Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xử lý dứt điểm nợ đọng bảo hiểm xã hội

03:04, 13/04/2019

Tính đến cuối tháng 3-2019, theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 643 tỷ đồng, chiếm 2,8% trên tổng số tiền phải thu...

Tính đến cuối tháng 3-2019, theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 643 tỷ đồng, chiếm 2,8% trên tổng số tiền phải thu (cả nước nợ 17,4 ngàn tỷ đồng). Trong đó, riêng nợ BHXH là hơn 416 tỷ đồng.

Nhiều công nhân lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được tư vấn, giải quyết việc công ty nợ bảo hiểm
Nhiều công nhân lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được tư vấn, giải quyết việc công ty nợ bảo hiểm

[links()]Đáng lo ngại, hàng chục doanh nghiệp, đơn vị mặc dù đã bị “điểm mặt”, nêu tên rất nhiều lần trên báo chí và tại các cuộc họp của tỉnh, của ngành nhưng vẫn cố tình không chịu đóng bảo hiểm cho người lao động.

* Nợ nhiều, nợ dai

Những doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm với số tiền lớn là: Công ty cổ phần Lilama 45.1 (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 1, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) nợ hơn 19,8 tỷ đồng của 182 người lao động, Công ty TNHH Jooco Dona (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) nợ hơn 16,9 tỷ đồng của 618 người lao động, Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) nợ 9,8 tỷ đồng của 911 lao động.

Những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đóng bảo hiểm trong một thời gian rất dài như: Công ty TNHH Kumsung Vina (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) nợ hơn 8 tỷ đồng của 41 lao động trong 91 tháng, Công ty cổ phần Lilama 45.4 (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) nợ bảo hiểm của 33 lao động với số tiền 8,4 tỷ đồng trong 52 tháng...

Đáng lo ngại, có những doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn còn nợ BHXH khiến việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn như: Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom, nợ hơn 16,4 tỷ đồng), Công ty LD Lenex sản xuất vật liệu và thiết bị xây dựng (KCN Biên Hòa 1, nợ 897,2 triệu đồng), Công ty TNHH Kwang Sung Việt Nam (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa, nợ 724,9 triệu đồng), Công ty TNHH Duballo Việt Nam (xã Tam Phước, TP. Biên Hòa, nợ hơn 716 triệu đồng), Công ty TNHH Tân Chimei (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa, nợ 490 triệu đồng), Công ty TNHH Lava Land (phường Long Bình, TP.Biên Hòa, nợ 488 triệu đồng), Công ty TNHH Tosca Vina (KCN Biên Hòa 2, nợ 480 triệu đồng).

* Người lao động lao đao

Việc các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Theo một cán bộ cảnh sát điều tra Công an tỉnh, để xử lý hình sự doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Lao động - thương binh và xã hội cần tách biệt số tiền nợ bảo hiểm của doanh nghiệp từ trước và sau ngày 1-1-2018. Theo đó, những đơn vị, doanh nghiệp nào nợ bảo hiểm kể từ ngày 1-1-2018 đến nay trong thời gian 6 tháng trở lên, đã bị xử lý vi phạm hành chính rồi mà vẫn tái phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự. Số tiền nợ bảo hiểm của doanh nghiệp từ ngày 1-1-2018 trở về trước chỉ xử phạt vi phạm hành chính, không xử lý hình sự.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày chủ doanh nghiệp bỏ trốn về Hàn Quốc, gần 2 ngàn công nhân lao động của Công ty TNHH KL Texwell Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vẫn từng ngày mong ngóng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để được trả nốt phần lương, BHXH mà công ty còn nợ họ.

Mới đây, 58 người lao động đã và đang làm việc tại Công ty cổ phần Hòa Việt (đóng tại KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã gửi đơn cầu cứu lên Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ hỗ trợ về vấn đề công ty không đóng đủ BHXH cho người lao động.

Trong đơn có đoạn viết: “Chúng tôi đã làm việc cho doanh nghiệp từ năm 1992 cho đến nay, nhiều người hết tuổi lao động, lắm bệnh tật nhưng không được cơ quan BHXH giải quyết chế độ hưu trí hằng tháng, bệnh tật không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, vì lý do đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm tham gia BHXH. Trước đó, khi nghỉ việc, công ty trả sổ BHXH thì chúng tôi mới biết công ty đóng thiếu BHXH cho người lao động”.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Vàng (30 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng đang không biết phải làm thế nào để có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp do công ty nợ BHXH.

Anh Vàng cho biết, tháng 9-2018, anh vào làm việc tại Doanh nghiệp tư nhân phòng cháy, chữa cháy Tiến Đạt (đóng tại xã An Hòa, TP.Biên Hòa) với chức danh thợ sửa chữa (sửa chữa thi công lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, khảo sát công trình, bảo trì bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động), loại hợp đồng không xác định thời hạn, mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Trong hợp đồng lao động của anh Vàng với doanh nghiệp này ghi rõ, công ty sẽ đóng toàn bộ tiền bảo hiểm cho anh Vàng với tiền 1,4 triệu đồng/tháng; người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng lao động đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2019, do tình hình sức khỏe không đảm bảo nên anh Vàng đã làm đơn xin nghỉ việc và được doanh nghiệp chấp thuận, ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh Vàng từ ngày 1-3-2019. Để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, anh Vàng đã đến cơ quan bảo hiểm để chốt sổ bảo hiểm thì được cơ quan bảo hiểm trả lời công ty còn nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của anh 2 tháng 1 và 2-2019. Do đó, cơ quan bảo hiểm chưa thể chốt sổ BHXH cho anh Vàng đến hết tháng 3-2019 để anh Vàng được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

 Ngày 8-4, anh Vàng tiếp tục đến cơ quan BHXH để chốt sổ nhưng vẫn nhận được câu trả lời là doanh nghiệp chưa đóng đủ BHXH cho anh. Anh Vàng liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp thì nhận được câu trả lời “doanh nghiệp không có tiền đóng!”.

Anh Nguyễn Văn Vàng (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bức xúc vì không chốt được sổ bảo hiểm xã hội do Doanh nghiệp tư nhân phòng cháy, chữa cháy Tiến Đạt chưa đóng đủ bảo hiểm bắt buộc cho anh
Anh Nguyễn Văn Vàng (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bức xúc vì không chốt được sổ bảo hiểm xã hội do Doanh nghiệp tư nhân phòng cháy, chữa cháy Tiến Đạt chưa đóng đủ bảo hiểm bắt buộc cho anh

“Câu trả lời thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp khiến tôi rất bức xúc. Tôi đã nói với doanh nghiệp đến hết tháng 4-2019 nếu không đóng nốt 2 tháng tiền bảo hiểm cho tôi, tôi sẽ làm đơn gửi đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa đề nghị tổ chức hòa giải tranh chấp lao động. Sau khi tôi nói điều này, doanh nghiệp thách thức tôi cứ gửi đơn đi” - anh Vàng cho biết.

* Cần xử lý nghiêm minh hơn nữa

Tại một số cuộc họp với các sở, ngành liên quan về xử lý nợ đọng bảo hiểm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần có sự “chăm sóc đặc biệt” với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 12 tháng trở lên, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có đông công nhân lao động. Trong quá trình xử lý các doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nếu có vướng mắc sẽ đề xuất Trung ương để xử lý bằng được.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, có 3 cơ sở để xử lý các đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Thứ nhất là phạt vi phạm hành chính. Thứ hai là Công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện. Thứ ba là xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Thông tin từ Công an tỉnh cho hay, đến nay ngành công an đã nhận được danh sách những đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền lớn, thời gian dài của nhiều người lao động. Thời gian qua, cơ quan Công an đã rất tích cực phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan để làm việc với những doanh nghiệp chậm nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Qua làm việc, một số doanh nghiệp đã khắc phục một phần nợ hoặc trả hết nợ.

Cơ quan công an cũng đã trao đổi nhiều lần với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh để có thể sớm xử lý hình sự một vài đơn vị đọng nợ bảo hiểm nhằm răn đe, tránh tình trạng chây ỳ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều