Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thời" của lao động kỹ thuật cao

03:09, 28/09/2019

Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã và đang đổi mới phương thức sản xuất với những dây chuyền công nghệ hiện đại.

Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã và đang đổi mới phương thức sản xuất với những dây chuyền công nghệ hiện đại.

Công nhân kỹ thuật cao Công ty TNHH Bosch Việt Nam làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Ảnh: N.Hòa
Công nhân kỹ thuật cao Công ty TNHH Bosch Việt Nam làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Ảnh: C.Nghĩa

[links()]Cơ cấu lao động trong DN cũng có sự thay đổi khi lao động có trình độ, tay nghề, kỹ thuật cao sẽ ngày càng được ưu tiên sử dụng.

* Làm chủ máy móc, công nghệ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công nhân lao động kỹ thuật cao là tài sản, tài nguyên, vốn quý của dân tộc bởi họ là động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các DN cần có kế hoạch thu hút, đãi ngộ tốt để giữ chân và phát huy hết khả năng của lao động kỹ thuật cao tại DN trong thời buổi công nghệ, tự động hóa như hiện nay”.

Là công nhân cơ khí của Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp (KCN) Amata, TP.Biên Hòa), anh Lê Hồng Sang đã đóng góp cho công ty nhiều sáng kiến hữu ích, đem lại giá trị làm lợi cho DN hàng tỷ đồng mỗi năm. Đó là các sáng kiến: tận dụng vật tư, nguyên liệu sản xuất; gia công chế tác thiết bị bán tự động hay sáng kiến di dời thiết bị nhà xưởng để vận hành máy móc hiệu quả hơn…

Còn anh Nguyễn Minh Toàn, công nhân kỹ thuật cao của Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, chuyên sản xuất hàng cơ khí xuất khẩu như: linh kiện xe mô tô, xe ô tô, xe chạy địa hình, trang thiết bị nhà bếp, giường) sau 5 năm gắn bó với DN, ngoài việc làm chủ dây chuyền sản xuất cũng đã “dắt lưng” hàng chục sáng kiến, cải tiến. Không những thế, anh Toàn còn là người sẵn sàng dạy nghề cho những công nhân mới, giúp chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực của công ty ngày càng nâng cao.

Theo đó, anh Toàn được công ty giao nhiệm vụ là người làm hàng mẫu cho các sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp phải những công đoạn rườm rà, nhiều chi tiết kỹ thuật khó, anh Toàn sẽ cùng với đồng nghiệp trực tiếp tháo gỡ đồng thời lên kế hoạch cải tiến máy móc để đảm bảo máy móc hoạt động an toàn, hiệu quả. Phải kể đến như cải tiến robot tự sơn bột khung. Anh Toàn chia sẻ, trước đây công nhân thường phải tự tay sơn các loại khung xe nên màu sơn không đều, sản phẩm không đẹp. Mặt khác, việc phải tiếp xúc trực tiếp với sơn cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Toàn đã đưa ra sáng kiến robot tự sơn bột khung, giúp giải quyết triệt để những hạn chế trước kia.

Sinh viên ngành cơ khí trình độ quốc tế Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) thực hành trên thiết bị hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: Công Nghĩa
Sinh viên ngành cơ khí trình độ quốc tế Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) thực hành trên thiết bị hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: Công Nghĩa

Cũng làm chủ được dây chuyền máy móc hiện đại là nhân viên kỹ thuật môi trường Đỗ Văn Hà, Công ty cổ phần VinaCafé (KCN Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa). Anh Hà cho biết, trước đây trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, một lượng nhiệt năng lớn sẽ cung cấp cho lò sấy để sấy cà phê. Tuy nhiên, do thiết kế cũ của lò sấy không đảm bảo giữ toàn bộ nhiệt trong lò nên một lượng lớn nhiệt năng cung cấp cho lò sấy bị thoát ra bên ngoài qua các khe hở của lò sấy. Điều này vừa khiến lãng phí điện năng, vừa khiến môi trường làm việc của công nhân lao động nóng bức, khó chịu.

Trước thực tế này, anh Hà đã nghiên cứu, đề xuất với quản lý cho thử nghiệm cuốn dây thép quanh các khe hở của lò sấy và làm van điều chỉnh, giúp giữ lại toàn bộ điện năng trong lò sấy mà môi trường làm việc lại mát mẻ, thoải mái hơn.

Thực hiện khẩu hiệu của công ty là cải tiến liên tục, thời gian qua, anh Trần Minh Lộc, kỹ sư cao cấp Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành) đã không ngừng học tập, tiếp thu những kiến thức, kỹ thuật mới để có thể vận hành hệ thống máy móc tự động hóa tại doanh nghiệp. Anh Lộc tâm sự: “Trong vòng xoáy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu người lao động không tự “nâng cấp” mình thì sẽ sớm lạc hậu và bị đào thải. Khi DN đã đưa hàng loạt máy móc hiện đại vào sản xuất, người lao động chỉ có một lựa chọn, đó là học hỏi để thích nghi, có việc làm, cùng phát triển”.

* Tài sản quý cần phát huy

Hưởng ứng phong trào Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, trong năm 2018, có hơn 300 lượt DN, đơn vị trong tỉnh thực hiện hơn 16,8 ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà nước, DN gần 100 tỷ đồng.

Ông Lê Trí Tín, Giám đốc kinh doanh Công ty Bosch Rexroth Việt Nam (trụ sở chính đóng tại TP.Hồ Chí Minh) cho hay, từ năm 2011, các công ty của Bosch đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong số 270 nhà máy của Bosch trên toàn thế giới đã có hơn 120 nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0. Riêng nhà máy Bosch ở huyện Long Thành hiện đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này.

“Để làm chủ những công nghệ hiện đại đòi hỏi phải có những con người “hiện đại”, tức là những người có am hiểu về công nghệ, biết ngoại ngữ để điều khiển máy móc hoạt động trơn tru” - ông Tín cho hay.

Còn tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) từ lâu cũng đã đưa những dây chuyền máy móc hiện đại vào sản xuất.

Ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc trung tâm sản xuất của công ty chia sẻ, công ty chuyên chế tạo và gia công các sản phẩm cơ khí như: khuôn mẫu kim loại, linh kiện xe gắn máy, linh kiện xe ô tô, linh kiện thiết bị giải trí (xe trượt tuyết, du thuyền, xe chạy địa hình), xe đạp điện và các sản phẩm thiết bị y tế (giường bệnh, xe đẩy cho người già và người tàn tật). Do tính chất của sản phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày của con người, yêu cầu độ chính xác cao nên công ty rất chú trọng đến đội ngũ nguồn nhân lực. Trong số hơn 1,3 ngàn công nhân lao động đang làm việc tại công ty, có hơn 75% lao động có trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên.

Ở những công ty chuyên gia công các sản phẩm giày da, may mặc, mặc dù số lượng lao động kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ không nhiều như những DN chuyên về cơ khí, máy móc nhưng lực lượng này giữ vai trò nòng cốt, được DN ưu ái.

Công nhân kỹ thuật cao Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) vận hành máy. Ảnh: L.Mai
Công nhân kỹ thuật cao Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) vận hành máy. Ảnh: L.Mai

Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Phạm Xuân Thọ cho hay, trong số hơn 40 ngàn công nhân lao động hiện nay của DN có khoảng 40-50% là lao động kỹ thuật cao. Lực lượng này luôn được DN trọng dụng. Cứ 3 tháng hoặc 6 tháng/lần, DN cử đội ngũ quản lý và lao động kỹ thuật cao sang Hàn Quốc, Mỹ để học tập, tiếp thu những công nghệ, máy móc mới, sau đó về áp dụng trực tiếp tại DN. Bên cạnh tuyển dụng lao động phổ thông, hằng tháng DN cũng có nhu cầu tuyển 50 lao động kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận hành dây chuyền, máy móc.

* Có chính sách hợp lý để thu hút

Tại cuộc gặp gỡ, giao lưu với công nhân kỹ thuật cao cả nước vào tháng 5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trăn trở, hiện nay lực lượng lao động kỹ thuật cao còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số công nhân lao động của nước ta (chiếm chưa đến 19% trong hơn 55 triệu lao động). Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhìn nhận rõ trách nhiệm, vai trò của lực lượng lao động này để đưa ra những chính sách nhằm tăng cả số lượng và chất lượng đối với lực lượng lao động. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Tại Đồng Nai những năm gần đây, công tác đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nếu như trước đây toàn tỉnh mới chỉ có Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) tổ chức đào tạo một số nghề như hàn, cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức thì đến nay đã có thêm Trường cao đẳng cơ giới thủy lợi (huyện Trảng Bom) cũng đào tạo 2 nghề theo tiêu chuẩn này. Đó là nghề điện công nghiệp và vận hành máy thi công nền.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho hay, nhận thức của phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội về việc đi học nghề vài năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. “Với chính sách miễn 100% học phí và cam kết có việc làm với mức thu nhập hấp dẫn sau khi ra trường, ngày càng có nhiều học sinh tìm đến với trường. Không chỉ có việc làm tại các DN nước ngoài đóng chân trên địa bàn tỉnh mà nhiều sinh viên còn biết nắm bắt cơ hội, vừa học tập, rèn luyện, nâng cao tay nghề, kỹ năng, vừa học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động sang Đức, Nhật Bản” - ông Nguyễn Khánh Cường nhấn mạnh.

Về phía tổ chức Công đoàn, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập, nhiều Công đoàn cơ sở đã tạo điều kiện về thời gian, tổ chức các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ miễn phí cho công nhân lao động. Ngoài ra, DN còn liên kết với các trường nghề để đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân, giúp DN không cần phải đào tạo lại, đỡ tốn kém về thời gian, chi phí.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động kỹ thuật cao tại DN cũng có mức lương khá cao, hưởng nhiều khoản trợ cấp, ưu đãi hấp dẫn. Nhiều công nhân kỹ thuật có những sáng kiến, cải tiến hiệu quả, làm lợi cho DN sẽ được doanh nghiệp thưởng nóng, thưởng theo tháng, theo năm.

Để khích lệ công nhân kỹ thuật cao phát huy hơn nữa khả năng của mình, từ năm 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên dương công nhân kỹ thuật cao tiêu biểu đang làm việc tại các doanh nghiệp trong toàn tỉnh để khích lệ, động viên người lao động hăng say làm việc, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển chung của DN và địa phương, đất nước.

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều