Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lỗ hổng" trong công tác tiêm chủng

09:04, 14/04/2019

Mặc dù từ tháng 4-1998 đến nay, tất cả các xã, phường trong tỉnh đều triển khai tiêm chủng với 9 loại vaccine mang lại hiệu quả tích cực, nhưng công tác tiêm chủng mở rộng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Từ tháng 4-1998 đến nay, hoạt động tiêm chủng được triển khai ở tất cả các xã, phường trong toàn tỉnh với 9 loại vaccine đã được sử dụng.

Người dân đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh
Người dân đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh

Mặc dù mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, nhưng thời gian qua công tác tiêm chủng mở rộng trong tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức.

* Quản lý đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa tốt

Tháng 8-2018, dịch sởi bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh sau nhiều năm yên ắng, gây lo ngại cho không chỉ người dân mà cả ngành y tế. Bác sĩ CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (đường Đồng Khởi, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, để phòng ngừa bệnh sởi không có cách nào khác ngoài tiêm vaccine ngừa bệnh sởi kể cả người lớn và trẻ nhỏ (từ 9 tháng tuổi trở lên) vì đây là loại bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan.

Một số kết quả đạt được của công tác tiêm chủng mở rộng tại Đồng Nai thời gian qua: đạt và duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh; giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; mở rộng diện bao phủ các vaccine viêm não Nhật Bản… góp phần bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chăm lo cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Tuy nhiên, với đặc điểm là tỉnh công nghiệp có lượng dân nhập cư lớn nên công tác quản lý đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng của cơ quan chuyên môn gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình công nhân lao động sinh sống trong các khu nhà trọ ẩm thấp, không tiếp cận với truyền thông nên không biết được cách phòng tránh và hậu quả của bệnh sởi. Có nhiều người mẹ trẻ như chị V.A.T. (29 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) khi được hỏi đã trả lời không biết tiêm chủng là gì và cả 3 con của chị đều không được tiêm chủng.

Không chỉ lo ngại vì nhiều đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao không tiêm phòng vaccine ngừa sởi, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình còn nêu lên một lo ngại khác trong vấn đề tiêm chủng. Đó là sau thời gian thiếu vaccine 5 trong 1 và một số ảnh hưởng sau tiêm chủng của vaccine Combe Five thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại khi đưa con đi tiêm chủng ở các trạm y tế xã, phường. Do không đưa trẻ đi tiêm vaccine 5 trong 1 Combe Five ở các trạm y tế nên phụ huynh cũng không cho trẻ tiêm một số loại vaccine phòng bệnh khác không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”.

Chị T.T.B. (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa, có 2 con nhỏ 4 tháng tuổi và hơn 3 tuổi) bộc bạch: “Vì có con nhỏ nên thời gian qua tôi thường xuyên theo dõi thông tin về vaccine 5 trong 1 Combe Five để chuẩn bị tiêm mũi vaccine đầu tiên cho con. Nhưng sau khi có thông tin về một số phản ứng phụ của vaccine này, vợ chồng tôi đã quyết định đưa con đi tiêm vaccine 5 trong 1 do Pháp sản xuất tại một cơ sở tiêm chủng dịch vụ trong tỉnh”.

* Nhiều thách thức

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, những kết quả mà công tác tiêm chủng mở rộng tại Đồng Nai mang lại đã thấy rõ nhưng vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Đó là thách thức trong bảo vệ thành quả đã đạt được của chương trình như: thanh toán bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, khống chế cơ bản bệnh ho gà, bạch hầu…

Sở Y tế đang tiếp tục triển khai tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 15 tuổi trong toàn tỉnh. Người dân có nhu cầu tiêm vaccine này liên hệ với các trạm y tế để biết thêm chi tiết.

Với bệnh bại liệt, nếu virus gây bệnh lây từ các nước khác vào Việt Nam sẽ khiến bệnh có nguy cơ tái phát. Chính ý thức chủ quan của người dân, sự lơ là trong công tác tiêm chủng mở rộng của nhân viên y tế sẽ tạo điều kiện để các bệnh bạch hầu, ho gà dù đã được khống chế nhưng có nguy cơ phát triển trở lại dưới dạng bệnh tản phát hoặc các ổ dịch nhỏ, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ tiêm chủng thấp…

Ngoài ra, vấn đề tài chính và vật tư tiêm chủng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiêm chủng mở rộng. Kinh phí cho chương trình tiêm chủng mở rộng liên tục tăng lên trong khi kinh phí hỗ trợ của địa phương cho hoạt động này còn hạn chế, thường chỉ tập trung vào các “chiến dịch” tiêm chủng khi có dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ được miễn phí hoàn toàn trong tiêm chủng, chưa có ý thức chia sẻ với Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân qua hoạt động tiêm chủng mở rộng. Địa bàn dân cư đông, dân nhập cư, vãng lai nhiều, thường xuyên thay đổi chỗ ở cũng khiến cán bộ làm công tác tiêm chủng rất khó khăn trong việc tiếp cận, tuyên truyền, vận động” -
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ chia sẻ.

Một “lỗ hổng” khác trong công tác tiêm chủng mở rộng tại Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung đó là việc cung ứng vaccine, vật tư tiêm chủng chưa kịp thời, chưa liên tục. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu một số loại vaccine mà người dân có nhu cầu cao như: vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, viêm gan B… trong một thời gian dài. Cùng với đó, nhiều loại vaccine phòng chống các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như: rubella, thủy đậu, quai bị… cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến công tác dự phòng.

Để giải quyết những “lỗ hổng” trong công tác tiêm chủng, thời gian qua ngành y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao kiến thức, nhận thức, hành vi trong việc chủ động tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh. Đồng thời rà soát lại hoạt động của các cơ sở tiêm chủng trong tỉnh, kịp thời có những điều chỉnh, phân bổ vaccine hợp lý giữa các cơ sở. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực dự phòng, cụ thể là tiêm chủng vaccine để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều