Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

11:09, 09/09/2019

Suốt vài tháng nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng cao, kể cả ca mắc và tử vong. Theo các bác sĩ, tuy bệnh SXH diễn biến khó lường nhưng bệnh nhân có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc, theo dõi tốt và đưa đến bệnh viện kịp thời.

Suốt vài tháng nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng cao, kể cả ca mắc và tử vong. Theo các bác sĩ, tuy bệnh SXH diễn biến khó lường nhưng bệnh nhân có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc, theo dõi tốt và đưa đến bệnh viện kịp thời.

Sau khoảng 4 ngày, bệnh nhân hết sốt là giai đoạn nặng của bệnh, cần đưa đến bệnh viện. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đại học y dược Shing Mark (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.NHÀN
Sau khoảng 4 ngày, bệnh nhân hết sốt là giai đoạn nặng của bệnh, cần đưa đến bệnh viện. Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đại học y dược Shing Mark (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.NHÀN

* Số ca bệnh tăng mạnh

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, ngay từ đầu năm ngoái, các chuyên gia y tế thế giới đã cảnh báo bùng phát dịch SXH vào năm 2018, 2019 theo chu kỳ 10 năm. Đặc biệt, từ tháng 10-2018, bệnh này bắt đầu tăng dù không phải mùa bệnh.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130 ngàn trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc bệnh SXH tăng hơn 3 lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Những tuần gần đây, số ca mắc bệnh SXH ghi nhận trên cả nước tăng từ 5-10 ngàn ca bệnh/tuần. Riêng trong tháng 7, cả nước đã có 11 trường hợp tử vong. Tại Đồng Nai ghi nhận hơn 13 ngàn ca mắc bệnh, 2 trường hợp tử vong. “Dự báo trong 2 tháng 9 và 10, bệnh SXH sẽ còn bùng phát mạnh hơn” - bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Hoàng Phong, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đại học y dược Shing Mark (TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình phải biết cách chăm sóc bệnh nhân SXH tại nhà, nhất là với trẻ em. Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cơ địa và tuýp virus gây bệnh. Thể xuất huyết của người lớn thường chậm hơn ở trẻ. Trẻ sẽ bị sốc xuất huyết nhanh hơn, bệnh nặng nhanh hơn. Ở trẻ em, bệnh SXH dễ gây tình trạng sốc nhiều, còn người lớn thì kèm theo xuất huyết nhiều hơn.

* Cần được chăm sóc đúng cách tại nhà

Theo bác sĩ Phong, khoảng 3 ngày đầu bị bệnh, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt, kèm theo ho, sổ mũi. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi do cả hai loại bệnh này đều làm bệnh nhân sốt liên tục do siêu vi gây nên. Trong đó SXH sẽ khiến bệnh nhân sốt đột ngột 39-400C, nếu uống thuốc hạ sốt sẽ giảm nhưng sau đó tăng cao trở lại. Lúc này, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc kháng sinh uống mà chỉ uống thuốc hạ sốt, bổ sung dinh dưỡng, nước, nước trái cây, nước điện giải oresol, vitamin để người bệnh tự phục hồi.

Phòng bệnh là phương án tốt nhất, rẻ nhất

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Phòng bệnh vẫn là phương pháp tốt nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất. Cụ thể, người dân cần chủ động tiêu diệt muỗi bằng cách loại bỏ nơi cư trú của muỗi, tránh xa nơi thiếu sáng, sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi, ngủ mùng.

Ngoài ra, người bệnh không được ăn các thức ăn có màu nâu, đỏ, đen vì SXH có thể gây chảy máu mũi, răng, ói ra máu… “Bệnh nhân ăn những loại thức ăn trên không gây hại nhưng gây nhầm lẫn trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh. Quan trọng là người bệnh cần phải nghỉ ngơi và đi khám thường xuyên. Qua đó, bác sĩ sẽ quyết định nên nhập viện chữa trị hay tiếp tục theo dõi tại nhà. Việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân ở nhà không đồng nghĩa với tự điều trị” - bác sĩ Phong nhấn mạnh.

Khi theo dõi tại nhà, người bệnh cần được đo nhiệt độ thường xuyên để làm các biện pháp hạ sốt như uống thuốc hạ sốt kèm lau người. Cần lưu ý liều lượng với trẻ em không vượt quá 60mg/kg/ngày hoặc không uống quá 1.000mg/ngày (4 gói hạ sốt 250mg), người lớn dùng không quá 2.000mg paracetamol (4 viên hạ sốt 500mg).

Bác sĩ Phong cho biết thêm, SXH thường nặng vào giai đoạn hạ sốt. Khoảng từ ngày thứ 4 mắc bệnh, người bệnh sẽ hết sốt. Đây chính là lúc tiểu cầu đang giảm, huyết áp tụt, máu đang đặc hơn và SXH “lấy đà” để tấn công mạnh nhất.

Các bác sĩ đều khuyến cáo, bệnh nhân SXH tuyệt đối không tự ý truyền dịch sẽ khiến cơ thể phù nề dẫn đến suy hô hấp. Đồng thời, người bệnh nên hạn chế tắm rửa, va chạm mạnh, vận động sẽ khiến SXH tiến triển nặng, dễ bị xuất huyết hơn. Từ ngày thứ 3 trở đi, người bệnh có dấu hiệu: đau bụng, tay chân lạnh, ói nhiều, lừ đừ… cần phải đưa đến bệnh viện gấp.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích