Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số vấn đề về bệnh hen phế quản

10:05, 19/05/2019

Hen phế quản là bệnh mạn tính của đường hô hấp, thường gặp ở tất cả lứa tuổi.

Hen phế quản là bệnh mạn tính của đường hô hấp, thường gặp ở tất cả lứa tuổi.

Hình ảnh đường thở bình thường và khi có cơn hen
Hình ảnh đường thở bình thường và khi có cơn hen

* Mỗi năm, 350 ngàn người tử vong vì hen

Hiện nay, trên thế giới có hơn 300 triệu người mắc hen phế quản và gần 350 ngàn trường hợp tử vong vì hen mỗi năm. Tỷ lệ mắc hen phế quản ước tính 6-8% ở người lớn và 10-12% ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đến năm 2025, ước tính thế giới có 400 triệu bệnh nhân hen phế quản.

Tại Việt Nam, khoảng 4,1% số người trưởng thành, 4-8% trẻ em bị hen phế quản, tương đương 4 triệu người mắc bệnh và khoảng 3 ngàn trường hợp tử vong do hen mỗi năm.

Trước đây, sự hiểu biết về bệnh hen phế quản còn hạn chế, việc điều trị hen gặp nhiều khó khăn. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và y học, sự ra đời của các loại thuốc điều trị dự phòng dạng hít hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, bệnh hen phế quản tuy không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được và vẫn sống một cuộc sống bình thường.

Các mục tiêu trong xử trí hen là kiểm soát triệu chứng và giảm các nguy cơ cơn kịch phát dựa trên 2 loại thuốc căn bản là thuốc giãn phế quản và thuốc dự phòng ICS (Inhaled Corticosteroids), trong đó thuốc dự phòng ICS là thuốc điều trị then chốt để kiểm soát hen. Điều trị hen là điều trị theo bậc nặng nhẹ của bệnh nhân và tuân theo một chu trình liên tục: đánh giá tình trạng bệnh, điều chỉnh điều trị hiện tại, xem lại sự đáp ứng vừa qua để đánh giá tiếp.

Mặc dù việc điều trị có nhiều tiến bộ, song tỷ lệ kiểm soát bệnh hen vẫn còn rất thấp. Tại khu vực châu Á, chỉ khoảng 1/3 số người bệnh hen đang được điều trị theo đúng phác đồ, đúng cách. Ở nước ta, theo báo cáo của chương trình Vì lá phổi khỏe Việt Nam, chỉ có 29,1% số bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen. Như vậy, có đến 2/3 số bệnh nhân hen phế quản lạm dụng thuốc cắt cơn, tức là chỉ dùng thuốc cấp cứu khi cơn hen xuất hiện.

Theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về hen phế quản (GINA), có đến 80% số bệnh nhân sử dụng không đúng dụng cụ hít thuốc nên thuốc không đạt hiệu quả, làm giảm tỷ lệ kiểm soát hen. Cũng theo báo cáo này, khoảng 50% số bệnh nhân cả người lớn và trẻ em không tuân thủ điều trị làm cho tình trạng hen không kiểm soát nặng nề hơn.

Ngoài ra, cần lưu ý tình hình chẩn đoán bệnh hen. Hiện nay, có khoảng 25-35% số bệnh nhân hen được chẩn đoán quá mức từ tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, gây nên sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Với những trường hợp khó chẩn đoán cần phải có thăm dò chức năng ở các cơ sở chuyên khoa có đầy đủ trang thiết bị, máy móc.

* Triệu chứng bệnh hen

Bệnh hen gây ra các triệu chứng như: khó thở, nặng ngực và ho tái đi tái lại làm hạn chế hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân khi bệnh không được kiểm soát. Hen cũng có thể gây ra các cơn kịch phát, khó thở nặng có thể dẫn đến tử vong ngay cả khi tình trạng bệnh của bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn.

Chẩn đoán hen phế quản dựa vào 2 đặc trưng cơ bản của bệnh: thứ nhất, tiền sử bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp (khụt khịt, khó thở, nặng ngực và ho) thay đổi theo thời gian và cường độ; thứ hai, dựa vào kết quả đo chức năng thông khí phổi.

* Một số lưu ý đối với người bệnh

 Để kiểm soát tốt bệnh hen, bên cạnh việc chẩn đoán bệnh chính xác, tuân thủ điều trị tốt, sử dụng đúng dụng cụ hít thuốc, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

- Tránh xa các yếu tố nguy cơ gây khởi phát cơn hen như: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, khói bếp, khói nhang...; tránh ăn phải những thức ăn dị ứng ví dụ như: hải sản, thịt gà, đậu phộng tùy theo thể trạng từng người; giữ cho không khí nơi ở cũng như nơi làm việc được trong lành.

- Dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ, các điều trị thường bao gồm thuốc dùng cắt cơn khó thở và điều trị dự phòng cơn khó thở xuất hiện nhưng không lạm dụng thuốc cắt cơn.

- Theo dõi, xử trí khi có cơn hen khó thở xuất hiện.

- Tái khám thường kỳ để đánh giá tình trạng bệnh.

BS.Nguyễn Ngọc Khánh

(Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai)

Tin xem nhiều