Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ vướng trong thu hút, đào tạo bác sĩ theo địa chỉ

03:08, 05/08/2019

Thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện các nghị quyết và quyết định của HĐND, UBND tỉnh về thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đồng Nai; đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.

Nhằm chủ động xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực ngành Y tế có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, thời gian qua Đồng Nai đã thực hiện các nghị quyết và quyết định của HĐND, UBND tỉnh về thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đồng Nai; đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.

Do thực hiện tốt cơ chế tự chủ nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh khá cao. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hợp sức phẫu thuật cứu bệnh nhân  Ảnh: H.DUNG
Do thực hiện tốt cơ chế tự chủ nên thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh khá cao. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hợp sức phẫu thuật cứu bệnh nhân Ảnh: H.DUNG

[links()]Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thời gian gần đây, các chính sách này đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện tại, nhất là khi hệ thống y tế ngoài công lập đang phát triển mạnh mẽ.

* Hơn 2,5 năm thu hút, đào tạo được 281 bác sĩ

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh: “Để thu hút và “giữ chân” bác sĩ, trách nhiệm chính vẫn là ở ngành Y tế. Ngành phải chủ động tự đổi mới mình để tạo nên bước đột phá, không ngồi đó mà trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta cần thay đổi thái độ, cách nghĩ, cách làm, phục vụ người bệnh cho tốt, tránh suy nghĩ làm hay không làm thì cũng được Nhà nước trả lương. Nếu không mạnh dạn thay đổi thì 10 năm nữa ngành Y tế cũng không có chuyển biến gì đáng kể”.

Theo Quyết định số 4690 của UBND tỉnh quy định chính sách thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2020, đối tượng được hưởng thu hút là bác sĩ tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại các trường đại học y, dược về công tác tại các trung tâm y tế huyện: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch; các bệnh viện chuyên khoa phổi, da liễu, nhi; các trung tâm: y tế dự phòng tỉnh, phòng chống HIV/AIDS, giám định y khoa, pháp y; các bệnh viện đa khoa khu vực: Định Quán, Long Thành, Long Khánh.

Mức thu hút là 150 triệu đồng/người đối với bác sĩ về làm việc tại trung tâm y tế các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Xuân Lộc; Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán; các bệnh viện chuyên khoa: phổi, da liễu; các trung tâm: phòng chống HIV/AIDS, giám định y khoa, pháp y. Mức thu hút 100 triệu đồng/người đối với những bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế còn lại.

Phó chánh văn phòng Sở Y tế Hà Đức Minh cho hay, qua hơn 2,5 năm triển khai quyết định của UBND tỉnh, ngành Y tế đã thu hút được 124 bác sĩ, hỗ trợ hơn 1,5 ngàn bác sĩ với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng. Hiện tại, tỷ lệ chung của tỉnh đã đạt 8 bác sĩ/vạn dân nhưng ở một số trung tâm y tế như: Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện da liễu Đồng Nai, Bệnh viện phổi Đồng Nai còn thiếu nhiều bác sĩ.

Thực hiện Nghị quyết số 121/NQ-HĐND ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh về việc đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng của tỉnh, giai đoạn 2017-2019, có 157 sinh viên được cử đi đào tạo đã tốt nghiệp và được bố trí, phân công công tác về các đơn vị trực thuộc gồm 78 bác sĩ đa khoa, 12 bác sĩ y học dự phòng, 14 bác sĩ y học cổ truyền, 15 bác sĩ răng hàm mặt, 9 cử nhân y tế công cộng, 28 dược sĩ, một cử nhân xét nghiệm. Tuy nhiên, có 36 người trong số đó đã xin thôi việc, tự ý bỏ việc, không chấp hành phân công công tác, chuyển công tác, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chuyên môn và định hướng phát triển của đơn vị.

* Gần 23% bác sĩ vi phạm cam kết đào tạo theo địa chỉ

Trong hơn 2 năm qua, toàn tỉnh tuyển dụng được 594 bác sĩ nhưng có 329 bác sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc và chuyển công tác (riêng nghỉ việc là 232 người). Dự kiến đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 1,7 ngàn bác sĩ. Để đạt được mục tiêu đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020 thì hằng năm tỉnh cần phải bổ sung 350 bác sĩ do hao hụt vì nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Bác sĩ Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ cho hay, từ năm 2017 đến nay trung tâm thu hút được 18 bác sĩ, tiếp nhận 7 bác sĩ theo chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ nhưng có đến 10 bác sĩ đã nghỉ việc chuyển công tác. Ngoài chế độ thu hút của UBND tỉnh, trung tâm còn hỗ trợ cho mỗi bác sĩ số tiền 50 triệu đồng, đảm bảo mức lương khởi điểm ban đầu cho bác sĩ là 8 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, trung tâm có 63 bác sĩ, thiếu khoảng 20 bác sĩ, phải luân phiên các bác sĩ từ xã lên trung tâm để khám chữa bệnh. Gần 3 năm qua, lãnh đạo trung tâm tích cực tìm kiếm bác sĩ từ nhiều nguồn, đến tận các trường đại học y, dược để tuyển bác sĩ nhưng vẫn không tuyển được bác sĩ nội khoa nào. Mới đây, có 6 sinh viên tốt nghiệp Trường đại học y dược Huế theo lời mời đã đến trung tâm để tìm hiểu công việc, nhưng sau khi nhìn thấy cơ sở vật chất của trung tâm đã không trở lại.

Còn Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài thì cho biết, tại cơ sở 2 của trung tâm đóng tại xã Thạnh Phú quy mô 60 giường bệnh nhưng chỉ có 5 bác sĩ/tổng số 56 cán bộ, nhân viên. Trong số 5 bác sĩ lại chỉ có 3 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khiến cơ sở hoạt động không hiệu quả.

Trung tâm y tế huyện Tân Phú cũng trong tình trạng tương tự khi bác sĩ trẻ cứ được cử về lại ra đi vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là thu nhập thấp. Trong số các bác sĩ nghỉ việc, có 6 bác sĩ vi phạm cam kết theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, được đơn vị cử đi đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp bỏ việc buộc phải đền bù kinh phí như trường hợp bác sĩ T.T.S., nghỉ việc năm 2017 phải đền bù hơn 58,5 triệu đồng kinh phí đào tạo; bác sĩ T.T.N. vi phạm cam kết đào tạo theo địa chỉ, phải đền bù hơn 281 triệu đồng; bác sĩ T.X.V., bỏ việc năm 2018 phải đền bù hơn 243 triệu đồng.

Thống kê của Sở Y tế cho thấy, trong số 36 người được đào tạo theo địa chỉ không chấp hành sự phân công công tác của Sở Y tế có 32 người đã thực hiện đền bù kinh phí đào tạo với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. Có 4 trường hợp hiện vẫn chưa thực hiện đền bù (3 bác sĩ, 1 dược sĩ).

Về đội ngũ bác sĩ nội trú, trong số 6 bác sĩ đã tốt nghiệp năm 2018 có 4 bác sĩ đã làm đơn xin nghỉ việc vì lý do hoàn cảnh gia đình. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã nhiều lần mời đến để động viên, thuyết phục nhưng các bác sĩ vẫn kiên quyết xin thôi việc.

* Cần giải pháp căn cơ

Chính sách thu hút, hỗ trợ và đào tạo bác sĩ, nhân viên ngành Y tế theo địa chỉ rõ ràng đã giúp số lượng bác sĩ trong tỉnh tăng lên hằng năm, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà đến nay kết quả đạt được của những chính sách này chưa như mong đợi. Một số cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn như: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu nhiều năm qua luôn phải “trầy trật” để thu hút bác sĩ nhưng vẫn không được là bao. Một số bác sĩ trẻ sau khi ra trường chấp nhận về những nơi này làm việc nhưng không nhận chế độ thu hút của tỉnh, đến khi có chứng chỉ hành nghề lại “dứt áo ra đi”.

Nguyên Giám đốc  Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn trao quyết định phân công công tác cho các tân bác sĩ theo chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh năm 2016. ảnh: Ngọc Thư
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn trao quyết định phân công công tác cho các tân bác sĩ theo chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh năm 2016. ảnh: Ngọc Thư

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài đề xuất, tỉnh cần tăng kinh phí thu hút từ 150 triệu đồng/người lên 200 triệu đồng/người khi bác sĩ về các huyện vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần thực hiện điều động luân phiên bác sĩ ở các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường về công tác tại các trung tâm y tế tuyến huyện. Khi thực hiện đào tạo bác sĩ theo địa chỉ cần ưu tiên cho những huyện thiếu nhiều bác sĩ.

Ngoài ra, theo quy định, nếu người nào vi phạm cam kết theo chế độ thu hút của tỉnh sẽ phải đền bù 5 lần số tiền đã được nhận nên một số bác sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng e ngại nếu không may trong quá trình công tác có vấn đề gì thì sẽ rất khó đền bù. Vì thế, tỉnh cũng cần nghiên cứu để sửa đổi vì hiện nay thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công lập thấp hơn nhiều so với bệnh viện tư nhân.

Về vấn đề quản lý bằng tốt nghiệp của sinh viên đào tạo theo địa chỉ sau khi ra trường, Phó chánh văn phòng Sở Y tế Hà Đức Minh trăn trở, theo Bộ luật Dân sự quy định, các giấy tờ nhân thân như: bằng tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, Sở Y tế chưa có cơ sở pháp lý để giữ bằng tốt nghiệp đại học của cá nhân. Nhưng nếu không giữ bằng tốt nghiệp đại học của các bác sĩ này thì Sở sẽ rất khó trong công tác quản lý, vì các bác sĩ sẽ mang bằng tốt nghiệp đại học đi xin việc ở các nơi khác, chưa kể việc thu hồi kinh phí đền bù.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho rằng, hai Nghị quyết của HĐND tỉnh đã phát huy được hiệu quả nhưng chỉ phù hợp với thời điểm vài năm trước đây, còn hiện nay khi hệ thống y tế tư nhân phát triển, những mức thu hút của tỉnh đã không còn đủ sức để giữ chân các bác sĩ ở lại với cơ sở y tế công lập. Bởi nguyên nhân chính khiến các cơ sở y tế không thu hút, không “giữ chân” được bác sĩ là do thu nhập của họ quá thấp so với mức lương mà các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng chi trả cho họ.

Do đó, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ kiến nghị HĐND tỉnh cần ban hành quy chế cho phép thực hiện dịch vụ trong y tế công lập để nâng cao thu nhập cho cán bộ, bác sĩ; thí điểm cho tư nhân thuê cơ sở vật chất của những cơ sở y tế hoạt động không hiệu quả. Mặt khác, cần quyết tâm sáp nhập Trường cao đẳng y tế Đồng Nai vào Trường đại học Đồng Nai để đào tạo mỗi năm từ 50-70 bác sĩ cho tỉnh; tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho những nơi có cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, tạo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều