Báo Đồng Nai điện tử
En

Quả ngọt từ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp Nhật Bản

09:10, 23/10/2018

Các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động kỹ thuật trình độ cao phục vụ thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại. Trong điều kiện nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, một số doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đã kết nối tạo ra chuỗi đào tạo bài bản tiếp cận trình độ quốc tế.

Các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động kỹ thuật trình độ cao phục vụ thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại. Trong điều kiện nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, một số doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đã kết nối tạo ra chuỗi đào tạo bài bản tiếp cận trình độ quốc tế.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nghiệm thu đề tài máy bó cuốn thanh nhôm tự động chuyển giao cho Công ty TNHH Lixil Global Việt Nam Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nghiệm thu đề tài máy bó cuốn thanh nhôm tự động chuyển giao cho Công ty TNHH Lixil Global Việt Nam Ảnh: C.NGHĨA

Từ năm 2015, vùng Kansai Nhật Bản và tỉnh Đồng Nai đã triển khai hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp. Việc hợp tác đã bước sang giai đoạn 2 với những cách làm mới mẻ, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản luôn hào hứng chia sẻ kỹ năng lẫn công nghệ đào tạo.

* Không ngồi chờ đợi

Ông Nguyễn Hữu Đức, thành viên điều phối dự án đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp vùng Kansai Nhật Bản - Đồng Nai cho biết nhờ dự án mà từ năm 2015 đến nay đã có hàng chục lượt cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo ngành kỹ thuật của Đồng Nai được phía Nhật Bản tài trợ kinh phí sang Nhật học nâng cao về phương pháp đào tạo. Chương trình đào tạo của Nhật Bản truyền đạt cụ thể, bài bản, khoa học và sát với thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

GS.Masashi Shimizu (Trường đại học công nghệ Tokyo Nhật Bản) là người đã khởi xướng cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương. Ông từng đến Đồng Nai và chia sẻ với sinh viên ngành kỹ thuật. Ông Masashi Shimizu cho rằng: “Liên kết nhà trường và doanh nghiệp là con đường ngắn nhất đến thực tế sản xuất. Ở Đồng Nai có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều nước đang sử dụng công nghệ cao. Do đó, nhà trường đừng ngại mà hãy đến gõ cửa những doanh nghiệp này để mở ra vô số cơ hội cho sinh viên ở đó”.

Không dừng lại ở đó, phía Nhật Bản cũng chủ động mời các trường đại học tại vùng Kansai, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh trực tiếp đến các trường được thụ hưởng dự án tại Đồng Nai để góp ý chương trình đào tạo, dự giờ của giảng viên, giám sát và hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn trong phòng thực hành kỹ thuật, đào tạo văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản cho sinh viên… Phía Nhật Bản còn tài trợ cho 2 trường tại Đồng Nai là Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) và Trường đại học Lạc Hồng
2 phòng thực hành đào tạo nghề công nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai cho biết từ khi trường tham gia vào dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp do Nhật Bản tài trợ, việc đào tạo các ngành kỹ thuật đã thay đổi khá nhiều, nhất là việc tiếp cận với trình độ và phương pháp đào tạo nghề tiên tiến của Nhật Bản. Những giáo viên được cử đi đào tạo nâng cao ở Nhật Bản đã mang về những phương pháp giảng dạy rất khác biệt so với trước, làm cho sinh viên hào hứng học tập.

* Đừng ngại “gõ cửa”

Ông Nishijima Daisuke, Giám đốc Công ty TNHH Nakano Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hiệu quả của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhưng sẽ có lợi hơn cho Việt Nam nếu sẵn có một nguồn nhân lực kỹ thuật. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng các chuỗi giá trị sản xuất mà người Việt Nam có thể nắm bắt được công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản muốn chuyển giao”. Ông Nishijima Daisuke cho biết công ty của ông đang sở hữu nhiều vị trí nhân sự kỹ thuật người Việt Nam làm việc cả ở Nhật Bản và nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt có một số người Việt phụ trách những vị trí cấp cao quản lý và hướng dẫn cả người Nhật.

GS.Masashi Shimizu (Trường đại học công nghệ Tokyo Nhật Bản) trao đổi với sinh viên Đồng Nai về kỹ thuật điện tử.
GS.Masashi Shimizu (Trường đại học công nghệ Tokyo Nhật Bản) trao đổi với sinh viên Đồng Nai về kỹ thuật điện tử.

Trong khi đó, theo Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng Phạm Văn Toản, muốn đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao thì không thể “đơn thương độc mã”, việc hợp tác với các nước, doanh nghiệp nước ngoài có nền công nghiệp phát triển ở bậc cao là cơ hội rất tốt để đi tắt, rút ngắn trình độ đào tạo và hưởng lợi nhiều mặt như: tiếp thu phương pháp đào tạo mới, nhận thêm tài trợ về công nghệ đào tạo, đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Khi sinh viên tốt nghiệp có thể đủ điều kiện vào thẳng doanh nghiệp làm việc.

Thực tế từ quá trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp Nhật Bản đã mang lại nhiều “quả ngọt” cho các phía tham gia. Cụ thể, Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) đã nhận chuyển giao một dây chuyền máy lắp ghép cuộn cảm biến thế tự động do sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chế tạo và chuyển giao. Hay tại Công ty TNHH Lixil Global Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, chuyên sản xuất cửa nhôm cao cấp) đã tiếp nhận từ sinh viên 2 sản phẩm công nghệ tự động là máy bắn ốc vít tự động và máy cắt và bó cuốn thanh nhôm tự động… đem lại hiệu quả chất lượng, năng suất và giảm chi phí lao động thủ công.

Anh Dương Quốc Đạt, sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử - điện lạnh của Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai chia sẻ: “Quá trình học tập có sự kết nối với doanh nghiệp đã giúp quá trình học không còn nhàm chán mà trở nên phong phú và sinh động. Mỗi lần được đến tham quan doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực sinh viên đang theo học là một lần trải nghiệm rất nhiều điều thực tế mà nếu chỉ ngồi ở trường học lý thuyết, thực hành trong điều kiện còn thiếu thốn thì kết quả sẽ hạn chế”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều