Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nhất thiết sử dụng sổ liên lạc điện tử?

11:11, 04/11/2019

Nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai đã chuyển từ sổ liên lạc truyền thống sang sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh...

Nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai đã chuyển từ sổ liên lạc truyền thống sang sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Chi phí mỗi năm học phụ huynh phải nộp cho đơn vị viễn thông cung cấp dịch vụ này là 60 ngàn đồng. Sau nhiều năm sử dụng, đến nay vẫn còn những ý kiến trái chiều về “cuốn sổ” này.

Một phụ huynh tại TP.Biên Hòa đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử và nhận được tin nhắn qua điện thoại về tình hình học tập của con mình. Ảnh: C.Nghĩa
Một phụ huynh tại TP.Biên Hòa đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử và nhận được tin nhắn qua điện thoại về tình hình học tập của con mình. Ảnh: C.Nghĩa

Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thái (xã Phước Thái, huyện Long Thành) Bùi Đoàn Trị cho biết: “Trường có trên 2 ngàn học sinh nhưng chỉ có một nửa số phụ huynh đăng ký dịch vụ sổ liên lạc điện tử. Những phụ huynh không đăng ký vì muốn duy trì sử dụng số liên lạc truyền thống và còn vì đỡ tốn kém chi phí”.

* Lưỡng lự trong lựa chọn sổ liên lạc điện tử

Ông Bùi Đoàn Trị cho hay, phụ huynh hoàn toàn có quyền lựa chọn đăng ký sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử hay không. Nếu phụ huynh đăng ký sẽ thường xuyên nhận được tin nhắn qua điện thoại phản ánh về tình hình học tập của con mình hằng ngày ở trường như: lịch học, lịch thi, kết quả học tập, thậm chí là cả những khuyết điểm học sinh mắc phải. Tuy nhiên, khi sử dụng sổ liên lạc điện tử phụ huynh lại không thể tương tác trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm trên nền tảng công nghệ sổ liên lạc điện tử. Nếu muốn phụ huynh buộc phải gọi điện thoại trao đổi, hoặc gặp trực tiếp giáo viên tại trường.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình: Phụ huynh có quyền lựa chọn

Sổ liên lạc điện tử là một sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên quản lý học sinh tốt hơn, kịp thời thông tin cho phụ huynh về quá trình học tập của con mình. Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh mà giáo viên và phụ huynh có thể lựa chọn làm kênh trao đổi thông tin. Việc lựa chọn dịch vụ sổ liên lạc điện tử là hoàn toàn tự nguyện nếu phụ huynh cảm thấy cần thiết cho con em mình.

Đối với những phụ huynh không đăng ký sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử sẽ vẫn nhận được thông tin về tình hình học tập của con mình nhưng với tần suất ít hơn thông qua cuốn sổ liên lạc truyền thống. Những thông tin cần thiết trao đổi sẽ được giáo viên viết trực tiếp vào sổ và chuyển đến phụ huynh, nếu phụ huynh có phản hồi có thể ghi vào sổ và gửi lại cho giáo viên. Trong những trường hợp cần thiết, nhiều giáo viên chủ nhiệm thường dùng điện thoại gọi trực tiếp hoặc qua tin nhắn của một số mạng xã hội như: Zalo, Facebook…

Chị Đỗ Thanh Tâm, một phụ huynh ở phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, năm học trước chị đóng 60 ngàn đồng để sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử, tuy nhiên một năm học chị chỉ nhận được vài ba tin nhắn về kết quả học tập của con. So với số tiền bỏ ra và số tin nhắn nhận lại không tương xứng với số tiền phải đóng. Chính vì vậy, năm nay chị T. quyết định không tham gia dịch vụ này, thay vào đó chị và các phụ huynh khác trong lớp cùng tham gia nhóm Zalo do cô chủ nhiệm làm trưởng nhóm. Mọi thông tin đều được trao đổi trong nhóm khá nhanh và tiện lợi, trừ những thông tin riêng tư chị sẽ trao đổi riêng với giáo viên để không “mắc cỡ” với các phụ huynh khác.

Anh Nguyễn Phú Vinh (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) hiện có con học tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết: “Sổ liên lạc điện tử có nhiều tiện lợi, khi đăng ký phụ huynh sẽ nhận được các thông tin của con mình, nhưng phụ huynh đăng ký dịch vụ để đổi lại một năm vài ba tin nhắn thông báo kết quả học tập thì quá uổng. Hơn nữa dù là sổ liên lạc nhưng tính tương tác lại chưa có, khi phụ huynh nhận được thông tin không thể phản hồi ngay mà phải trực tiếp gọi điện, hoặc đến lớp trao đổi với giáo viên về thông tin đã nhận, rất bất tiện”.

* Nhiều lựa chọn khác

Sổ liên lạc điện tử là một phần mềm quản lý được đơn vị kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp cho các cơ sở giáo dục. Việc sử dụng và đem lại hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều vào giáo viên. Nếu giáo viên chăm chỉ cập nhật tình hình học tập vào phần mềm và gửi cho học sinh thì phụ huynh sẽ thường xuyên nhận được tin nhắn. Còn trong trường hợp giáo viên quá bận, phụ huynh chỉ nhận được số tin nhắn khiêm tốn, chủ yếu là kết quả học tập cuối kỳ hoặc cuối năm học.

Theo một giáo viên chủ nhiệm tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), những năm học trước trường có sử dụng sổ liên lạc điện tử nhưng bắt đầu từ năm học 2019-2020 này thì chấm dứt sử dụng. Lý do vì một năm học nhắn cho phụ huynh không được bao nhiêu tin nhắn mà lại tốn của phụ huynh 60 ngàn đồng. Số tiền đó với một phụ huynh thì không bao nhiêu nhưng nhiều phụ huynh trong trường cộng lại không hề nhỏ.

Cũng theo giáo viên này, hiện nay trường vẫn duy trì sổ liên lạc truyền thống, hằng ngày cần trao đổi thông tin gì giáo viên dành thời gian ghi vào sổ để học sinh mang về cho phụ huynh xem và phản hồi. Ngoài ra, giáo viên còn duy trì một sổ liên lạc trên ứng dụng Zalo với ưu điểm hơn hẳn sổ liên lạc điện tử trước đây, đó là kết nối online 24/24 giờ với phụ huynh. Khi giáo viên chủ nhiệm cần thông báo gì thì chỉ cần gửi một tin nhắn là 100% phụ huynh trong lớp đều nhận được.

Việc lập các nhóm nội bộ trên ứng dụng Zalo, Facebook liên lạc giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đang là xu hướng thịnh hành, tạo thuận lợi cho cả giáo viên lẫn phụ huynh. Ngoài thông tin dưới dạng văn bản, giáo viên và phụ huynh có thể trao đổi cho nhau hình ảnh, video clip, bày tỏ cảm xúc hài lòng hay không, thậm chí là biểu quyết tập thể về một vấn đề cần sự đồng thuận của số đông phụ huynh… Trong trường hợp giáo viên và phụ huynh gặp vấn đề tế nhị, khó nói vẫn có thể trao đổi riêng ngoài nhóm bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi thoại trực tiếp.

Theo Ban giám hiệu Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), năm học trước một đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông đã đến trường đặt vấn đề cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử, tập huấn sử dụng phần mềm cho giáo viên, nhưng qua xem xét tình hình thực tế chưa nhiều phụ huynh có điện thoại thông minh hay kết nối 3G nên trường chưa triển khai.

Chị Ngô Thị Thanh Vy (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, chị có đăng ký sử dụng dịch vụ sổ liên lạc điện tử nhưng cũng vẫn giữ thói quen thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm trong những lần đưa đón con đến lớp. “Việc trao đổi trực tiếp thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm là cách tốt nhất để nắm bắt đầy đủ thông tin về con” - chị Vy nói.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều