở khám, chữa bệnh… Ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.

 
 

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế: Không bao che

Giấy nghỉ bệnh, giấy khám sức khỏe được chia làm 3 dạng làm giả gồm: loại làm giả hoàn toàn từ tên bác sĩ, dấu mộc, biểu mẫu… nhưng dễ bị phát hiện, dễ xử lý; giấy thật nhưng không có bệnh thật; dạng thứ 3 là nhân viên y tế móc ngoặc với các đối tượng bên ngoài để làm giấy khám bệnh giả. Khi phát hiện những trường hợp này, chúng tôi luôn xử lý nặng, có thể tước giấy phép hoặc chuyển hồ sơ cho công an điều tra.

Chủ trương của Sở Y tế sẽ không bao che và xử lý nghiêm (rút giấy phép hoạt động, chuyển hồ sơ cho công an điều tra) đối với các cơ sở để nhân viên tiếp tay cho những đối tượng làm giả giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội. Năm 2018, Sở Y tế đã xử phạt 2 cơ sở có nhân viên móc ngoặc với các đối tượng bên ngoài để làm giả giấy nghỉ bệnh.

Chị Đinh Thị Thanh Thoa, quản lý nhân sự Công ty TNHH may mặc United Sweethearts (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1): Khó nhận biết giấy thật hay giả

Mỗi tháng, có rất nhiều công nhân xin nghỉ vì nhiều lý do khác nhau. Trường hợp ốm đau đột xuất, công nhân chỉ cần gọi điện thoại báo với tổ trưởng, quản lý. Khi đi làm trở lại, họ mang theo giấy khám bệnh vào nộp lại cho bộ phận nhân sự để làm thủ tục hưởng chế độ. Trong trường hợp giấy nghỉ bệnh có chữ ký của bác sĩ, có dấu đỏ của cơ sở y tế có thẩm quyền chứng nhận, công ty sẽ thanh toán các khoản hỗ trợ, đồng thời tổng hợp giấy nghỉ bệnh của người lao động để làm thủ tục cho người lao động hưởng chế độ bảo hiểm. Chúng tôi không thể xác định giấy nghỉ bệnh là thật hay giả vì nó quá tinh vi.

L.Ngọc - H.Lộc (ghi)


 

Tin xem nhiều