Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ sở y tế gặp khó

10:10, 31/10/2019

Từ tháng 7-2019 đến nay, Bộ Y tế đã ra Công văn số 3928/BYT-K2ĐT quyết định ngưng đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ, đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa.

Từ tháng 7-2019 đến nay, Bộ Y tế đã ra Công văn số 3928/BYT-K2ĐT quyết định ngưng đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ, đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa.

Một bác sĩ gây mê đang kiểm tra chỉ số sinh tồn cho bệnh nhi trong ca mổ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn
Một bác sĩ gây mê đang kiểm tra chỉ số sinh tồn cho bệnh nhi trong ca mổ tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

Việc làm này khiến càng làm tăng thực trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế.

* Học nhưng không được công nhận

Theo Bộ Y tế, các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ có thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Việc đào tạo định hướng chuyên khoa là do các bệnh viện, trường đại học tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học và cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa.

Năm 2018, khi mới về công tác tại Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai được 3 tháng, bác sĩ Lâm Văn Triệu được bệnh viện cử học định hướng chuyên khoa gây mê - hồi sức. Sau 10 tháng học chương trình này tại Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, mới đây, bác sĩ Triệu đã hoàn thành khóa học.

“Vừa học về, tôi đã nhận tin ngưng công nhận chứng chỉ định hướng chuyên khoa theo quy định mới của Bộ Y tế. Tôi rất buồn. Suốt thời gian đi học, các đồng nghiệp trong khoa đã gồng gánh công việc của tôi. Giờ học xong, tôi cũng không được ký vào hồ sơ bệnh án, chỉ làm theo y lệnh của bác sĩ, không vận dụng hết những điều được học” - bác sĩ Triệu nói.

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức cho biết thêm, khoa đang trong tình trạng thiếu bác sĩ gây mê trầm trọng suốt nhiều năm. Nhu cầu của khoa cần 6 bác sĩ gây mê, nhưng hiện chỉ có 3 bác sĩ gây mê chính. Năm 2018, khoa tiếp nhận cùng lúc 4 bác sĩ và cử đi học định hướng chuyên khoa gây mê. “Lúc ấy, tôi rất mừng vì với nguồn nhân lực mới sẽ triển khai được nhiều kỹ thuật mới và có thể 4 phòng mổ của bệnh viện sẽ hoạt động đúng công suất. Nhưng với quy định mới, gần như công việc bị nghẽn lại do bảo hiểm y tế không chấp nhận chữ ký của các bác sĩ này trong hồ sơ bệnh án vì không có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa gây mê” - bác sĩ Tầm cho biết.

Không chỉ ở bệnh viện chuyên khoa nhi, việc ngưng đào tạo và cấp chứng chỉ định hướng chuyên khoa này còn gây khó cho các cơ sở y tế tuyến huyện. Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc cho hay, quyết định này của Bộ Y tế ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ sở y tế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tuyến huyện đang trong tình cảnh thiếu bác sĩ trầm trọng, không có điều kiện cử bác sĩ đi học dài hạn.

 Do đó, các trung tâm y tế huyện chỉ cử bác sĩ học các lớp đào tạo định hướng chuyên khoa ngắn hạn (khoảng 6-12 tháng) để mở rộng phạm vi hoạt động hành nghề của bác sĩ. Nhưng hiện nay, hơn 10 bác sĩ của trung tâm dù đã học xong định hướng chuyên khoa vẫn không được ký vào hồ sơ bệnh án do quy định trên của Bộ Y tế.

* Chờ Bộ Y tế chuẩn hóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa

Nhiều năm nay, các đơn vị phải cử bác sĩ học thêm về định hướng chuyên khoa đang thiếu để mở rộng phạm vi hành nghề của bác sĩ, phục vụ cho cơ sở y tế. Bộ Y tế dừng cấp chứng chỉ này đột ngột, không có thời gian chuyển tiếp càng khiến các cơ sở y tế rơi vào “thế bí”.

Thực tế, thời điểm Bộ Y tế công bố quyết định trên, có nhiều nhân viên y tế vừa mới hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa theo định hướng nhưng chưa kịp nhận chứng chỉ bổ sung mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn. Tình cảnh này khiến cả cá nhân người học và cơ sở y tế hoang mang, khó khăn hơn trong hoạt động và không biết mình sẽ học gì để từ bác sĩ đa khoa thành bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho hay, theo quy định, một bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề về một chuyên khoa chính, khi học thêm 1 chuyên khoa khác với thời gian là 6 tháng trở lên sẽ được cấp bổ sung phạm vi hoạt động ngay, không cần thêm thời gian thực hành. Ví dụ, bác sĩ ở các lĩnh vực y dược cổ truyền, được cấp chứng chỉ hành nghề về y dược cổ truyền nhưng học thêm định hướng chuyên khoa khác như: siêu âm, chẩn đoán hình ảnh…

Thực tế, có nhiều bác sĩ đã bỏ lĩnh vực chính để làm lĩnh vực phụ mà họ vừa được đào tạo theo định hướng chuyên khoa. Hoặc các bác sĩ ngoại khoa, sản khoa… đã có chứng chỉ về chuyên khoa này, chỉ cần học 6-12 tháng về định hướng phẫu thuật thẩm mỹ là được cấp bổ sung lĩnh vực hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Bộ Y tế lo ngại, những bác sĩ này sẽ gây tai biến khi tay nghề chưa đủ vững.

Hơn nữa, bác sĩ Ánh cũng cho rằng, lý do mà Bộ Y tế ngưng cấp chứng chỉ định hướng chuyên khoa này là do các cơ sở đào tạo không có chương trình chuẩn hóa cụ thể. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo. Bộ Y tế đang xây dựng chương trình chuẩn hóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa nên tạm dừng cấp chứng chỉ đào tạo định hướng.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích