Báo Đồng Nai điện tử
En

Băn khoăn nhà ở thành nhà trẻ

09:06, 07/06/2019

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 346 trường mầm non, trong đó có 225 trường công lập (chiếm tỷ lệ 65%), 121 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 35%). Ngoài ra, hiện còn tồn tại 1.118 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục...

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 346 trường mầm non, trong đó 225 trường công lập (chiếm tỷ lệ 65%), 121 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 35%). Ngoài ra, hiện còn tồn tại 1.118 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục thường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, chủ yếu là con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Giáo viên chăm sóc trẻ tại một nhóm trẻ tư thục  ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) trong giờ học
Giáo viên chăm sóc trẻ tại một nhóm trẻ tư thục ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) trong giờ học

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, trong khi các trường mầm non công lập và tư thục hoạt động khá ổn định, đảm bảo được chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, thì những nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục vẫn đang là mối băn khoăn về chất lượng, nhất là tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn với trẻ. Do đó Sở GD-ĐT đang cùng với các địa phương rà soát, hướng dẫn những nhóm lớp nào đủ điều kiện sẽ sớm được nâng cấp lên thành trường mầm non tư thục.

* Tiện lợi mà… lo

Hết 6 tháng nghỉ thai sản, chị Nguyễn Thị Hải Anh, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đành mang con đến một nhóm trẻ tư thục của một gia đình ở KP.1 phường An Bình (TP.Biên Hòa) gửi để đi làm. Chi phí gửi con chị phải trả là 1,5 triệu đồng/tháng.

Trường mầm non tư thục
Trường mầm non tư thục Thế Giới Ánh Dương Xanh tại xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) được đầu tư nâng cấp từ nhà nhóm trẻ lên trường . Trong ảnh: Trẻ được vui chơi ngoài trời và học kỹ năng.

Gửi con ở một nhóm trẻ tư thục có diện tích chật hẹp, chỉ có 3 người vừa trông giữ, vừa nấu ăn cho trẻ khiến chị Anh không khỏi lo lắng. Chị cho hay: “Dù chưa mấy yên tâm khi gửi con nhưng tôi không có lựa chọn nào khác, vì trẻ mới 6 tháng tuổi thì không có trường công lập nào tiếp nhận”.

Là một trong những phường có đông công nhân ở trọ nhất TP.Biên Hòa, phường Long Bình hiện có đến cả trăm nhóm, lớp mẫu giáo tư thục. Phần lớn các nhóm, lớp được hình thành tự phát, khi số trẻ đông dần được phường đưa vào diện quản lý và cấp phép hoạt động. Các nhóm, lớp này chủ yếu được tận dụng từ những căn nhà ở, không phù hợp cho việc nhận trông giữ trẻ với số lượng lớn. Các điều kiện về không gian, sân chơi, an toàn phòng, chống cháy nổ đều không được đảm bảo. Một vấn đề quan trọng là người trực tiếp trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, hoặc không được bồi dưỡng tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ trông giữ chăm sóc trẻ.

Trong số 1.188 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục đã có 1.169 nhóm, lớp được cấp phép; 19 nhóm, lớp chưa được cấp phép. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch hay Vĩnh Cửu đang phát triển “nóng” các nhóm, lớp mẫu giáo tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Bà Vũ Thị Ngoan, chủ nhóm trẻ tư thục HMT tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa) có một căn nhà cấp 4 được tận dụng làm nơi trông giữ trẻ và hiện có gần 30 trẻ được gửi tại đây.

Bà cho biết nhóm trẻ của gia đình bà chủ yếu phục vụ công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1-2 và Amata. Giờ giấc phục vụ gửi, đón trẻ khá linh hoạt. Buổi sáng công nhân có thể đưa con đến gửi từ 6 giờ, còn chiều tối rước trẻ muộn cũng không tính tiền gửi thêm giờ. Mỗi tháng phụ huynh trả tiền trông giữ con là 1,2 triệu đồng.

Bà Ngoan cho rằng: “Nếu không có những nhóm trẻ tư thục thì công nhân có con mới chỉ vài tháng tuổi biết gửi ở đâu mà đi làm, vì không trường mầm non công lập nào nhận chăm sóc những đứa trẻ độ tuổi quá nhỏ này cả”.

* Bất an với nhà, nhóm trẻ

Bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT cho biết, trong những năm qua có nhiều nhóm, lớp mẫu giáo tư thục đã được hướng dẫn các bước đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và bộ máy để nâng cấp thành trường mầm non tư thục. Sau khi được nâng cấp thành trường mầm non tư thục đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng, đồng thời tiếp tục chia sẻ áp lực cho ngành Giáo dục trong việc tiếp nhận chăm sóc và giáo dục trẻ.

Biểu đồ so sánh tỷ lệ phát triển của hệ thống trường mầm non công lập và tư thục
Biểu đồ so sánh tỷ lệ phát triển của hệ thống trường mầm non công lập và tư thục

Mới đây, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát thực tế tại nhiều trường mầm non tư thục và các nhóm, lớp mẫu giáo tư thục trên địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng còn rất nhiều vấn đề trăn trở trong việc đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ trong các nhóm, lớp trẻ tư thục trên địa bàn tỉnh. Đáng lo nhất vẫn là điều kiện cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ chưa thực sự đảm bảo cho trẻ được phát triển tốt và an toàn.

Ông Tuấn cho biết: “Có nơi lớp học diện tích quá nhỏ, trần lớp học quá thấp do tận dụng từ nhà ở làm nhà trẻ. Có nơi vừa bước vào đã buồn ói khi thấy mùi nước tiểu của trẻ, do khả năng thông gió và vệ sinh chưa tốt. Với điều kiện chăm sóc trẻ như vậy trẻ sẽ không thể phát triển tốt về thể chất, nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì càng nguy hiểm khi các cháu chưa có kỹ năng thoát hiểm”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng bày tỏ nghi ngại về đội ngũ làm công tác nuôi dạy trẻ ở một số cơ sở mầm non tư thục. Ông Tuấn cho hay: “Có cơ sở mầm non tư thục chúng tôi đến giám sát, khi hỏi cô nuôi dạy trẻ được đào tạo ở trường nào ra mà cũng ấp úng không trả lời được. Phải chăng những cơ sở này nghe có đoàn kiểm tra đến thì bố trí “giáo viên” để đối phó?”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình hỏi thăm một giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng mầm non công tác tại Trường mầm non Đông Phương xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình hỏi thăm một giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng mầm non công tác tại Trường mầm non Đông Phương xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.

Việc quản lý các nhóm, lớp mẫu giáo tư thục tiếp tục là vấn đề khó khăn với ngành Giáo dục, nhất là địa phương cấp huyện và cấp xã khi số lượng trường, nhóm, lớp mẫu giáo thì đông nhưng cán bộ quản lý lại quá mỏng. Trong buổi giám sát tại TP.Biên Hòa, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, thành phố hiện có hàng trăm cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục, bên cạnh đó là các nhóm, lớp mẫu giáo tư thục nhưng chỉ có 3 cán bộ phụ trách mảng giáo dục mầm non. Trong khi đó, việc quản lý các nhóm, lớp tư thục sẽ khó đảm bảo khi giao cho cấp phường, xã vì liên quan đến chuyên môn về giáo dục.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, việc quản lý cấp phép và hoạt động cho các cơ sở mầm non tư thục, nhất là nhóm, lớp mẫu giáo tư thục rất quan trọng. Ngay từ đầu trẻ cần được chăm sóc và giáo dục trong môi trường lành mạnh, an toàn để có đà phát triển vững chắc ở những năm tiếp theo. Nếu chăm sóc và giáo dục trong những cơ sở không đảm bảo sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho trẻ.

Cần thu hút mạnh nguồn lực cho giáo dục mầm non

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng là chủ trương lớn, nhưng nhiều năm nay vẫn vướng, trường công xây nhiều vẫn thiếu. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút mạnh nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non thì Sở GD-ĐT cần làm việc với các địa phương rà soát lại nhu cầu sử dụng đất giáo dục, nhu cầu trường lớp cho nhiều năm tới. Ngành GD-ĐT và ngành Tài nguyên - môi trường cũng cần ngồi lại với nhau để cùng nhau tháo gỡ những nút thắt lâu nay về đất đai để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích