Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình vượt khó của Cảm

09:04, 22/04/2019

Ở lớp 6A2 Trường THCS Long Tân (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) em Nguyễn Văn Cảm là một tấm gương sáng về ý chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Cảm bị liệt 2 tay, đôi chân yếu ớt nhưng em vẫn quyết tâm học tập để nuôi ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy chữ cho những học sinh có hoàn cảnh như mình.

Ở lớp 6A2 Trường THCS Long Tân (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) em Nguyễn Văn Cảm là một tấm gương sáng về ý chí vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Cảm bị liệt 2 tay, đôi chân yếu ớt nhưng em vẫn quyết tâm học tập để nuôi ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy chữ cho những học sinh có hoàn cảnh như mình.

Nguyễn Văn Cảm (lớp 6A2 Trường THCS Long Tân, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) ngồi học bài  ở nhà
Nguyễn Văn Cảm (lớp 6A2 Trường THCS Long Tân, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) ngồi học bài ở nhà

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, mẹ của Cảm cho hay lúc sinh ra được 3 tháng thì Cảm bị sốt liên tục và co giật. Vì nghèo khó nên chị không đưa con đi khám. Vài tháng sau khi thấy con phát triển không được bình thường, chị mới đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

* Không bỏ cuộc

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai và anh Nguyễn Văn Mến ngụ ấp Bình Phú, xã Long Tân lấy nhau có 2 người con, trong đó Cảm là anh Hai trong nhà. Anh Mến không biết chữ, hằng ngày chăm chỉ làm thợ hồ kiếm tiền nuôi vợ và con, còn chị ở nhà đưa đón con đi học rồi lo cơm nước cho cả nhà. Gia đình chị Mai đến nay vẫn thuộc diện khó khăn của xã Long Tân.

Nguyễn Văn Cảm nói: “Em chưa bao giờ lấy lý do hoàn cảnh hay sự thiệt thòi của bản thân để cho phép mình đầu hàng việc học hành. Trái lại, chính hoàn cảnh đã thôi thúc em phải cố gắng nhiều hơn các bạn thì mới giúp chính mình vượt lên phía trước”.

Việc nuôi nấng Cảm từ khi lọt lòng mẹ cho đến nay đã 16 năm là một hành trình đầy gian nan vất vả. Chị Mai kể: “Mãi đến hơn 4 tuổi, Cảm mới chập chững biết đi nhưng những bước đầu tiên không ngay ngắn, chỉ chực ngã nhào về phía trước”. Khi con lên 6 tuổi, đến tuổi vào lớp 1 nhưng chị vẫn không dám cho con đến trường vì sợ làm phiền thầy cô. Chị đành để con ở nhà rồi hằng ngày lấy vở và bút chì luyện cho con từng nét chữ với hy vọng kiên trì sẽ thành công.

Nói về hành trình tìm con chữ cho Cảm, chị Mai cho biết: “Có lúc tôi cảm thấy bất lực khi con không thể cầm cây bút chì bằng các ngón tay bình thường mà cứ nắm chặt trong lòng bàn tay. Những nét chữ ban đầu không thành hình dạng mà cứ nguệch ngoạc. Thậm chí có lúc vì cố luyện chữ mà cơ khớp ở bàn tay của Cảm lại bị sưng tấy đến mức phát sốt. Việc luyện chữ bị gián đoạn rất nhiều lần”.

Những nỗ lực của 2 mẹ con, đặc biệt là tinh thần khổ luyện của Cảm dần dần được đền đáp. Những chữ cái ban đầu nguệch ngoạc dần ngay ngắn đã tạo thêm động lực cho Cảm tiếp tục cố gắng luyện tập nhiều hơn nữa. Sự học của Cảm như được tiếp thêm nghị lực khi cô Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Long Tân biết được hoàn cảnh của em. Cô Yến đã kiên trì vận động cha mẹ Cảm đưa em vào lớp 1 học chữ như những đứa trẻ bình thường.

Cô Yến cho biết: “Thấy mẹ con Cảm hằng ngày kiên nhẫn luyện chữ tôi rất thương. Tôi đã khuyên đưa em đến trường nhờ thầy cô có nghiệp vụ sư phạm dạy chữ sẽ tiến bộ nhanh hơn. Cũng may khi đó cha mẹ Cảm đã nghe lời tôi đưa em đến trường. Điều đáng mừng là khi được đến trường, em không chỉ học tập tiến bộ mà còn hòa nhập rất tốt với bạn bè dù em lớn hơn các bạn cùng lớp gần 4 tuổi”.

* Ước mơ làm thầy giáo

Anh Đỗ Tiến Dương, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Long Tân cho hay Cảm là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học tốt cho nhiều bạn trong trường. Cảm đã nhiều lần được giới thiệu nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó của trường và của huyện.

Em tự giác làm việc nhà trong lúc chờ mẹ đi đón em ở trường về sau buổi học chiều
Em tự giác làm việc nhà trong lúc chờ mẹ đi đón em ở trường về sau buổi học chiều

Là một học sinh không may bị khuyết tật, hoàn cảnh lại nghèo nên Cảm rất biết thương cha mẹ và em. Anh Nguyễn Văn Mến, cha của Cảm cho biết: “Mỗi ngày tôi cho con 10 ngàn đồng  đi học để con mua thêm giấy bút, nước uống nhưng con ít khi tiêu xài. Khi đến lớp Cảm đều mang chai nước theo, không mua quà vặt. Số tiền tiết kiệm được mỗi ngày Cảm mang về nuôi heo đất, đến Ngày hội khui heo đất của trường thì mang đến trường khui với bạn bè ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn”. Anh Mến cho biết thêm: “Sinh con bị khuyết tật cha mẹ nào cũng đau lòng, nhưng may là con ngoan và chăm chỉ nên vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào”.

Là một học sinh khuyết tật, chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa nhưng Cảm vẫn luôn thể hiện sự tự tin và tính tự lập. Cha mẹ em cho biết việc học của em không khi nào phải nhắc nhở, còn việc nhà từ quét nhà, rửa chén, nhặt rau, chăm sóc cho em gái năm nay mới học lớp 1 Cảm đều làm để phụ giúp cha mẹ. Cảm cho biết: “Cha đi làm vất vả ngoài trời nắng cả ngày, mẹ còn phải lo nhiều việc khác nên em phải cố gắng vừa học vừa làm cho cha mẹ vui lòng”.

Khi được hỏi về ước mơ tương lai lớn lên sẽ làm nghề gì, Cảm không do dự mà chia sẻ ngay: “Em được cô giáo dạy hồi tiểu học căn dặn học giỏi sẽ thay đổi được số phận. Em luôn nghĩ về những gì cô giáo dạy, vì thế em sẽ phấn đấu học tập thật giỏi. Khi trưởng thành em sẽ là một thầy giáo dạy chữ cho những học sinh không may mắn như em”.

Thầy Nguyễn Phùng Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2 của Cảm thì xúc động cho biết: “Cảm là một học trò đặc biệt của lớp, em không may mắn như các bạn nhưng lại là người truyền cảm hứng về tinh thần vượt hoàn cảnh, vượt khó khăn đến với con chữ, đến với kiến thức. Tôi luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt, tạo cho em có thêm nghị lực học tập. Tôi tin rằng dù ở hoàn cảnh nào, với nghị lực của em thì tương lai em sẽ là một người hữu ích cho xã hội”.

Công Nghĩa 

Tin xem nhiều