Báo Đồng Nai điện tử
En

Y tế công lập: "Than" thiếu hụt bác sĩ

10:06, 05/06/2019

Tại cuộc họp giao ban tháng 6-2019 ngành Y tế Đồng Nai, đại diện lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế công lập đều "than" thiếu hụt bác sĩ trầm trọng tại đơn vị mình.

Tại cuộc họp giao ban tháng 6-2019 ngành Y tế Đồng Nai, đại diện lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế công lập đều “than” thiếu hụt bác sĩ trầm trọng tại đơn vị mình.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm hỏi bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thăm hỏi bệnh nhân sau ca phẫu thuật

Mặc dù tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là những bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao đã diễn ra vài năm gần đây nhưng đến thời điểm này, các bệnh viện đều tỏ ra “đuối sức” vì khó cáng đáng nổi.

* Bác sĩ “chê” chế độ  thu hút bác sĩ

Theo Quyết định 4690 của UBND tỉnh ngày 30-12-2016, những đối tượng hưởng chính sách thu hút về các cơ sở y tế công lập trong tỉnh phải cam kết phục vụ công tác khám chữa bệnh tại cơ sở tối thiểu là 10 năm. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ phải đền bù số tiền gấp 5 lần số tiền hỗ trợ theo chế độ thu hút bác sĩ đã được nhận.

Kể từ khi các bệnh viện ngoài công lập phát triển mạnh, trả lương cao, nhiều bác sĩ trước kia thuộc diện thu hút của các bệnh viện công lập chấp nhận đền bù số tiền lớn để “nhảy” việc.

Theo báo cáo sơ bộ của các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh cho thấy từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài số bác sĩ nghỉ hưu theo chế độ còn có hơn 50 bác sĩ đã nghỉ việc và nhiều bác sĩ khác chuẩn bị nghỉ việc. Trong đó, một số bệnh viện có số bác sĩ nghỉ việc đông là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: 19 bác sĩ; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: 11 bác sĩ; Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai: 6 bác sĩ đã nghỉ việc và 6 bác sĩ chuẩn bị nghỉ việc...

ThS-BS CKII Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chia sẻ, từ năm 2016 đến hết tháng 5-2019, bệnh viện có 30 bác sĩ nghỉ việc, hầu hết là bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề. Trong đó có 6 bác sĩ đã được gửi đi đào tạo các khóa học về nội soi, phẫu thuật sọ não, sơ sinh, ngoại khoa.

Cung theo BS Hà, bệnh viện hiện có 151 bác sĩ nhưng 30 bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, 9 bác sĩ đang đi học chẩn đoán hình ảnh, gây mê, 16 bác sĩ đang học sau đại học, 6 bác sĩ nghỉ hậu sản, 6 bác sĩ chuẩn bị nghỉ việc. Vì thế chỉ còn 90 bác sĩ đang làm việc với lượng bệnh nhân ngoại trú 1,2-1,5 ngàn lượt người/ngày; 500-600 lượt bệnh nội trú/ngày.

Lượng bệnh nhân lớn mà số bác sĩ không đủ khiến công việc của các bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều khoa như: chẩn đoán hình ảnh, khối ngoại, khoa tai mũi họng thiếu nhiều bác sĩ.

“Việc thu hút bác sĩ trẻ về bệnh viện hiện cũng không dễ dàng. Trong số 58 bác sĩ tuyển mới về bệnh viện trong thời gian qua chỉ có 16 bác sĩ chấp nhận tiền hỗ trợ, còn lại không nhận vì sợ ràng buộc” - bác sĩ Đa Hà bộc bạch.

Cũng vướng mắc trong vấn đề thu hút bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Hai cho hay, từ năm 2018 đến hết quý I-2019, bệnh viện thu hút được 20 bác sĩ nhưng có 4 bác sĩ nghỉ hưu, 5 bác sĩ nghỉ việc, 5 bác sĩ bỏ việc.

“Vừa rồi có trường hợp thuộc diện hưởng chế độ thu hút bác sĩ xin nghỉ việc, 2 bên cũng đã thống nhất mức đền bù theo quy định nhưng sau đó liên lạc với bác sĩ này không được và đến giờ vẫn chưa thể giải quyết xong trường hợp này. Không những thế, nhiều phòng khám tư nhân bên ngoài cũng sẵn sàng trả khoản tiền đền bù cho bác sĩ để bác sĩ “đầu quân” về phòng khám” - bác sĩ Hai cho hay.

* Cần giải pháp căn cơ

Bên cạnh lý do chủ quan là tiền lương mà các bệnh viện công lập trả thấp hơn so với các bệnh viện ngoài công lập thì môi trường làm việc, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phòng ốc... cũng phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng của các bác sĩ.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua báo cáo của các bệnh viện trong tỉnh cho thấy, ngoài Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh mới được đầu tư xây dựng cách đây vài năm, còn lại các bệnh viện, trung tâm y tế đều trong tình trạng xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới.

Theo TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh viện hiện thiếu phòng mổ, thiếu nhiều máy móc như: máy thở, máy hấp, máy theo dõi tình hình bệnh - monitoring. Do thiếu máy thở nên vẫn còn có những trường hợp phải dùng bóp bóng bằng tay để điều trị hoặc chuyển viện. Với 19 bác sĩ và 21 điều dưỡng nghỉ việc từ đầu năm đến nay cộng với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo khiến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Để giữ chân bác sĩ, TS-BS.Phạm Văn Dũng kiến nghị Sở Y tế, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách cho bệnh viện được tự chủ thực sự để triển khai thêm các dịch vụ kỹ thuật theo yêu cầu nhằm tạo nguồn thu, nâng cao thu nhập cho bác sĩ.

Trong khi đó ThS-BS CKII Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đề xuất tỉnh cần có chế độ hỗ trợ, thu hút bác sĩ phù hợp như: hỗ trợ nhà ở, chung cư, cư xá thay vì hỗ trợ tiền để bác sĩ ổn định chỗ ở, an tâm công tác. Đồng thời, cần có chế độ lương, phụ cấp phù hợp bởi trên thực tế tiền trực một đêm của các bác sĩ bệnh viện công lập chỉ bằng 1/20 số tiền trực một đêm của các bác sĩ bệnh viện ngoài công lập; tổ chức liên kết với các trường đại học y khoa để đào tạo bác sĩ tại chỗ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều