Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 4: Chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh

03:12, 04/12/2018

"Quản lý sức khỏe toàn diện cộng đồng" là phương châm không chỉ Nhà nước và ngành y tế hướng đến mà ngay cả người dân cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, quản lý toàn diện sức khỏe cộng đồng chỉ thực sự hiệu quả khi hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân trong cộng đồng được quản lý.

“Quản lý sức khỏe toàn diện cộng đồng” là phương châm không chỉ Nhà nước và ngành y tế hướng đến mà ngay cả người dân cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, quản lý toàn diện sức khỏe cộng đồng chỉ thực sự hiệu quả khi hồ sơ sức khỏe của từng cá nhân trong cộng đồng được quản lý. Không chỉ thế, qua thông tin y tế chung của cộng đồng, ngành sẽ dự báo và can thiệp kịp thời dịch bệnh cũng như nguy cơ bệnh tật xảy ra. “Chìa khóa” để thực hiện chính là lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho công dân.

Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, các hoạt động tiêm chủng liên quan đến cháu bé đều được lưu trữ
Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, các hoạt động tiêm chủng liên quan đến cháu bé đều được lưu trữ

[links()]* Quản lý toàn diện sức khỏe công dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, yếu tố quan trọng khi triển khai đề án Y tế thông minh chính là phải thiết lập cho được và hoàn thiện hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho mỗi công dân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017 trung bình mỗi người Việt Nam chi 56 USD (tương 1,2 triệu đồng) tiền thuốc và chữa bệnh, con số này dự kiến lên đến 85 USD (tương  đương 1,7 triệu đồng) vào  năm 2020.  Nếu thực hiện Y tế thông minh, trong đó lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử sẽ giúp tiết kiệm được 2% GDP quốc gia, kéo dài tuổi thọ thêm 20 năm và giảm được 50% ca khám tại bệnh viện.

Theo đề án, từ nay đến 2025, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện việc thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho mỗi công dân với một mã ID. Mục đích của việc thiết lập hệ thống quản lý hồ sơ này là tổ chức  thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân trong cả nước, bảo đảm mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe với đầy đủ thông tin cần thiết và các chỉ số theo dõi sức khỏe.

Nói về vấn đề tạo lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử trên địa bàn tỉnh TS.BS. Phan Huy Anh Vũ chia sẻ: “Đồng Nai là một tỉnh đông dân, có lượng di dân phức tạp, không ổn định nên việc quản lý dịch bệnh cũng như phòng bệnh chủ động rất khó. Khi mỗi người dân có một HSSKCNĐT thì việc này trở nên đơn giản và chủ động rất nhiều”. Hiện tại Đồng Nai đang tiến hành triển khai. Từ ngày 1-10 đến 1-11 đã khởi tạo được 3.267.034 hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (đạt 94,6% số dân toàn tỉnh). Hiện Sở Y tế đang tập huấn cho các cán bộ cơ sở y tế xã phường để dự kiến giữa năm 2019 sẽ hoàn tất việc khởi tạo hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho 100% người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Những thông tin lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử sẽ giúp rất nhiều trong việc cấp cứu bệnh nhân.
Những thông tin lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử sẽ giúp rất nhiều trong việc cấp cứu bệnh nhân.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử được xem như một chiếc tủ lưu trữ tất cả những thông tin, dữ liệu liên quan đến sức khỏe và những chỉ số sinh tồn xuyên suốt thời gian sống của mỗi công dân, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử bao gồm 2 nhóm thông  tin chính: Nhóm thông tin định danh (bao gồm: tên tuổi, giới tính, địa chỉ, mã định danh, nhóm máu...) và Nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe (bao gồm: đẻ thường hay đẻ mổ, chiều dài, cân nặng lúc sinh, các dị tật bẩm sinh, các yếu tố nguy cơ (có uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng ma túy hay không), hoạt động thể lực, yếu tố bệnh nghề nghiệp, tiền sử dị ứng với các loại thuốc (hóa chất, mỹ phẩm, thực phẩm nào), bị các khuyết tật và loại bệnh gì, đã từng phẫu thuật hay chưa, tiền sử bệnh của những người thân trong gia đình và những thông tin về sức khỏe sinh sản (số lần đẻ, các biện pháp tránh thai, bệnh phụ khoa)... Với một hồ sơ đầy đủ thông tin như thế, phục vụ rất tốt cho công tác phòng và chữa bệnh.

* “Click” chuột là... biết hết

Một trong những yếu tố rất được người dân quan tâm là có trong tay mã ID của HSSKCNĐT để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của mình cũng như giúp  nhân viên y tế có thể tra cứu được ngay những thông tin cần thiết phục vụ cấp cứu,   điều trị.

Trong vô vàn sự tiện lợi của HSSKCNĐT, lấy một ví dụ: một người bị tai nạn giao thông nhập viện ở tình trạng hôn mê không thể giao tiếp và cần được phẫu thuật gấp. Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, các nhân viên y tế cần làm các xét nghiệm cũng như cần có được những thông tin như: nhóm máu, người bệnh từng dị ứng với loại thuốc nào, đã từng phẫu thuật chưa, có nhiễm HIV, đang bệnh gì và dùng thuốc điều trị gì... Nếu có mã ID của bệnh nhân, nhân viên y tế sẽ mở hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử của bệnh nhân và có ngay được những thông tin, từ đó có thể bỏ qua một số bước như không phải xét nghiệm tìm nhóm máu,  không phải mất thời gian thử thuốc, biết được tình trạng kháng thuốc hoặc kháng vaccine của bệnh nhân… ca phẫu thuật tiến hành sẽ nhanh hơn, hoàn hảo hơn khi không phải vừa phẫu thuật, vừa làm xét nghiệm. Điều đó sẽ có được thêm được “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân. Chưa kể những kết quả xét nghiệm và hình ảnh chẩn đoán đã được lưu trữ sẵn trong hồ sơ điện tử này sẽ giúp chẩn đoán nhanh hơn, đầy đủ hơn rất nhiều.

Cũng theo bác sĩ  Vũ, hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân còn là giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp về y tế, đặc biệt trong công tác quản lý tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh từ xa. Thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, ngành y tế dự phòng sẽ biết được khu vực nào đang có những dịch bệnh hoặc chứng bệnh nào đó phát sinh khi qua hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử cho thấy số người đi khám loại bệnh đó nhiều; hoặc khu vực  nào thể hiện trên dữ liệu dùng chung cho thấy có đông trẻ em chưa hoặc tiêm phòng không đầy đủ, nhân viên dịch tễ sẽ đánh giá được khả năng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh để kịp thời kiến nghị Nhà nước ban hành chính sách chủ động ứng phó với phòng dịch bệnh, dập dịch...

Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được lưu trữ trong hồ sơ. Khi cần chỉ cần lấy ra mà không phải xét nghiệm làm lại
Khi có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được lưu trữ trong hồ sơ. Khi cần chỉ cần lấy ra mà không phải xét nghiệm làm lại

Hoặc khi có trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine, lật hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử sẽ “truy” lại được các thông tin liên quan: đã tiêm chủng ngừa bệnh gì, quy trình tiêm mấy mũi, đã tiêm mũi thứ mấy, ngày giờ nào, tên người tiêm, tên và số hiệu lô vaccine, nhà  sản xuất, nơi quản lý, cách quản lý, ngày hết hạn, tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm…rất dễ để tìm ra nguyên nhân. Hồ sức khỏe cá nhân điện tử cũng sẽ giúp người dân ghi nhớ tất cả những thông tin liên quan đến sức khỏe. Khi cần, chỉ việc nhập mã ID vào smartphone hoặc thiết bị có kết nối internet là có thể truy cập vào hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử của mình để biết các thông tin như ngày hẹn tái khám, ngày tiêm chủng, tiêm mũi thứ mấy, uống thuốc như thế nào, đang sử dụng phác đồ điều trị nào…

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập và sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử để quản lý toàn diện sức khỏe công dân một cách thông minh. Đó là xu hướng tất yếu mà Việt Nam đang tiến tới khi thực hiện Y tế thông minh.

Phương Liễu

Tin xem nhiều