Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ trẻ vị thành niên bị nhiễm HIV

10:09, 19/09/2019

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 2 phút trôi qua lại có thêm một trẻ vị thành niên, chủ yếu là bé gái bị nhiễm HIV.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 2 phút trôi qua lại có thêm một trẻ vị thành niên, chủ yếu là bé gái bị nhiễm HIV.

Một bé gái nhiễm HIV khám bệnh về hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: C.Ly
Một bé gái nhiễm HIV khám bệnh về hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: C.Ly

Tại Đồng Nai, hiện có khoảng 20 trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi) bị nhiễm HIV… Thực tế, nhiều trẻ có HIV nhưng không được phát hiện kịp thời.

* Bi kịch trẻ nhiễm HIV

Mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác và đuổi em N.N.T. (16 tuổi, ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hoà) ra khỏi nhà. Suốt nhiều năm liền, T. sống lang thang, nhặt ve chai để sinh sống qua ngày. Hơn 1 năm trước, Nhóm đồng đẳng (những người tự nguyện tập hợp thành một nhóm để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ) Xuân Hợp đã tiếp cận với bé T. trong tình trạng cơ thể gầy gò, xanh xao. Lúc này, T. chưa hề biết mình bị nhiễm HIV, chỉ thấy cơ thể luôn mệt mỏi, không tăng ký. “Khi nghe tin mình bị nhiễm HIV, em đã vô cùng hoảng loạn. Cả tháng trời, em chỉ biết khóc và suy sụp. Em rất tủi thân vì nghe nhiều người bị nhiễm HIV đã chết” - em T. tâm sự.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cảnh báo, đến năm 2030, số ca nhiễm HIV mới ở trẻ vị thành niên có nguy cơ tăng vọt, lên đến gần 400 ngàn ca/năm nếu như không đạt được tiến triển trong việc tuyên truyền cho trẻ vị thành niên về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Kể từ năm 2014 đến nay, ngân sách cho chiến dịch phòng, chống AIDS liên tục sụt giảm.

Anh Vũ Trường Giang, thành viên Nhóm Xuân Hợp nhớ lại, khi thấy tình cảnh của T., nhóm đã đi tìm thân nhân cho em. Nhưng khi đến gia đình, cha và mẹ kế nhất quyết không nhận bé T. “Chúng tôi tiếp tục tìm bà nội của T. để em có một nơi để nương tựa. Từ đó, hằng ngày T. phụ bà nội bán hàng rau, còn chúng tôi hỗ trợ gạo và lấy thuốc, động viên em chữa bệnh. Cuộc sống của em cũng bắt đầu ổn định hơn” - anh Giang cho hay.

Vài năm trước, dự án Cầu Vồng (TP.Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ cho các trường hợp trẻ vị thành niên nhiễm HIV học kỹ năng sống để bảo vệ bản thân thông qua Nhóm Xuân Hợp. Ngoài ra, hằng tháng dự án còn hỗ trợ cho các trẻ sữa, quà tùy vào đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, sau 2 năm hỗ trợ, dự án này đã ngưng hoạt động.

Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp cho hay, vài năm nay, các dự án hỗ trợ trẻ vị thành niên nhiễm HIV gần như không có. Chỉ những dịp đặc biệt như lễ, tết, nhóm vận động các mạnh thường quân để mua quà tặng các em. “Nhưng điều đó chỉ giải quyết tình huống, khá ít ỏi và mang tính động viên. Lâu dài, tôi cũng mong có những sự hỗ trợ hằng tháng, ổn định cho các trẻ này” - anh Sơn chia sẻ.

* Vô vàn khó khăn

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đánh giá, thế giới đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt HIV/AIDS, song cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết, đặc biệt đối với trẻ em và trẻ vị thành niên. Do đó, cần tăng gấp đôi nỗ lực để trẻ vị thành niên tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Phòng Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh), hiện nay các dự án dành riêng cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV hầu như không có. Phần lớn trẻ nhiễm HIV đều đang được nuôi bởi người thân (ông, bà, chú, dì…) hoặc các tổ chức (đối với những trẻ lang thang, không có người thân).

Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị HIV đối với bệnh nhân là người trưởng thành đã khó, đối với trẻ em lại càng khó hơn. Hầu hết các trẻ nhiễm HIV do truyền từ mẹ sang con hoặc quan hệ đồng giới. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Một số em thích nghi với phác đồ điều trị do uống thuốc ARV (một loại thuốc nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể) đều đặn. Nhưng có đến 50% số trẻ trên phải đổi phác đồ điều trị do các em uống thuốc không đều, tái khám không đúng lịch hẹn”.

Đối với những trẻ mồ côi, việc tuân thủ điều trị lại càng khó khăn hơn do không có người lớn nhắc nhở uống thuốc thường xuyên. Dù ở với người thân nhưng đa phần ông bà đã già yếu, các em không được chăm sóc chu đáo nên thường ốm yếu, còi cọc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền bày tỏ lo lắng: “Trẻ mồ côi sẽ bỏ trị hoặc điều trị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em. Có nhiều em sợ phải nghỉ học nhiều sẽ bị bạn bè phát hiện, xa lánh và kỳ thị nên thường bỏ lỡ thời gian đến lấy thuốc, uống thuốc không đều. Trong 20 trẻ vị thành niên đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, có 1 em đang đi làm thuê tại Campuchia. Cứ vài tháng, em này lại về bệnh viện lấy thuốc một lần, điều này cũng khiến bản thân em và chúng tôi gặp khó trong quá trình điều trị”.

Để giúp trẻ nhiễm HIV, Trưởng nhóm Xuân Hợp Mai Như Sơn cho hay, hiện nay nhóm thực hiện can thiệp cho các trường hợp trẻ bị từ chối quyền được đi học, bị kỳ thị, lộ thông tin. Nhóm sẽ liên hệ với văn phòng Hội Luật sư tỉnh hoặc Tổng đài hỗ trợ tư pháp Vusta (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam). Tổng đài này sẽ hỗ trợ miễn phí về pháp lý cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV/AIDS và gửi công văn can thiệp pháp lý các vướng mắc của người nhiễm.

“Tuy nhiên, để trẻ vị thành niên nhiễm HIV được chăm sóc tốt, hòa nhập với cộng đồng, tôi mong có thêm những nguồn hỗ trợ ổn định dành riêng cho các em” - anh Sơn bày tỏ.

Chiêu Ly

Tin xem nhiều