Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực học thêm

09:10, 02/10/2019

Việc học chính khóa lẫn học thêm đang tạo áp lực cho học sinh khiến nhiều em không còn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Việc học chính khóa lẫn học thêm đang tạo áp lực cho học sinh khiến nhiều em không còn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Một giáo viên bậc THCS ở TP.Biên Hòa tham gia dạy thêm tại một cơ sở dạy thêm do giáo viên về hưu đứng ra xin giấy phép tổ chức. Ảnh: C.NGHĨA
Một giáo viên bậc THCS ở TP.Biên Hòa tham gia dạy thêm tại một cơ sở dạy thêm do giáo viên về hưu đứng ra xin giấy phép tổ chức. Ảnh: C.Nghĩa

Dù đã học chính khóa 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu thế nhưng mỗi tuần em Bùi Công Duy, học sinh lớp 1 Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn được cha mẹ cho đi học phụ đạo 4 buổi/tuần ở trung tâm ngoại ngữ và luyện chữ ở nhà giáo viên ngoài trường.

* “Cuộc đua” điểm số

Chị Đỗ Thị Trang Nhung, mẹ của Bùi Công Duy cho biết, khoảng 4 giờ 30 chiều con chị rời trường về nhà, sau khi được tắm, thay đồ và ăn nhẹ chị lại tiếp tục chở con đến trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Anh, hoặc nhà giáo viên để luyện chữ tới 7 giờ tối, tùy theo ngày. Tối đến về nhà, chị Nhung lại tiếp tục ngồi hướng dẫn con tập viết hoặc tập đọc thêm ít nhất 1 giờ nữa mới cho con đi ngủ. Dù đã cho con học khá nhiều thời gian trong một tuần nhưng chị vẫn chưa cảm thấy an tâm. “Phải học hết 1 học kỳ, thậm chí hết 1 năm học đầu tiên mới biết con mình có thua kém bạn bè trong lớp hay không, lúc đó nếu không tốt chắc sẽ phải “điều chỉnh” tiếp” - chị Nhung nói.

Còn chị Lê Trần Tâm Thi có con đang học lớp 4 Trường tiểu học Trảng Dài  (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thì cho biết, con chị học 1 buổi/ngày ở trường, buổi trưa và chiều về nhà cô ăn và học phụ đạo thêm môn Tiếng Việt và Toán. Thêm vào đó 3 buổi tối/tuần vợ chồng chị còn thay nhau chở con từ nhà ở phường Trảng Dài đến tận phường Trung Dũng để học thêm 2 môn là Toán và Tiếng Anh với 2 giáo viên khác nhau, có tiếng dạy giỏi.

Lý giải vì sao phải cho con học thêm nhiều, chị Thi cho hay muốn có “học bạ đẹp” cấp tiểu học để xét tuyển vào lớp 6, hay muốn có kiến thức đủ để vượt qua đợt khảo sát vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) thì phải học thêm ngay từ giờ mới có cơ hội trúng tuyển. Chị Thi cho biết thêm: “Ngay cả xét tuyển vào lớp 6 trường ngoài công lập 1-2 năm học trở lại đây nếu kết quả học tập trong học bạ trung bình dưới 7,0 đã không có cơ hội đậu. Thậm chí có trường ngoài công lập còn xét tuyển bằng khảo sát đầu vào chứ không tin cậy vào học bạ”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) Đào Thị Kim Phượng cho rằng, thực tế chương trình tiểu học hiện nay tương đối nhẹ nhàng, học sinh có thể tiếp thu đủ kiến thức một cách khá thoải mái, không cần học thêm. Tuy nhiên, do nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng lên con em mình quá sớm nên bắt con phải học thêm, mất đi thời gian vui chơi giải trí. Có phụ huynh cuối năm học thấy con mình điểm số thấp hơn các bạn trong lớp một chút lại cuống cuồng đi tìm thầy cô ở ngoài trường cho học thêm làm mất luôn cả mùa hè của con.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Anh hiện có con học lớp 5 Trường tiểu học Tân Phong A  (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay: “Chương trình học hiện nay có thể nhẹ nhàng, tuy nhiên việc xét tuyển vào lớp 6 thì lại khá căng thẳng, do đó phải cho con đi học thêm để khi xét tuyển vào lớp 6 sẽ chắc ăn hơn. Hơn nữa, để con ở nhà lại không an tâm, bởi có thể những kiến thức ở trường cô dạy chỉ là cơ bản, còn kiến thức khó, kiến thức nâng cao thì phải về nhà cô học mới có thời gian “luyện”.

* Nỗi lo từ dạy thêm, học thêm

Áp lực vượt qua các kỳ thi đầu cấp, đặc biệt là thi để xét tuyển vào các trường đại học đang đè nặng lên tâm lý ở các cấp học, từ tiểu học đến THPT. Càng bước lên những bậc học cao hơn thì áp lực buộc phải học thêm lại càng “đè” lên học sinh.

Anh Lê Mạnh Long ngụ ở phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay, hết năm học này con anh dự tính sẽ thi vào lớp 10 chuyên Toán của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Do đó, từ đầu năm học lớp 9 anh bắt đầu tăng cường cho con học thêm các môn Ngữ Văn, Tiếng Anh và nhất là môn Toán. Ngoài buổi học sáng ở trên lớp, các buổi chiều và một số buổi tối, thậm chí cả thứ bảy và chủ nhật con anh đều có lịch đi học thêm ở nhà thầy cô. Anh Long cho hay: “Để trúng tuyển vào lớp 10 những trường THPT tốp trên tại TP.Biên Hòa nếu lực học chỉ “làng nhàng” sẽ rất khó có cơ hội nên phải động viên con ráng học đêm học ngày cho cha mẹ bớt lo lắng”.

Em Lê Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Tam Hiệp (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), con của anh Long cho biết, không phải từ năm học này em mới bắt đầu đi học thêm mà đã học thêm từ nhiều năm học trước, ngày nào cha mẹ cũng kiên nhẫn đưa đón học chính khóa lẫn học thêm. Việc học ngày càng áp lực hơn khi cha mẹ đặt kỳ vọng em sẽ phải đậu vào lớp 10 chuyên Toán hoặc ít nhất cũng phải đậu vào lớp 10 mặt bằng của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Có ngày ngoài phải học 5 tiết ở trên lớp và 6 giờ ở nhà 3 thầy cô, khi về đến nhà còn phải lo làm bài tập tới khuya khiến em khá mệt mỏi.

Nhu cầu cho con học thêm là có thật, điều này xuất phát từ chương trình học phổ thông còn khá nặng, hơn nữa áp lực điểm số và thi cử luôn khiến cả phụ huynh lẫn học sinh phải cùng nhau “chạy đua” để đạt được. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm sẽ để lại nhiều hệ lụy đối với chất lượng dạy và học, đặc biệt là với sức khỏe tâm thần của học sinh.

Đáng lo ngại hơn cả là giáo viên có thể chạy theo thu nhập từ dạy thêm, từ đó không dạy trọn vẹn chương trình chính khóa trên lớp để buộc học sinh phải tìm đến nhà học thêm. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng, nội dung kiểm tra trên lớp lại “rơi” vào những buổi học thêm ở nhà thầy cô, hay những học sinh “siêng” đi học thêm được thầy cô ưu ái hơn những em khác trong lớp. Điều này sẽ dẫn đến thiệt thòi cho học sinh không có điều kiện học thêm.

Ông Bùi Văn Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay 100% trường từ tiểu học đến THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa không tổ chức dạy thêm trong trường song giáo viên dạy thêm ngoài trường khá đông. Phòng đã cấp giấy phép cho khoảng 70 giáo viên về hưu mở cơ sở dạy thêm, giáo viên đang công tác có thể đăng ký vào các cơ sở dạy thêm. Việc cấp phép dạy thêm được phòng tiến hành chặt chẽ, đồng thời kiểm tra thường xuyên hoạt động này.

Đặng Công

Tin xem nhiều