Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Bệnh viện thông minh: Lợi ích và thuận tiện

03:12, 02/12/2018

Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình Bệnh viện thông minh, trong đó triển khai bệnh án điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào chẩn đoán hình ảnh đang được ưu tiên thực hiện.

[links()]Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình Bệnh viện thông minh, trong đó triển khai bệnh án điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào chẩn đoán hình ảnh đang được ưu tiên thực hiện. Hoạt động này đã được tập huấn và thực hiện tại nhiều cơ sở y tế. Đây là mô hình đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân cũng như sự thuận tiện cho nhân viên y tế.

 Sơ đồ các công đoạn chụp x-quang theo quy trình mới, giúp tiết giản được tới 12 bước nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chẩn đoán hình ảnh.
Sơ đồ các công đoạn chụp x-quang theo quy trình mới, giúp tiết giản được tới 12 bước nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chẩn đoán hình ảnh.

* Rút ngắn nhiều công đoạn

Các nhà chuyên môn cũng đã làm một bài toán chi phí. Một bệnh viện một năm có 200 triệu ca khám bệnh thì có 60 triệu ca cần dịch vụ chẩn đoán hình ảnh (chiếm 30%), trong đó có 30 triệu ca sử dụng film để chẩn đoán. Hiện giá chụp x-quang từ 50.000 tới 1.000.000 đồng/ca hay chụp cắt lớp (CT), cộng hưởng từ (MRI) từ 500.000 – 9.000.000 đồng. Tiền film in ra của bệnh nhân là 30.000 – 50.000 đồng/ca... thì khi áp dụng CNTT vào chẩn đoán hình ảnh thì 1 năm bệnh viện sẽ tiết kiệm được 900 tỷ đồng tiền in film. Chưa kể để hủy được tấm phim này phải mất khoảng 50 năm.

Nhiều người ngán ngại mỗi khi đi siêu âm, chụp x-quang, CT hay MRI vì phải chờ khá lâu mới có được kết quả chẩn đoán cuối cùng. Bởi hiện nay hầu hết các bệnh viện, phòng khám thực hiện chiếu chụp,  quản lý và lưu trữ kết quả dưới dạng film in. Hoạt động này bộc lộ nhiều nhược điểm vì chất lượng film kém khó đọc, số lượng film giới hạn, muốn đọc và lưu trữ phải in ra film chưa kể phải cần nhân viên xử lý, bảo quản, khó sử dụng cho những lần tái khám sau hay đi bệnh viện khác... Mọi nhược điểm này sẽ được giải quyết khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chiếu chụp. Tính năng Pacs (kết nối hình ảnh) trong mô hình bệnh viện thông tin sẽ “gỡ” hết những rắc rối trên và rút ngắn được nhiều công đoạn, tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như lưu trữ an toàn kết quả chiếu chụp.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, theo quy trình cũ, một bệnh nhân đi khám phổi sẽ được bác sĩ chỉ định chụp x-quang phổi, bệnh nhân phải nộp giấy chỉ định của bác sĩ và bộ phận hành chính tiếp nhận giấy chỉ định, nhập vào phần mềm, bố trí máy và phân công nhân viên, kỹ thuật viên phòng chụp thực hiện. Về phía bệnh nhân, đi tới phòng chụp, theo dõi màn hình báo số, kỹ thuật viên phòng chụp cập nhật tên bệnh nhân, gọi bệnh nhân khi tới lượt, hướng dẫn vào chụp, xác nhận đã chụp xong, in film ra, nhân viên hoặc bệnh nhân phải đem film đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ này chẩn đoán, cập nhật kết quả vào phần mềm rồi in kết quả ra, người bệnh phải cầm film và kết quả trở lại bác sĩ phòng khám, bác sĩ xem một lần nữa rồi mới kết luận bệnh, sau đó trả film lại cho bệnh nhân. Tổng cộng quy trình phải thực hiện qua 19 bước.

Nay, khi ứng dụng CNTT, nhiều công đoạn của quy trình này được lược giản. Bác sĩ khám bệnh chỉ cần nhập yêu cầu vào phần mềm và chỉ định thẳng tới hệ thống máy chụp mà không cần qua bộ phận hành chính. Sau khi chụp, phim dưới dạng số hóa được chuyển thẳng đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Sau khi chẩn đoán hình ảnh trên máy, bác sĩ này bấm gửi đến bác sĩ khám bệnh. Kết thúc lượt khám bệnh, film được lưu vào hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân để sử dụng cho lần sau và ở những bệnh viện khác nhau. Nay chỉ còn 7 bước.

Khi đã có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, người dân đến khám bệnh chỉ cần đọc mã ID là có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Khi đã có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, người dân đến khám bệnh chỉ cần đọc mã ID là có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Đang trong giai đoạn thực hiện mô hình Bệnh viện thông minh, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tim vào chẩn đoán hình ảnh, không chỉ tiết giảm được thời gian, công sức mà còn giảm được đáng kể chi phí in sao, lưu trữ film sau khi chiếu chụp. Hoạt động này đem lại lợi ích đáng kể cho cả bệnh nhân, bệnh viện lẫn cơ quan bảo hiểm. Theo đó, 100% bệnh nhân đã được quản lý trên mạng của bệnh viện với mã số riêng giúp cho việc tra cứu các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước rất nhanh chóng trong thời gian khoảng 1 phút thay cho việc phải chờ đợi các thủ tục hành chính để rút các hồ sơ bệnh án như trước (kéo dài gần 1 ngày); Các khoa dự trù và cấp phát thuốc qua mạng do đó người bệnh được công khai thuốc hàng ngày qua các phiếu in trên mạng có đầy đủ thông tin về tên thuốc, làm lượng, số lượng, nước sản xuất… đến giá tiền.

* Bệnh án điện tử: Minh bạch và chính xác

Đã gần 10 năm làm điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, chị Hoàng Dung cho biết mỗi ngày đều phải chạy đi chạy lại giữa khoa và phòng trực lãnh đạo để trình ký bệnh án giấy, bảng biểu, toa thuốc, phiếu xét nghiệm, chỉ định của bác sĩ, giấy chuyển viện, mỗi khi bệnh nhân xuất viện phải đưa bệnh án giấy xuống kho lưu trữ... Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khá rất vất vả. Khi áp dụng bệnh án điện tử, chị Dung sẽ không còn phải làm “con thoi” như trước nữa. Mọi công đoạn trên sẽ được tích hợp vào bệnh án điện tử mà bệnh viện đang chuẩn bị triển khai.

So với bệnh án giấy thì bệnh án điện tử rất thuận lợi trong hoạt động y tế bởi tính minh bạch, chính xác và gọn nhẹ. Dù kết nối trực tiếp với các dữ liệu khác của bệnh viện, với hồ sơ bảo hiểm y tế, với kết quả xét nghiệm, nhưng tính bảo mật của hình ảnh chiếu chụp cũng như những thông tin trong bệnh án điện tử lại rất cao, đồng thời có thể sử dụng linh hoạt trên các thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại khi cần truy cập.

Thực hiện bệnh án điện tử, các bệnh viện không cần phải bố trí nhân viên, phòng ốc để lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như hiện nay. (Ảnh: Nhân viên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra tình trạng lưu trữ của kho lưu bệnh án)
Thực hiện bệnh án điện tử, các bệnh viện không cần phải bố trí nhân viên, phòng ốc để lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như hiện nay. (Ảnh: Nhân viên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất kiểm tra tình trạng lưu trữ của kho lưu bệnh án)

Theo TS.BS Phan Huy Anh Vũ, bệnh án điện tử đáp ứng tất cả các quy định trong cung cấp dịch vụ sức khỏe như: Quản lý thông tin tiền sử bệnh nhân, lâm sàng, chỉ định, kết quả (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh), quản lý cả quá trình điều trị và thuốc. Trong quản lý thông tin hành chính, bệnh án điện tử cũng sẽ quản lý thông tin bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thông tin nhân thân bệnh nhân, quản lý việc kết nối với các nguồn thông tin khác trong bệnh viện. Đặc biệt hồ sơ bệnh án điện tử còn có chức năng quản lý vòng đời và tuổi thọ của hồ sơ bệnh án, thời gian lưu trữ dài và dễ dàng phục hồi hồ sơ bệnh án khi cần.

Theo bác sĩ Vũ, những tiện ích của bệnh án điện tử là rất lớn. Đó là giảm chi phí đầu tư và nguồn lực khi áp dụng, tiết kiệm chi phí khi triển khai, lại có thể xác thực bằng chữ ký số. Bệnh án điện tử cũng có tính linh động cao khi thay đổi quy trình, quy định, biểu mẫu mà không cần lập trình, không tốn thời gian và chi phí sửa chữa, đồng thời rất thuận lợi cho người dùng...

Rồi đây, hình ảnh bệnh nhân tại nhiều bệnh viện phải chen chúc, chờ đợi khám bệnh, chiếu chụp, lấy thuốc... sẽ không còn khi các bệnh viện trên khai thực hiện mô hình bệnh viện thông minh.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều