Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả của nội soi tán sỏi không xâm lấn

09:11, 26/11/2018

Trong các bệnh lý về sỏi tiết niệu thì sỏi thận, sỏi niệu quản là những bệnh thường gặp nhất. Trước đây, để điều trị những bệnh này, các bác sĩ thường phải mổ hở để gắp sỏi. Tuy nhiên, phương pháp này tồn tại nhiều hạn chế.

Trong các bệnh lý về sỏi tiết niệu thì sỏi thận, sỏi niệu quản là những bệnh thường gặp nhất. Trước đây, để điều trị những bệnh này, các bác sĩ thường phải mổ hở để gắp sỏi. Tuy nhiên, phương pháp này tồn tại nhiều hạn chế.

Bệnh nhân N.N.B.T. phục hồi sức khỏe, không còn đau đớn sau 3 ngày được bác sĩ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tiến hành nội soi tán sỏi bằng laser.
Bệnh nhân N.N.B.T. phục hồi sức khỏe, không còn đau đớn sau 3 ngày được bác sĩ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tiến hành nội soi tán sỏi bằng laser.

Hiện nay với sự phát triển của các phương tiện máy móc, kỹ thuật y học tiên tiến hiện đại, các bác sĩ đã sử dụng nhiều phương pháp tán sỏi mà không cần tác động dao kéo đến bệnh nhân, đem đến hiệu quả, thẩm mỹ cao.

* Tỷ lệ sạch sỏi đạt 100%

Các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến phương pháp nội soi tán sỏi bằng máy siêu âm trong điều trị sỏi bàng quang. Kết quả nghiên cứu được rút ra sau khi thực hiện phương pháp này đối với 13 trường hợp bệnh nhân từng được điều trị tại bệnh viện từ tháng 2 đến tháng 9-2018.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị tán sỏi bằng phương pháp ít xâm lấn như: bóp sỏi bàng quang, tán sỏi bàng quang qua da trên xương mu, tán sỏi bằng laser, tán sỏi bằng siêu âm. Những phương pháp này đã đem lại hiệu quả cao, giúp bệnh nhân ít đau trong, sau phẫu thuật, thời gian nằm viện cũng ngắn và không để lại sẹo trên cơ thể.

Theo đó, sỏi bàng quang chiếm khoảng 5% trong số các bệnh lý về sỏi tiết niệu. Sỏi bàng quang do tắc nghẽn đường tiểu gây ra, thường gặp ở người lớn tuổi và nam giới.

Bác sĩ Võ Xuân Chuyên, Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ năm 2009 khoa đã bắt đầu tán sỏi bàng quang bằng xung hơi, tán sỏi bằng laser, tán sỏi ngoài da trên xương mu.

Từ tháng 2-2018, khoa áp dụng thêm phương pháp tán sỏi bàng quang bằng siêu âm. Phương pháp này chống chỉ định với những bệnh nhân bị sỏi bàng quang có bệnh lý đường máu không kiểm soát được, bị hẹp niệu đạo, dị ứng thuốc tê, thuốc mê và bị nhiễm khuẩn niệu nặng.

Quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được gây tê tủy sống, nằm ở tư thế sản khoa. Các bác sĩ sẽ tiến hành nông niệu đạo, đặt máy nội soi vào bàng quang, kiểm tra bàng quang, số lượng sỏi. Sau đó, tiến hành tán sỏi bằng máy siêu âm nhằm lấy sạch sỏi và đặt thông tiểu lưu tạm thời. Thời gian tán sỏi trung bình khoảng 35 phút.

Kết quả cho thấy sạch sỏi hoàn toàn trong bàng quang của bệnh nhân và không ghi nhận những biến chứng trong và sau phẫu thuật như: chảy máu bàng quang, tổn thương thành bàng quang, nhiễm trùng.

* Tán sỏi bằng laser

Trước đó, Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đã tiến hành phẫu thuật nội soi tán sỏi thận bằng laser cho bệnh nhân N.N.B.T. (9 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành). Bệnh nhân T. có viên sỏi to bằng viên bi trong niệu quản phải. Đây là trường hợp rất hiếm gặp vì sỏi rất hiếm khi xuất hiện trong cơ thể của trẻ nhỏ.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, đặc biệt đau nhiều ở vùng hông bên phải từ nhiều ngày trước. Qua thăm khám, siêu âm, chụp phim, các bác sĩ phát hiện có một viên sỏi có kích thước khoảng 1cm nằm ở niệu quản bên phải, thận ứ nước.

Bác sĩ Đặng Đức Hoàng, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, bệnh nhân sau đó được chỉ định tán sỏi bằng laser sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Với phương pháp này, máy tán sỏi ngoài cơ thể sẽ phát ra các xung điện, tập trung vào phần có sỏi của bệnh nhân. Tác động của xung điện sẽ làm cho sỏi vỡ nhỏ và thoát ra ngoài theo đường tiểu của bệnh nhân. Do vậy, lúc bệnh nhân đi tiểu sẽ có màu hồng như máu. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, thận không còn ứ nước. Đây cũng là trường hợp bệnh nhi mắc sỏi trong niệu quản đầu tiên được điều trị theo phương pháp này tại bệnh viện. Trường hợp này nếu không được chữa trị kịp thời, để lâu sẽ khiến bệnh nhân T. bị nhiễm trùng đường tiểu, thận ứ nước dẫn đến thận hư, suy thận.

Mặc dù đã lấy hết sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân nhưng theo bác sĩ Hoàng, khả năng tái phát sỏi ở bệnh nhân T. vẫn có thể xảy ra. Do đó, phụ huynh cần chú ý để cháu T. có chế độ ăn uống phù hợp. Không nên ăn nhiều đậu phộng, nội tạng động vật, cần uống đủ nước từ 1,5-2,5 lít nước/ngày.

Bác sĩ Hoàng chia sẻ, tùy vào kích thước và vị trí của viên sỏi, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp tán sỏi khác nhau. Với những viên sỏi có kích thước nhỏ như viên bi trở xuống sẽ được điều trị bằng các phương pháp ít xâm lấn, ít gây đau đớn cho bệnh nhân. So với các ca mổ hở trước kia, chi phí cho một ca phẫu thuật sỏi ít xâm lấn có chi phí thấp hơn, bệnh nhân bình phục nhanh hơn.

An Yên

Tin xem nhiều