Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ đặt hàng nghiên cứu khoa học - công nghệ

05:10, 15/10/2019

Việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, Sở KH-CN Đồng Nai đã tích cực thực hiện đặt hàng...

Việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, những năm qua, Sở KH-CN Đồng Nai đã tích cực thực hiện đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu đã phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Nông dân đến học mô hình trồng quýt sạch từ đề tài xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ cho quýt Thanh Sơn tại huyện Định Quán. Ảnh: H.Yến
Nông dân đến học mô hình trồng quýt sạch từ đề tài xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ cho quýt Thanh Sơn tại huyện Định Quán. Ảnh: H.Yến

Theo thống kê của Sở KH-CN, từ năm 2017 đến nay, Sở đã đặt hàng và ký kết hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao 30 đề tài KH-CN cấp tỉnh và 42 đề tài cấp huyện. Những đề tài này được phân bố rộng khắp trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, xã hội - nhân văn…

* Nghiên cứu đồng bộ trong nhiều lĩnh vực

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm số lượng nhiều nhất với 10 dự án, đề tài cấp tỉnh và 11 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài này tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như: khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ vào khâu bảo quản, chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp…

Đặc biệt, trong lĩnh vực xã hội - nhân văn, trong 3 năm gần đây, Sở KH-CN đã đánh giá, nghiệm thu 15 đề tài (triển khai trong giai đoạn trước năm 2017) và chuyển giao 14 đề tài cho các đơn vị liên quan để ứng dụng trong thực tiễn. Đây cũng là giai đoạn mà các đề tài nghiên cứu, chuyển giao KH-CN tập trung ưu tiên cho phát triển kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh”, phục vụ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, dựa vào phiếu đề xuất đặt hàng nghiên cứu KH-CN của các sở, ngành, Sở KH-CN sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục các đề tài nghiên cứu. Căn cứ vào từng đề tài cụ thể, Sở KH-CN sẽ giao trực tiếp hoặc tuyển chọn cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài.

Nhờ quy trình làm việc nói trên, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Sở KH-CN ngày càng hướng về cơ sở nhiều hơn. Đây là hướng đi đúng để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trên toàn tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn.

* Hiệu quả thực tế cao

Theo đánh giá của Sở KH-CN, trong số các đề tài, nhiệm vụ KH-CN đã được nghiệm thu trong giai đoạn năm 2017 đến nay, có 6 đề tài nổi bật. Năm trong số đó thuộc về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, dự án còn lại thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Đó là đề tài Hệ thống giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Trung tâm ứng dụng Sông Phố thực hiện.

Theo đó, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu thực tế và đưa ra được nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật đạt hiệu quả tốt. Kết quả công trình nghiên cứu này đã được tập hợp in thành sách chuyên khảo Phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật - thực trạng và giải pháp. Sách do Nhà xuất bản Đại học quốc gia phát hành.

Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, dự án thể hiện rõ tính hiệu quả nhất sau khi chuyển giao là dự án Nghiên cứu chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản không hiệu quả sang nuôi cá chẽm tại khu vực nước lợ Long Thành, Nhơn Trạch.

Dự án nghiên cứu này đã chỉ ra cá chẽm là đối tượng nuôi phù hợp trên những diện tích bỏ hoang hoặc đang nuôi thủy sản không hiệu quả. Loài cá này có khả năng thích nghi rộng, ít bệnh, sức chịu đựng tốt với các điều kiện môi trường, có thể nuôi với mật độ cao, sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế. Mật độ nuôi cá chẽm có thể từ 3-5 con/m2. Tuy nhiên, những hộ dân có nguồn vốn ít có thể nuôi với mật độ 1 con/m2 vẫn thu được lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/hécta/vụ.

Nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững cho huyện Định Quán, Sở KH-CN đã giao dự án nghiên cứu Xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng hữu cơ cho quýt Thanh Sơn tại huyện Định Quán. Đề tài do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ thực hiện. Kết quả, những diện tích áp dụng kỹ thuật trồng mới đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, năng suất tăng từ 10-15%. Ngoài ra, có 2 hécta mô hình trồng xen ổi cũng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30%.

Ba dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp khác cũng được đánh giá cao là: nâng cao giá trị sử dụng, giá trị gia tăng trái ca cao Đồng Nai (đang được áp dụng tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai); xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất măng cụt tăng năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại 2 xã Bình Sơn và Bình An (huyện Long Thành).

Chú trọng yếu tố đổi mới sáng tạo

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ: “Hoạt động KH-CN nói chung và hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong thời gian tới cần chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành ưu tiên phát triển. Điều này là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và cũng nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết của địa phương”.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích