Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán nhân lực

09:01, 06/01/2019

Một trong những lý do chính khiến người dân chưa thật sự tin tưởng vào các trạm y tế là do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến này chưa đảm bảo.

Một trong những lý do chính khiến người dân chưa thật sự tin tưởng vào các trạm y tế là do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến này chưa đảm bảo.

Bác sĩ của Trạm y tế xã Phú Thịnh (huyện Định Quán) đang khám bệnh cho người dân địa phương. Ảnh: D.LỘC
Bác sĩ của Trạm y tế xã Phú Thịnh (huyện Định Quán) đang khám bệnh cho người dân địa phương. Ảnh: D.LỘC

Ngoài nguyên nhân thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, còn phải kể đến nguyên nhân sâu xa là thiếu đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đảm bảo và tình yêu với công việc.

* Người dân vượt tuyến vì không tin tưởng

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ chỉ ra thực tế hiện nay thu nhập thấp nên không thu hút được bác sĩ. Đến khi có bác sĩ về nhưng lại bị “trói tay, trói chân” bởi các quy định khiến không phát triển được chuyên môn và người dân không đến khám.

Chẳng hạn như Trạm y tế xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) hiện có 1 bác sĩ, 8 y sĩ, y tá, nữ hộ sinh. Mặc dù trạm y tế đã được đầu tư máy siêu âm, máy điện tim nhưng theo lãnh đạo trạm này, mấy tháng qua không có ai có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề phù hợp nên không thể thực hiện siêu âm, đo điện tim. Người dân muốn thực hiện 2 kỹ thuật này phải đến Trung tâm y tế huyện Tân Phú để thực hiện.

Hay ở một số trạm y tế khác, do chỉ có 1 bác sĩ trưởng trạm và 1 y sĩ, nếu ngày nào cả 2 người này đi học, đi họp hay tập huấn thì ngày đó sẽ không có người khám bệnh cho người dân, buộc người dân phải lên tuyến trên để khám, tốn nhiều công sức và chi phí hơn.

* Chú trọng chất lượng chuyên môn

Theo thống kê của Sở Y tế, đến thời điểm này, có 3 huyện vẫn chưa đạt tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là huyện Vĩnh Cửu (mới có 9/12 trạm y tế có bác sĩ), Thống Nhất (9/10 trạm có bác sĩ) và Tân Phú (16/18 trạm có bác sĩ). Một số trạm y tế tại các địa phương như: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán không có bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình. Một số địa phương đang tiến hành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình là: TP.Biên Hòa (6 người), Trảng Bom (3), Xuân Lộc (1) và Long Thành (2). Có 20 trạm y tế ở các huyện: Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành và TP.Biên Hòa có 2 bác sĩ trở lên.

Ở các chức danh khác, mặc dù toàn tỉnh có 196 hộ sinh/171 trạm y tế nhưng trình độ của hộ sinh còn hạn chế. Chỉ có 4 người có trình độ cử nhân, 19 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trung cấp. Trong khi nhiệm vụ của hộ sinh được quy định là tổ chức và thực hiện kỹ thuật điều dưỡng, phục hồi chức năng cơ bản, kỹ thuật chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chuyên sâu, kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn… Để được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện các kỹ thuật trên, hộ sinh bắt buộc phải đạt trình độ cử nhân.

Một khó khăn khác đối với nguồn nhân lực của các trạm y tế là bác sĩ chính quy rất ít khi tham gia xét tuyển dụng về trạm y tế. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Đức Minh cho hay, từ năm 2019 trở đi sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo bác sĩ liên thông tiến tới loại bỏ loại hình này. Do vậy, các trung tâm y tế cần tạo điều kiện cho các y sĩ đang công tác tại các trạm, nhất là những y sĩ có tuổi đời còn trẻ có điều kiện ôn tập, luyện thi để đăng ký dự thi bác sĩ nhằm tạo nguồn lực lâu dài cho trạm y tế.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các trạm y tế, bác sĩ Minh cho hay thời gian tới Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp tuyển sinh đào tạo bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình tại Trường đại học y dược Cần Thơ, phối hợp mở các lớp đào tạo cử nhân hộ sinh. Giao Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phối hợp liên kết với Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch mở các khóa đào tạo siêu âm, điện tim tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các trạm y tế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng 4 mục tiêu: khám, chữa bệnh, dự phòng, dân số và quản lý sức khỏe.

Dung Lộc

Tin xem nhiều