Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia tăng dịch bệnh mùa nắng nóng

03:03, 04/03/2019

Nhiệt độ cao những ngày gần đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn, virus nguy hiểm phát triển, gây ra những dịch bệnh mùa nắng nóng ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Nhiệt độ cao những ngày gần đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại vi khuẩn, virus nguy hiểm phát triển, gây ra những dịch bệnh mùa nắng nóng ở cả người lớn và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi. Cả bệnh nhi này và mẹ đều bị bệnh sởi cùng lúc. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi. Cả bệnh nhi này và mẹ đều bị bệnh sởi cùng lúc. Ảnh: H.Dung

Có những loại dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều gia đình cả mẹ và con cùng nhập viện do lây bệnh cho nhau hoặc lây từ một nguồn khác.

* Bệnh chồng bệnh

Bác sĩ CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu người dân không biết cách bảo quản thức ăn hợp lý sẽ dễ dẫn đến ôi thiu, khi ăn vào sẽ rất dễ bị tiêu chảy và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Mặt khác, những người lớn tuổi có tiền căn bệnh tăng huyết áp cũng nên hết sức cẩn trọng khi đi ra ngoài nắng lâu.

Đang chăm sóc con điều trị bệnh sởi tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Ánh Nga (25 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết cách đây khoảng 10 ngày, chị bị sốt phát ban, đến bệnh viện kiểm tra bác sĩ cho biết bị bệnh sởi và phải nằm điều trị tại bệnh viện. Trong khi chị còn đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì ở nhà, con gái chị là T.T.T.A. (1 tuổi) cũng có dấu hiệu bị sởi. Do đó, chị phải xin xuất viện để về nhà đưa con lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám. Đến nay, vừa phải chăm sóc con, chị Ánh Nga vừa uống thuốc điều trị bệnh cho mình.

Khi hỏi về nguyên nhân gây bệnh, chị Ánh Nga cho hay do chủ quan nên khi mang bầu con gái, chị không tiêm vaccine ngừa sởi - quai bị - rubella. Bản thân bé T.A. khi tròn 9 tháng tuổi cũng chưa được tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên vì cả vợ chồng chị bận đi làm, không để ý.

Chị Nguyễn Thị Trang (27 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) vừa xuất viện sau 6 ngày điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đại học y dược Shingmark. Trước đó chị bị sốt li bì, phải truyền nước, truyền dịch. Trong khi đó con trai chị nay mới 6 tháng tuổi lại bị mắc sởi khiến các nốt đỏ nổi lan khắp người. Theo chị Trang, gia đình chị không có ai bị sốt xuất huyết hay bệnh sởi trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, thời điểm này tại khoa đang điều trị bệnh sởi cho 30 trường hợp bệnh nhi (cùng thời điểm này năm 2018 trong khoa không ghi nhận ca mắc sởi nào). Có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi để tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên) cũng bị mắc sởi và gây ra các biến chứng điển hình của bệnh như viêm hô hấp làm cho trẻ ho nhiều, thở mệt, có khi phải thở máy.

Cụ thể như trường hợp bé Lê Thụy Nhã Uyên (8 tháng tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bị sốt ở nhà 7 ngày, sau đó trên người bé nổi các nốt đỏ, ho nhiều. Bé được gia đình đưa vào viện cách đây 3 ngày trong tình trạng các nốt ban nổi rải rác toàn thân, viêm phổi, ho nhiều. Với những trường hợp bị biến chứng của sởi gây viêm phổi, viêm phế quản, bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh để hỗ trợ điều trị. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa, khi bé bớt ho, sức khỏe ổn định mới được xuất viện. Ngoài bệnh sởi, hiện tại Khoa Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận và điều trị các loại bệnh khác mà trẻ em hay mắc phải trong mùa nắng nóng như: tay chân miệng, tiêu chảy, viêm hô hấp. Không những thế, mặc dù mùa mưa đã kết thúc từ lâu nhưng tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết vẫn cao với 20 ca.

* Tăng cao so với cùng kỳ

Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 660 ca bệnh sởi, tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái (thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca sởi). Những địa phương có số ca mắc sởi lớn hiện nay là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Độ tuổi bị mắc sởi nhiều nhất là trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi (chiếm hơn 25%), từ 15 tuổi trở lên chiếm 23%. Đồng thời, có tới hơn 16% số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng (9 tháng tuổi) cũng bị mắc sởi.

Một bệnh nhân mắc sởi đang được bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc, điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. ảnh: Hoàn Lê
Một bệnh nhân mắc sởi đang được bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc, điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. ảnh: Hoàn Lê

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tay chân miệng cũng đang có những diễn biến khó lường. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 740 ca tay chân miệng, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2018. Những địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao là các huyện Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh. Các đơn vị chức năng đã tiến hành xử lý 47/54 ổ dịch tay chân miệng, đạt hơn 87%. Đối tượng mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ nhỏ đang trong độ tuổi học mầm non, mẫu giáo và tiểu học.

Tình trạng dân nhập cư đông, điều kiện vệ sinh ăn ở chưa đảm bảo cộng với việc nhiều trẻ chưa được cha mẹ đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh là những nguyên nhân chính khiến tình hình dịch bệnh ở  Đồng Nai mà nhất là TP.Biên Hòa luôn ở mức cao.

Tình hình dịch sốt xuất huyết cũng rất đáng lo ngại với hơn 1,7 ngàn ca điều trị nội trú và ngoại trú. Riêng trong tuần mới đây, toàn tỉnh ghi nhận gần 250 ca sốt xuất huyết, tăng 163% so với tuần trước đó, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom vẫn là những địa phương trong tốp đầu về số lượng ca bệnh.

Trong khi đó, thời tiết oi bức cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lớn, người già suy kiệt. Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, bệnh viện vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân nữ 70 tuổi bị đột quỵ. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp lâu ngày, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt 1/2 người bên trái. Sau điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, nói được, sức khỏe dần được cải thiện. Đây là trường hợp thứ 6 kể từ đầu tháng 2-2019 đến nay bị đột quỵ được Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu thành công.

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai dự báo trong tháng 3-2019, bệnh sởi có khả năng sẽ giảm do người dân bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng sởi. Để phòng tránh bệnh sởi, không có cách nào khác là cho trẻ đi chích ngừa khi trẻ 9 tháng và 18 tháng.

biểu đồ dịch bệnh copy.jpg
Biểu đồ dịch bệnh.

Trong khi đó, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có nguy cơ sẽ tăng lên. Người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại 3-4 lần nếu bị muỗi đốt. Cả sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện nay chưa có vaccine để chích ngừa nên biện pháp duy nhất để ngừa bệnh là giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đổ hết tất cả các chum lọ đựng nước tạo môi trường cho muỗi sinh sôi, nảy nở; rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, tránh lây lan bệnh. Khi phát hiện bị bệnh cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị, cách ly, tránh trường hợp bệnh nặng có những diễn biến phức tạp sẽ tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí điều trị.

Để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bác sĩ Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi. Thời tiết nắng nóng, mỗi người nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể từ 1,6-2 lít nước lọc/ngày; tránh vận động ngoài trời quá nhiều gây mất sức, mất nước; không nên uống quá nhiều nước đá lạnh vì dễ gây bệnh viêm họng; không nên nằm quạt, máy lạnh quá lâu cũng dễ gây các bệnh đường hô hấp...                   

 Hạnh Dung

Tin xem nhiều