Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sự chung tay từ nhiều phía

10:05, 06/05/2019

Bộ quy tắc ứng xử trong trường học được Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 28-5 tới đây.

Bộ quy tắc ứng xử trong trường học được Bộ GD-ĐT ban hành áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 28-5 tới đây.

Cô Trần Thị Vương Nhi, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vui vẻ chụp hình với học sinh. Ảnh: C.NGHĨA
Cô Trần Thị Vương Nhi, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vui vẻ chụp hình với học sinh. Ảnh: C.NGHĨA

Lãnh đạo các trường kỳ vọng quy tắc này sẽ góp phần điều chỉnh tốt hơn các mối quan hệ trong trường học một cách có chuẩn mực, hạn chế những vụ việc xấu diễn ra trong học đường.

* Thiếu sự hợp tác

Mới đây, một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa đã phải có công văn “bất đắc dĩ” gửi Sở GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo xử lý trường hợp một nữ sinh có các biểu hiện tâm lý không bình thường trong giờ học, làm ảnh hưởng tới nhiều bạn trong lớp. Nhà trường đã nhiều lần mời phụ huynh đến tìm hướng phối hợp giúp đỡ, giáo dục học sinh nhưng gia đình không hợp tác, thậm chí còn phó mặc cho nhà trường “muốn làm gì thì làm”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Kêu gọi trách nhiệm từ gia đình

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một nội hàm rộng lớn, do đó đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục. Để làm được điều này ngành kêu gọi nhiều phía, trong đó có các sở, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể, bao gồm cả Đoàn - Hội - Đội trong trường học. Đặc biệt, tôi cho rằng gia đình có vai trò quan trọng nhất trong phối hợp và tìm các giải pháp tốt trong giáo dục học sinh.

Còn vào cuối tháng 4 vừa qua, một nhóm học sinh nam của Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã rất manh động khi rủ nhau mang hung khí đánh nhau với một nhóm thanh niên khác. Sự việc may mắn được lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Những học sinh này đã được đưa về cơ quan công an rồi mời gia đình và nhà trường đến làm việc. Một cán bộ quản sinh của trường cho biết: “Nhà trường đã quản lý khá chặt chẽ các em, tuy nhiên không thể kiểm soát hết ngoài giờ học mà cần phải có cộng đồng trách nhiệm của gia đình”.

* Cần sự đồng hành

Thầy Lê Đức Dũng có 40 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người và mới rời ghế Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) về nghỉ hưu cách đây gần 2 năm. Dẫu vậy hằng ngày thầy Dũng vẫn quan tâm theo dõi các diễn biến của ngành giáo dục. Những hiện tượng bạo lực trong lứa tuổi học sinh thời gian qua khiến thầy Dũng không khỏi bận lòng. Với kinh nghiệm của mình, thầy Dũng chia sẻ, nếu ở nhà học sinh có được môi trường giáo dục tốt, không tiếp xúc với bạo lực thì đến trường nhìn chung các em ngoan hiền, biết nghe lời thầy cô. Còn ngược lại, các em lớn lên trong bạo lực, cha mẹ dạy bảo không tới nơi tới chốn thì giáo viên chủ nhiệm và nhà trường rất vất vả.

Trong khi đó, cô Trần Thị Vương Nhi, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, công việc của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp ngày càng căng thẳng, áp lực. Do đó, nhà trường rất mong nhận được sự hợp tác của phụ huynh trong giáo dục con em. Đây cũng là cách tốt nhất để xây dựng văn hóa học đường.

Cô Nhi thẳng thắn chia sẻ, có những trường hợp phụ huynh gửi con đến trường và coi như trách nhiệm hoàn toàn thuộc về giáo viên. Khi con bị điểm kém hoặc kết quả học tập chưa tốt thì phụ huynh cho rằng đó là giáo viên chưa làm hết trách nhiệm của mình. Thậm chí khi học sinh chưa ngoan, rèn luyện chưa tốt, giáo viên gọi điện thông báo cho phụ huynh biết thì nhận được những lời nói không hay.

* Xây dựng những giá trị cối lõi

Với hơn 20 năm làm giáo viên, cô Lê Thị Diệu Liên, chủ nhiệm lớp 3A Trường THCS Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) hiểu được vinh dự và trách nhiệm với nghề mình đã theo đuổi. Cô chia sẻ luôn lấy những giá trị cốt lõi để dạy bảo học sinh của mình, đó là sự lắng nghe, thương yêu, trách nhiệm và tôn trọng. Khi giáo viên biết lắng nghe sẽ hiểu được hoàn cảnh, tính cách của từng em, khi thương yêu học trò hết lòng chúng sẽ biết nghe lời, khi làm hết trách nhiệm các em sẽ tiến bộ và khi học sinh được tôn trọng sẽ thấy mình có giá trị.

Giáo viên Nhà thiếu nhi Đồng Nai hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng
Giáo viên Nhà thiếu nhi Đồng Nai hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng

Cô Liên cho biết: “Ngày nay giáo viên không còn chỉ chăm chăm dạy chữ, truyền đạt kiến thức hoặc ban hành các mệnh lệnh buộc học sinh phải nghe lời. Thay vào đó, giáo viên còn phải tổ chức các hoạt động kỹ năng, giáo dục giá trị sống cho các em. Cụ thể như hướng các em tham gia những hoạt động lành mạnh ngoài giờ trên lớp như: chăm sóc cây xanh trong sân trường, nuôi heo đất tiết kiệm giúp bạn nghèo, thi kể chuyện những tấm gương trò ngoan… Qua những hoạt động này học sinh được rèn luyện kỹ năng, biết yêu thương và chia sẻ, suy nghĩ và hành động tích cực”.

Trong khi đó thầy Nguyễn Phước Lộc, giáo viên Trường THPT Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) thì chia sẻ, sở dĩ văn hóa ứng xử trong trường học đang có nhiều vấn đề một phần nguyên nhân từ việc giáo dục đạo đức cho học sinh chưa xứng tầm, do đó chưa truyền tải được những giá trị sống tốt đẹp và đích thực cho học sinh. Thầy Lộc cho rằng, giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao và thay vào đó bồi đắp cho các em lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Cần dạy cho học sinh những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội.  

Còn thầy Nguyễn Công Huy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, giáo viên phải thay đổi để có thể giúp học sinh trở nên hạnh phúc hơn trong mỗi buổi đến trường, mà trước hết thầy cô phải là những người cảm thấy hạnh phúc với nghề mình đã chọn và tự nguyện cống hiến. Giáo viên phải thực sự truyền được cảm hứng tích cực học tập cho học sinh, giúp các em hóa giải đi những áp lực trong học tập hằng ngày, không để những áp lực đó tạo thành “xung đột” dẫn đến những hành vi tiêu cực.

Từ cuối năm 2018, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học (giai đoạn 2018-2025). Đến nay nội dung của đề án đã bước đầu triển khai tại các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Mục đích đề án hướng đến là tạo chuyển biến căn bản về ứng xử trong cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo, các em học sinh trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện thành công đề án này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo, thế hệ học sinh giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trung thực, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo. Không chỉ triển khai trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp chặt trẽ với Trường đại học Đồng Nai để bổ sung vào chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên sư phạm.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều