Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng con hòa nhập

09:04, 01/04/2019

Cùng với nhà trường, giáo viên và môi trường sống, học tập..., các bậc phụ huynh đóng một vai trò vô cùng quan trọng để giúp con tiến bộ. Chính tình yêu thương của cha mẹ sẽ là liều thuốc tuyệt vời cho các con.

“Một lần 2 cha con đang ngồi học chữ, đếm số, con bất ngờ đứng dậy và nói: “Ba ơi con yêu ba quá” rồi chạy lại ôm hôn lên má tôi. Lúc đó tôi thấy cuộc đời không còn gì hạnh phúc hơn và dù có phải đánh đổi tất cả để có được nụ cười trên môi con, để con có thể là một người bình thường, tôi cũng sẵn sàng”.

Trẻ tự kỷ được phụ huynh và giáo viên hướng dẫn chơi các trò chơi vận động nhằm tăng cường nhận thức cho trẻ. Ảnh: H.DUNG
Trẻ tự kỷ được phụ huynh và giáo viên hướng dẫn chơi các trò chơi vận động nhằm tăng cường nhận thức cho trẻ. Ảnh: H.DUNG

Ông Nguyễn Hoàng Thanh (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) rưng rưng nước mắt khi nói về kỷ niệm ngọt ngào với cậu con trai 7 tuổi mắc chứng tự kỷ của mình.

* Kiên trì, nhẫn nại

Ông Thanh cho biết, khi con trai được 18 tháng tuổi, vợ chồng ông cho đi học ở lớp nhà trẻ. Mặc dù thấy con có một số biểu hiện lạ nhưng không nghĩ con bị tự kỷ nên vợ chồng ông không tìm hiểu sâu. Đến khi con được 5 tuổi, cha mẹ nói gì cháu cũng không nghe theo, thích gì làm đó, ông Thanh mới bắt đầu để ý.

Lên 6 tuổi, bé H.B. (con ông Thanh) được cha mẹ cho vào học tại trường quốc tế với mong muốn được các giáo viên kèm cặp nhưng 1 tuần sau cháu phải nghỉ học vì không theo kịp. Ông Thanh lại xin cho con vào học ở một trường tiểu học công lập gần nhà nhưng một lần nữa bé H.B. phải nghỉ học.

ThS.Hoàng Văn Quyên, Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Bất kỳ người cha, người mẹ nào cũng đều mong muốn con mình phát triển bình thường cả về trí tuệ lẫn thể chất. Nhưng nếu phát hiện con có những vấn đề bất thường, cha mẹ hãy đối diện với thực tế, thừa nhận thực tế để có đủ tỉnh táo đưa con đi can thiệp sớm. Cùng với nhà trường, các giáo viên và môi trường sống, môi trường học tập, các bậc phụ huynh đóng một vai trò vô cùng quan trọng để giúp con tiến bộ. Chính tình yêu thương của cha mẹ sẽ là liều thuốc tuyệt vời giúp các con sớm hòa nhập với cộng đồng”.

Được mọi người giới thiệu, ông Thanh tìm đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xin cho con nhập học. Hằng ngày sau khi thức dậy, ông cùng con làm vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt, chải đầu, cùng con ăn sáng, xem tivi, nói chuyện rồi đưa con đi học.

Chiều đến, ông Thanh lại đón con về nhà tắm rửa, trò chuyện cùng con. Buổi tối, ông dạy con nhận biết chữ cái, màu sắc, phân biệt đồ dùng. “Mỗi ngày tôi dạy cho bé 3 chữ cái, dạy bé đồ chữ. Cứ như vậy hết ngày này qua ngày khác, kiên trì từng chút một” - ông Thanh bộc bạch.

Trong khi đó, chị Phan Thị Vân (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi phát hiện con trai mắc chứng tự kỷ, vợ chồng chị vô cùng hoang mang, lo lắng. Bình tĩnh lại, chị bắt đầu lên mạng tìm kiếm tài liệu nói về chứng tự kỷ ở trẻ.

Chị cho con đi học mẫu giáo với mong muốn con có thể hòa nhập với bạn nhưng không có tiến triển. Hằng ngày trên lớp, con chị chỉ ăn xong rồi ngồi một góc, không chơi, không nói chuyện với bất cứ ai.

“Lúc này tôi quyết định đi tìm lớp học chuyên biệt cho con để được các giáo viên có chuyên môn trực tiếp giảng dạy cho cháu. Cùng với đó, tôi mua rất nhiều đồ chơi có chữ cái tiếng Việt về treo khắp trên tường nhà. Đi đến đâu thấy chữ gì tôi lại dạy để cháu nói theo. Chữ nào cháu chưa nhớ ra, vợ chồng tôi lại động viên, khích lệ, mồi cho cháu đọc, chưa khi nào nặng lời hay la mắng cháu” - chị Vân tâm sự.

Còn ông Nguyễn Văn Hiến (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã có “thâm niên” 7 năm đồng hành cùng con. Ông Hiến chia sẻ, từ lúc con 2 tuổi, ngày ngày ông Hiến chở con đến lớp học dành cho trẻ mắc chứng tự kỷ ở Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 để được can thiệp trong vòng 45 phút rồi chở con về. Cứ nghe ai nói ở đâu có trung tâm chuyên biệt tốt, ông Hiến đều đến tìm hiểu rồi đăng ký cho con học. Sau giờ làm, ông Hiến về nhà chơi với con, đưa con đi chơi những trò chơi vận động, dạy con nói từng từ, từng từ đơn giản.

* Chỉ mong con là người bình thường

Sau 6 tháng học tại Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) và được sự chăm sóc của cha mẹ, ông bà, bé T.S., 3,5 tuổi, con của chị Phan Thị Vân đã tiến bộ rất nhiều. Bé đã có thể nói được nhiều câu dài, biết đọc thơ, biết bày tỏ tình cảm với cha mẹ. “Có những khi đi làm về, nghe con nói: “Con chào mẹ Vân” rồi chỉ đây là cái quạt, cái đồng hồ, tivi, mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến” - chị Vân chia sẻ.

Với tình yêu thương vô bờ của cha mẹ, bé H.B. hiện tại đã biết tự tắm, tự đánh răng, đi vệ sinh, biết đọc các chữ a, b, c, biết đếm các số 1, 2, 3, 4. Không những thế, H.B. còn vẽ rất đẹp, biết chơi trò chơi lego, xếp thành hình máy bay, tàu lặn, xe lửa mà không cần ai hướng dẫn.

Còn cậu con trai ông Nguyễn Văn Hiến sau 7 năm được can thiệp cũng đã có nhiều tiến bộ. Từ một cậu bé thụ động, làm việc gì cũng phải có người hối thúc, giúp đỡ, đến nay đã có thể tự ngồi ăn cơm. Nếu cháu ăn chậm, cha mẹ chỉ cần nhắc: “Con ăn cơm đi” hay hỏi: “Con đang làm gì thế?” là cháu có thể tự xúc ăn.

Ông Hiến bộc bạch, mặc dù con tiến bộ chậm nhưng không bao giờ vợ chồng ông cảm thấy chán nản. “Có con trên đời đã là một điều hạnh phúc. Nhưng nếu con chẳng may bị một vài khiếm khuyết, thua thiệt hơn những người khác thì tình yêu thương của cha mẹ dành cho con còn đòi hỏi cả sự nghị lực và kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng con, chia sẻ với con những điều tốt đẹp nhất, để con có thể là một người bình thường” - ông Hiến tâm sự.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều