Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo động nợ bảo hiểm xã hội cục bộ

03:11, 29/11/2018

Đến hết tháng 10-2018, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong toàn tỉnh đã lên tới hơn 566,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số nợ năm 2017.

Đến hết tháng 10-2018, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong toàn tỉnh đã lên tới hơn 566,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số nợ năm 2017.

Sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhiều công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina phải tìm việc làm mới. Ảnh: H.Dung
Sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhiều công nhân Công ty TNHH KL Texwell Vina phải tìm việc làm mới. Ảnh: H.Dung

Có 2 chủ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch đã bỏ trốn về nước, để lại các khoản nợ bảo hiểm mà đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm.

Hơn 5,5 ngàn đơn vị nợ đọng

Theo thống kê của BHXH tỉnh, có hơn 5,5 ngàn đơn vị/ hơn 8,6 ngàn đơn vị (thuộc khối doanh nghiệp; khối hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể và các tổ chức cá nhân khác tham gia BHXH) đang nợ BHXH số tiền hơn 492,5 tỷ đồng.

Tổng số nợ BHXH tuy chỉ chiếm 2,9% tổng số tiền phải thu, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (5,8%) nhưng số tiền nợ cục bộ, kéo dài rất cao và đáng lo ngại.

Phó giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, trước tình trạng các đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền lớn, kéo dài, BHXH tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để đòi nợ nhưng vẫn chậm khắc phục. Điển hình như: Công ty cổ phần Lilama 45.1 nợ 48 tháng (32 tỷ đồng), Công ty TNHH Vietbo nợ 37 tháng (21 tỷ đồng), Công ty cổ phần Lilama 45.4 nợ 48 tháng (13 tỷ đồng), Công ty THHH Kumsung Vina nợ 86 tháng (12,6 tỷ đồng), Công ty TNHH JooCo Dona nợ 12 tháng (16 tỷ đồng), Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam nợ  6 tháng (8,2 tỷ đồng)…

Trong số 519 đơn vị có số tiền nợ BHXH trên 100 triệu đồng, có 52 đơn vị đã ngưng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn với số nợ 57,7 tỷ đồng. Điều này khiến việc thu hồi nợ BHXH đã khó càng khó. Cụ thể, Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước từ tháng 2-2018 để lại số nợ BHXH hơn 16 tỷ đồng nhưng đến nay, sau gần 10 tháng, cơ quan bảo hiểm vẫn chưa thu được đồng nào. Ngoài ra, số tiền nợ lương của 2 ngàn người lao động của công ty cũng chưa được giải quyết. 7 tỷ đồng do UBND tỉnh ứng ngân sách để trả lương cho công nhân lao động cũng chưa biết sẽ thu hồi ra sao.

Vào đầu tháng 11-2018, chủ Công ty TNHH một thành viên Cho Won (đóng tại huyện Nhơn Trạch) cũng “mất tích” khi đang nợ lương tháng 9 và 10-2018 của 42 công nhân, nợ BHXH 120 triệu đồng và các khoản nợ khác 23 tỷ đồng.

Không chỉ khó đòi các “con nợ” mới mà cả những đơn vị nợ cũ đã được cơ quan BHXH khởi kiện trước năm 2015 cũng chưa thể thi hành xong án dân sự về thu nợ BHXH. Vẫn còn 11 đơn vị nợ hơn 11 tỷ đồng, như Công ty rượu Sampanh Matxcova (2,91 tỷ đồng), Công ty TNHH Kumsung Vina (3,85 tỷ đồng).

Việc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng BHXH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhiều bất cập trong thu nợ bảo hiểm

Từ sau vụ Công ty TNHH KL Texwell Vina, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan để tìm cách giải quyết vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo đó, hằng quý, BHXH tỉnh thống kê số đơn vị nợ bảo hiểm trên 3 tháng để gửi Sở Lao động – thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, ký kết quy chế phối hợp với Công an tỉnh để phối hợp thu nợ.

“Không chỉ đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản, điện thoại, đến làm việc trực tiếp, chúng tôi còn tổ chức hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành; chuyển hồ sơ của 8 đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm cho Công an tỉnh đề nghị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự theo quy định của pháp luật. Ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị với số tiền hơn 1 tỷ đồng” - ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho hay.

Mặc dù các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, song vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ì.

Một bất cập khác trong quá trình khởi kiện các đơn vị nợ BHXH là từ năm 2014, BHXH tỉnh đã cung cấp 12 hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm cho Liên đoàn Lao động tỉnh nhưng đến giờ này vẫn không khởi kiện được đơn vị nào do tòa án trả hồ sơ với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự về xử lý trách nhiệm hình sự các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngành BHXH được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm, nhưng khi thực hiện cũng gặp phải khó khăn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, như Giám đốc BHXH tỉnh chỉ được ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị nợ BHXH dưới 250 triệu đồng. Đến tháng 9-2018, UBND tỉnh mới có công văn để tháo gỡ khó khăn này.

Xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự

779,7 ngàn là số người dân trong tỉnh tham gia BHXH bắt buộc tính đến hết tháng 10-2018, chiếm 45,2% so với lực lượng lao động.

Thượng tá Lê Văn Khuyện, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị này đã nhận được văn bản của BHXH tỉnh đề nghị mời 30 doanh nghiệp nợ bảo hiểm đến làm việc và tuyên truyền các hành vi vi phạm pháp luật hình sự về bảo hiểm. Công an tỉnh đề nghị BHXH tỉnh xác minh số nợ bảo hiểm của các đơn vị phát sinh từ trước hay sau ngày 1-1-2018 để có đủ cơ sở xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với những đơn vị này.

Cho rằng cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một số đơn vị cố tình dây dưa, trốn đóng bảo hiểm để răn đe cho các đơn vị, doanh nghiệp khác, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Vũ Ngọc Hà đề xuất: “Nếu những khoản nợ bảo hiểm từ tháng 1-2018 trở về trước không xử lý được thì cần phải tách ra để xử lý vi phạm hành chính, sau đó xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không thể để tình trạng chủ doanh nghiệp phớt lờ, coi thường pháp luật như hiện nay”.

Để tránh có thêm nhiều chủ doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm bỏ trốn không xử lý được, lãnh đạo nhiều sở, ngành đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài là đại diện theo pháp luật của các công ty đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về nợ bảo hiểm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế liên thông dữ liệu giữa BHXH tỉnh và Sở Kế hoạch - đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Cục Thuế Đồng Nai, Sở Lao động - thương binh và xã hội nhằm thuận lợi trong việc quản lý, theo dõi “sức khỏe” của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng của Trung ương cần sớm có những hướng dẫn cụ thể để thực thi Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự; sớm ban hành cơ chế khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm và quy định pháp lý hướng dẫn việc xử lý tiền nợ đọng bảo hiểm kéo dài của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích.          

Hạnh Dung

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp:

Tỉnh đang kiến nghị thành lập quỹ BHXH dự phòng để tạm ứng giải quyết chế độ cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn mà còn nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động.

 

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng:

Đề nghị thanh tra, xử phạt, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm lớn, kéo dài; đồng thời phải tìm cách giữ chủ những doanh nghiệp này ở lại, không cho xuất cảnh.

 

 

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường:

Chúng tôi đang tích cực liên lạc với các chủ doanh nghiệp “mất tích” thông qua ban lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan lãnh sự quán. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh có văn bản chính thức về thu hút đầu tư của tỉnh, nên ưu tiên những ngành nghề ít lao động, không gây ô nhiễm môi trường.

An Yên (ghi)

 

Tin xem nhiều