Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng hành động phòng chống bệnh đái tháo đường

10:11, 12/11/2018

Trung bình mỗi ngày Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận, điều trị cho 250 bệnh nhân ngoại trú và 40 bệnh nhân nội trú. Khoảng 80-90% bệnh nhân trong số đó mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

Trung bình mỗi ngày Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận, điều trị cho 250 bệnh nhân ngoại trú và 40 bệnh nhân nội trú. Khoảng 80-90% bệnh nhân trong số đó mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

Bác sĩ Đào Kim Luân, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kiểm tra vết thương ở chân cho bệnh nhân Đ.T.K.Y. sau gần 2 tháng điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Đào Kim Luân, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai kiểm tra vết thương ở chân cho bệnh nhân Đ.T.K.Y. sau gần 2 tháng điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.Dung

Đây là một trong 3 bệnh không lây nhiễm nhưng có tỷ lệ người tử vong cao nhất ở nước ta hiện nay. Do vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện, điều trị bệnh.

* Tầm soát sớm rất quan trọng

Cách đây 2 năm, trong một lần kiểm tra sức khỏe, bà Đ.T.K.Y. (50 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) được bác sĩ xét nghiệm và thông báo bị mắc tiểu đường tuýp 2. Sau một thời gian uống thuốc trị bệnh, đến giữa tháng 9-2018, bà Y. bị đau nhức khắp chân phải. Do chủ quan, nghĩ mình bị đau khớp nên 1 tháng sau bà Y. mới đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thăm khám. Kết quả cho thấy bà bị biến chứng do tiểu đường khiến chân phải sưng to, tụ mủ. Bác sĩ Khoa Nội tiết đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc, hút mủ chân cho bà Y. Đến nay, sau gần 2 tháng điều trị, đường huyết của bà Y. đã ổn định, sức khỏe tốt hơn và đang dần tăng cân.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay chỉ có trên 30% số bệnh nhân mắc đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được khám bệnh, chẩn đoán. Còn lại khoảng 70% chưa được khám, chẩn đoán.

Bà Y. tâm sự, do nhà neo người nên nhiều khi bà chủ quan với bệnh tật. Đến khi bệnh trở nặng bà mới đến bệnh viện chứ không kiểm tra sức khỏe theo định kỳ.

Bác sĩ Đào Kim Luân, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, chính vì chủ quan, không thăm khám sức khỏe định kỳ nên nhiều người dân nhập viện khi bệnh đã trở nặng khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Nếu người dân có ý thức tầm soát bệnh sớm để điều trị sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc tai biến, hạn chế tỷ lệ tử vong cũng như chi phí điều trị bệnh.

* Những yếu tố nguy cơ

Theo bác sĩ Luân, những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gồm: người có tiền căn gia đình bị đái tháo đường, người ít vận động, thừa cân, béo phì; phụ nữ mang thai sinh em bé có cân nặng từ 4kg trở lên; những phụ nữ có bệnh lý di truyền về buồng trứng đa nang; người từ 40 tuổi trở lên.

Khi có những dấu hiệu như: đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, cảm thấy khát nước, uống rất nhiều nước, sụt cân không rõ lý do, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế có uy tín để thăm khám, phát hiện bệnh.

Bệnh đái tháo đường chia làm 4 loại chính: đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường thể chuyên biệt khác có nguyên nhân. Trong đó, đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong quá trình phụ nữ mang thai, ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Đái tháo đường tuýp 1 sẽ xuất hiện biến chứng sau 5 năm phát hiện bệnh. Đái tháo đường thể chuyên biệt khác có thể do gen di truyền, do việc dùng thuốc hoặc do viêm tụy. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nếu điều trị dứt điểm tác nhân gây bệnh thì có thể khỏi bệnh. Nhưng cũng có những bệnh nhân không thể điều trị dứt bệnh dù biết nguyên nhân.

Ngày Phòng, chống đái tháo đường thế giới 14-11 năm nay có chủ đề: Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường.

Hiện nay, đái tháo đường tuýp 2 đang có chiều hướng tăng nhanh do có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường cũng đang trẻ hóa. Nếu như trước đây, phần lớn người mắc bệnh đái tháo đường có tuổi đời trên 40 tuổi thì nay đã ghi nhận có những trường hợp mắc bệnh mới từ 9-13 tuổi.

“Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, con người ít vận động, chế độ ăn uống quá đủ dưỡng chất nên dễ dẫn đến thừa cân, béo phì - một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường” - bác sĩ Đào Kim Luân nhấn mạnh.

* Quan tâm đến nhau nhiều hơn

Bệnh đái tháo đường có những biến chứng ảnh hưởng đến toàn thân. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch; tai biến mạch máu não; tiểu đạm, suy thận; biến chứng về võng mạc gây mù mắt; gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên làm tê tay chân, mất cảm giác, chóng mặt. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường khi bị biến chứng về mạch máu, thần kinh sẽ dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến xương và có khả năng phải cắt cụt chi.

Bệnh nhân phải chấp nhận đái tháo đường là bệnh phải điều trị lâu dài, phải hợp tác với nhân viên y tế để cùng điều trị bệnh. Người mắc bệnh không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có chỉ định rõ ràng của bác sĩ. Nên có chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống khoa học, hạn chế ăn vặt. Khi phát hiện dưới bàn chân có những dấu hiệu bất thường như: đau nhức, bị thương, bị bỏng, người dân nên đến bác sĩ để được thăm khám, không tự ý cắt bỏ các mụn chai, mụn thịt ở bàn chân, chỉ cắt móng chân, không nên cắt khóe chân; không ngâm chân vào nước nóng khi bị mất cảm giác.

“Trong xã hội hiện đại, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân, những người thân trong gia đình cũng nên quan tâm đến nhau nhiều hơn. Khi thấy người thân có sự thay đổi về sức khỏe nên đưa đi thăm khám kịp thời, đặc biệt với những gia đình có người thừa cân, béo phì. Hãy cùng nhau hành động khi chưa quá muộn để hạn chế loại bệnh đang có tốc độ phát triển rất nhanh này” - bác sĩ Luân nhắn nhủ.

Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều