Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý hành nghề y, dược tư nhân

03:07, 18/07/2019

Vài năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân trong tỉnh phát triển với tốc độ nhanh chóng. Sự ra đời của các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân (PKĐKTN) đã giúp các bệnh viện công lập giảm tải đáng kể...

Vài năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân trong tỉnh phát triển với tốc độ nhanh chóng. Sự ra đời của các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân (PKĐKTN) đã giúp các bệnh viện công lập giảm tải đáng kể và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Bệnh nhân D.T.N. (57 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) bị yếu liệt hai chân, không ngồi, không đi lại được đã được bác sĩ Bệnh viên đại học y dược Shingmark chữa khỏi. Ảnh: H.DUNG
Bệnh nhân D.T.N. (57 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) bị yếu liệt hai chân, không ngồi, không đi lại được đã được bác sĩ Bệnh viên đại học y dược Shingmark chữa khỏi. Ảnh: H.DUNG

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, hệ thống y tế tư nhân còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.

* Phát triển mạnh mẽ

5 tháng đầu năm 2019, chi phí khám, chữa bệnh của 47 cơ sở y tế tư nhân có đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ở Đồng Nai khá cao. Chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú là 221,9 tỷ đồng, bằng gần 39% chi phí ngoại trú toàn tỉnh, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền khám, chữa bệnh nội trú là 32,9 tỷ đồng, tăng hơn 26,8% so với cùng kỳ. Số tiền khám, chữa bệnh BHYT nội trú của các đơn vị này bình quân hơn 3 triệu đồng/lượt, trong khi bình quân cả nước chỉ là 2,6 triệu đồng/lượt.

Toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, trong đó có 4 bệnh viện đa khoa, 2 bệnh viện chuyên khoa, còn lại là các PKĐKTN. Thống kê của Sở Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm các cơ sở này khám, chữa bệnh cho trên 2 triệu lượt người. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, 47 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã khám, chữa bệnh cho hơn 1,2 triệu lượt người, chiếm 45% số lượt khám, chữa bệnh BHYT của toàn tỉnh.

Sự ra đời của các bệnh viện tư nhân với đội ngũ bác sĩ có trình độ cao, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc khang trang, hiện đại đã giúp người dân trong và ngoài tỉnh có nhiều lựa chọn về nơi khám, chữa bệnh và mua thẻ BHYT. Bên cạnh đó, quy định về thông tuyến khám BHYT cũng tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong tỉnh có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao của các bệnh viện tư nhân.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, Bệnh viện đại học y dược Shingmark, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai ngoài khám, chữa bệnh thông thường còn kịp thời cứu sống nhiều ca bệnh nặng, khó. Bác sĩ của các bệnh viện này đã mạnh dạn thực hiện nhiều kỹ thuật cao với sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân thời gian qua đã giảm được chi phí đầu tư rất lớn từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời giúp giải quyết 3 vấn đề lớn của ngành Y tế. Thứ nhất là giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế công lập. Nếu không có các bệnh viện, PKĐKTN, chắc chắn các bệnh viện công lập sẽ luôn trong tình trạng quá tải. Mặt khác, do là tỉnh công nghiệp, có đông công nhân lao động nên việc các bệnh viện, PKĐKTN làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật giúp cho công nhân lao động có thời gian để đi khám, chữa bệnh.

Thứ hai, y tế tư nhân cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là bộ phận người dân có tiền, muốn được hưởng các dịch vụ y tế hiện đại. Điều này khác xa với y tế công lập vì y tế công lập chi phí chi trả có giới hạn nên có xu hướng “cào bằng” trong cách phục vụ, chăm sóc người bệnh. Sự ra đời và phát triển của y tế tư nhân cũng chính là đối trọng để y tế công lập nhìn lại mình, cải tiến hơn, nâng cao hơn chất lượng phục vụ người bệnh.

Thứ ba, y tế tư nhân ra đời đã góp phần giải quyết việc làm cho đông đảo sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường y, dược trong cả nước.

* Còn nhiều hạn chế

Về vấn đề cấp giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải kiểm tra, đối chiếu thẻ hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh của bệnh nhân, nghiêm cấm việc mua bán giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH. Nếu phát hiện cơ sở sai phạm, Sở Y tế sẽ làm việc với cơ quan BHXH tỉnh để ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với những cơ sở này. Riêng Sở Y tế sẽ thu hồi giấy phép hoạt động và chuyển cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Những cơ sở không thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ về Sở Y tế theo quy định, Sở sẽ xem xét phối hợp cắt giảm số lượng thẻ đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở.

Qua thanh tra của Sở Y tế cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều PKĐKTN vừa khám bệnh, vừa bán thuốc, hoạt động ngoài phạm vi cho phép. Không ít bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề đã hoạt động hoặc có chứng chỉ hành nghề về chuyên môn này nhưng lại khám, chữa bệnh chuyên môn khác. Một số PKĐKTN chưa tiến hành niêm yết giá khám, chữa bệnh dẫn đến tình trạng thu giá cao, gây bức xúc cho người bệnh.

Một vấn đề cũng rất “nóng” khác theo Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Lê Quang Ánh, đó là tình trạng các PKĐKTN cấp, bán giấy nghỉ bệnh để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người dân, nhiều nhất là cho công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Đây chính là việc làm nhằm trục lợi quỹ BHXH cần lên án mạnh mẽ bởi trên thực tế công nhân không bị bệnh nhưng vẫn được phòng khám cấp/bán giấy nghỉ bệnh để hưởng chế độ từ quỹ bảo hiểm.

Việc các cơ sở y tế tư nhân sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT vượt quá dự toán cho phép cũng đang khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”.

Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trong tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2019 đều có mức chi bình quân ngoại trú cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó có 19 cơ sở có mức chi bình quân tăng trên 10%. Cá biệt có những cơ sở như Công ty TNHH phòng khám đa khoa Tín Đức (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có mức chi phí bình quân lên tới 276,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đó là Công ty TNHH phòng khám đa khoa Sinh Hậu (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), Công ty TNHH phòng khám đa khoa quốc tế Long Bình (TP.Biên Hòa), Công ty cổ phần phòng khám đa khoa y Sài Gòn (TP.Biên Hòa)…; 16/47 cơ sở chi khám, chữa bệnh BHYT vượt dự toán giao trên 20%. Đứng đầu là Công ty TNHH một thành viên Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa), tiếp đến là Công ty TNHH phòng khám đa khoa Phúc Trạch (huyện Nhơn Trạch)…

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở có chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm vượt quá dự toán là do các cơ sở còn chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng quá mức cần thiết; chỉ định thuốc chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, sử dụng thuốc chế phẩm có tỷ lệ cao so với mức bình quân chung của cả nước; thanh toán các dịch vụ kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cao, chỉ định rộng rãi trên người bệnh có độ tuổi còn trẻ, chỉ định X-quang chưa phù hợp, bác sĩ khám bệnh chưa đúng theo quyết định trên chứng chỉ hành nghề…

* Xử lý mạnh tay những cơ sở vi phạm

Để đưa hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân vào khuôn khổ, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, Sở sẽ dựa trên quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế để quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở này.

Người bệnh được chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Người bệnh được chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

Theo đó, về mặt nhân sự, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và trưởng các khoa chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề ít nhất 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng, là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Đoàn thẩm định sẽ không cấp giấy phép hoạt động cho PKĐKTN nếu những chuyên khoa đăng ký không có nhân sự đảm bảo điều kiện về thâm niên hành nghề và thời gian làm việc. Nếu cơ sở giảm nhân sự nhưng không bổ sung được người đủ tiêu chuẩn thay thế thì cơ sở phải có đơn báo tạm ngừng hoạt động chuyên khoa tương ứng. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, cơ sở không được khám, chữa bệnh chuyên khoa đó, kể cả khám sức khỏe. Nếu hết thời gian tạm dừng mà cơ sở không bổ sung được nhân sự thì phải điều chỉnh giấy phép hoạt động, giảm bớt chuyên khoa đó trong cơ cấu tổ chức của cơ sở. Trường hợp thiếu chuyên khoa bắt buộc phải có thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở.

Ngoài ra, đối với những cơ sở đã cấp giấy phép hoạt động trước khi Nghị định 155 có hiệu lực, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở phải bổ sung giấy tờ, nhân sự cần có còn thiếu từ nay đến hết ngày
31-12-2019. Từ ngày 1-1-2020, cơ sở nào không khắc phục phải điều chỉnh giấy phép hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

Sở Y tế yêu cầu các PKĐKTN thực hiện nghiêm quy định người hành nghề có tên trong danh sách đăng ký hành nghề của cơ sở phải có mặt và trực tiếp khám bệnh tại cơ sở, không được khám thay, không được sử dụng các biểu mẫu có chữ ký sẵn. Đồng thời kiểm soát tốt chi phí khám, chữa bệnh BHYT, không được lợi dụng danh nghĩa hoạt động khám chữa bệnh từ thiện, nhân đạo hoặc chi bồi dưỡng cho cá nhân, tổ chức để thu gom bệnh nhân có thẻ BHYT đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Hạnh Dung


TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế: Cơ sở y tế công lập sẽ khó cạnh tranh

Cơ sở y tế tư nhân sẽ ngày càng phát triển. Do đó, nếu Nhà nước không tiếp tục đầu tư thích đáng cho hệ thống y tế công lập thì y tế công lập sẽ rất khó để cạnh tranh với y tế tư nhân, đặc biệt trong khâu trả lương cho bác sĩ. Tôi rất sợ một điều rằng về lâu về dài, những “tinh túy” nhất của ngành Y tế công lập (đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao) sẽ “chảy” dần sang các bệnh viện tư nhân, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện công lập.

 

Bác sĩ Bùi Văn Xờ, Chủ tịch Hội Y tế ngoài công lập tỉnh, Trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức:

Cơ sở y tế tư nhân phải tự chấn chỉnh

Hạn chế lớn nhất hiện nay của hệ thống y tế tư nhân là một số cơ sở còn chưa tuân thủ quy định của BHXH, lợi dụng để trục lợi bảo hiểm, chỉ định nhiều dịch vụ nên tỷ lệ chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quá nhiều, có những đơn vị vượt lên 200%. Bên cạnh đó, qua dư luận tôi được biết đang tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các PKĐKTN. Có những phòng khám “phù phép” từ một hồ sơ bệnh án thành 2-3 hồ sơ bệnh án để hưởng lợi từ BHYT. Các phòng khám nên tự nhìn nhận lại mình, chấn chỉnh ngay những việc làm sai trái.

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc BHXH tỉnh: Liên tục quản lý, kiểm tra chặt chẽ

Chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra những vấn đề liên quan đến công tác khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế tư nhân. Bộ phận giám định BHYT cũng sẽ bố trí người đến các phòng khám để theo dõi hằng ngày xem dữ liệu của các phòng khám có trùng với số lượng bệnh nhân đến khám bệnh hằng ngày hay không. Nếu cơ sở nào gửi dữ liệu đến cơ quan BHXH sau thời gian quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra chặt chẽ, tránh tình trạng cơ sở lập hồ sơ giả, hồ sơ khống để trục lợi BHYT. Các chủ PKĐKTN nên quản lý chặt chẽ hoạt động của phòng khám mình bởi trên thực tế có những phòng khám mặc dù chủ cơ sở không trực tiếp làm sai nhưng nhân viên của phòng khám làm sai, đến khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện sai phạm thì chủ cơ sở sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chị Lê Thị Hồng Vy (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom): Chi phí ở phòng khám tư nhân còn cao

Xung quanh khu vực xã Bắc Sơn có rất nhiều PKĐKTN. Mỗi khi công nhân chúng tôi bị các bệnh thông thường như: đau đầu, sổ mũi sẽ đến các phòng khám này để khám, lấy thuốc uống. Còn đến khi cảm thấy bệnh nặng, tôi và gia đình thường đến các bệnh viện công lập lớn của tỉnh hoặc TP.Hồ Chí Minh để khám chứ không dám khám ở các PKĐKTN.

Nhiều bạn bè của tôi hay than phiền một số phòng khám tư nhân chuyên về sản khoa thường lấy giá làm thủ thuật hay bán thuốc đắt hơn các bệnh viện công lập. Điều này cũng khiến chúng tôi lo ngại mỗi khi bắt buộc phải vào những phòng khám này.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều