Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham khảo mô hình và giải pháp của Gojek

10:09, 01/09/2019

Ứng dụng gọi xe Go-Viet đã chính thức ra mắt tại Việt Nam từ tháng 9-2018 và hiện đã chiếm một thị phần khá quan trọng trong lĩnh vực này. Cuối tháng 8-2019, đoàn công tác cấp cao của TP.Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Gojek - công ty của Indonesia đang đầu tư về công nghệ và nguồn lực vào Go-Viet tại Việt Nam.

Ứng dụng gọi xe Go-Viet đã chính thức ra mắt tại Việt Nam từ tháng 9-2018 và hiện đã chiếm một thị phần khá quan trọng trong lĩnh vực này. Cuối tháng 8-2019, đoàn công tác cấp cao của TP.Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Gojek - công ty của Indonesia đang đầu tư về công nghệ và nguồn lực vào Go-Viet tại Việt Nam.

Từ phải qua: Ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Nadiem Makarim và bà Lê Diệp Kiều Trang tại trụ sở Gojek. Ảnh: Go-Viet cung cấp
Từ phải qua: Ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Nadiem Makarim và bà Lê Diệp Kiều Trang tại trụ sở Gojek. Ảnh: Go-Viet cung cấp

* Câu chuyện của Gojek

Tại buổi gặp gỡ, ông Nadiem Makarim, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Gojek đã chia sẻ câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Gojek.

Gojek khởi đầu năm 2010 là một tổng đài cho các đối tác xe gắn máy, tới năm 2015 chính thức ra mắt ứng dụng đầu tiên với 3 dịch vụ kết nối. Tới nay, Gojek cung cấp 20 dịch vụ cho người dùng, kết nối hơn 2 triệu đối tác tài xế và 300 ngàn đối tác cửa hàng. Với ba nguyên tắc xuyên suốt là: Tốc độ, Đổi mới - sáng tạo và Tác động xã hội, Gojek đã đóng góp khoảng 3,85 tỷ USD vào nền kinh tế Indonesia trong năm 2018.

Hiện nay, đây là nền tảng dịch vụ dựa trên nhu cầu và thanh toán lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là công ty khởi nghiệp giá trị nhất Indonesia.

Gojek là công ty duy nhất trong khu vực Đông Nam Á đã hai lần lọt vào danh sách “Những công ty làm thay đổi thế giới” (Change the World) do Tạp chí Fortune bình chọn, ghi nhận những tác động xã hội tích cực của các công ty trong chiến lược kinh doanh cốt lõi. Gojek đứng thứ 11 trong danh sách này năm 2019, tăng 6 bậc so với năm 2017. Gojek bắt đầu mở rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á vào tháng 8-2018, hỗ trợ Go-Viet triển khai 3 dịch vụ là: kết nối xe gắn máy, giao nhận hàng hóa và giao nhận thức ăn ở Việt Nam (hiện hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội).

* Tham khảo mô hình và giải pháp của Gojek

Trong buổi gặp mặt, đoàn công tác TP.Hồ Chí Minh và Gojek đã trao đổi về quan hệ hợp tác giữa Gojek và Chính phủ Indonesia trong việc góp phần tạo ra cơ hội thu nhập cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cải thiện các vấn đề về giao thông, đi lại tại khu vực thành thị thông qua việc kết nối hàng triệu đối tác tài xế và cửa hàng với người dùng. Ông Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu cách áp dụng, triển khai các mô hình và giải pháp của Gojek tại Việt Nam thông qua Go-Viet. Ông cũng rất ấn tượng với cách Gojek bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng. Tại Jakarta, một tỷ lệ lớn người dân đang sử dụng Gojek để đi từ nhà đến ga tàu, bến xe hoặc ngược lại.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, Tổng giám đốc Go-Viet chia sẻ sau buổi gặp mặt tại trụ sở Gojek: “Buổi trao đổi giữa đoàn cán bộ cấp cao TP.Hồ Chí Minh với Gojek xoay quanh sức mạnh của mô hình kinh tế dựa trên hệ sinh thái và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa khối chính phủ và khối tư nhân. Điều này hoàn toàn có thể được hiện thực hóa ở Việt Nam trong tương lai gần. Go-Viet hy vọng có thể áp dụng được mô hình của Gojek và sớm trở thành một siêu ứng dụng, kết nối giữa cung và cầu tại thị trường, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ hơn nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu hơn của người dân Việt Nam”.

* Đề nghị mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Tại buổi làm việc với Gojek, đoàn công tác cấp cao TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất nhiều phương án hợp tác giữa Go-Viet và TP.Hồ Chí Minh nhằm phục vụ công tác quy hoạch, phát triển đô thị theo đề án xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi nhiều vấn đề như: quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, việc thu thuế, sử dụng người lao động, giá dịch vụ…

Đại diện một số sở, ngành của TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị hai công ty Gojek và Go-Viet hỗ trợ chia sẻ cho chính quyền TP.Hồ Chí Minh một số dữ liệu phục vụ quản lý. Cụ thể, Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, nếu Go-Viet có thể chia sẻ một phần dữ liệu về lộ trình đi lại của người dân sử dụng dịch vụ, Sở Quy hoạch - kiến trúc có thể tìm hiểu, đánh giá được quy luật đi lại của người dân thành phố phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin -  truyền thông TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở (open data). Bà đề nghị Go-Viet nghiên cứu chia sẻ một số dữ liệu về hành trình đi lại của những lái xe để thành phố đưa vào hệ thống. Sau đó, khi xây dựng được hệ thống dữ liệu mở, thành phố sẽ chia sẻ một phần dữ liệu đang quản lý cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có Go-Viet.

Bà Shinto Nugroho, Trưởng bộ phận Chính sách công và quan hệ chính phủ của Gojek Group phản hồi rằng, công ty sẵn sàng làm việc với các cơ quan chức năng của TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu nhu cầu cụ thể.

Trung tuần tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với nhiều giải pháp khuyến khích sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế số. Việc TP.Hồ Chí Minh chủ động tham khảo hợp tác với Gojek Indonesia với điều kiện thực tế là Go-Viet đang hoạt động tại Việt Nam chính là một bước thực hiện đề án này.

Phạm Hoài Nhân (tổng hợp)

Tin xem nhiều