Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải đáp nhiều vấn đề "nóng" của ngành giáo dục

08:08, 28/08/2018

Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu; cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng xe đưa rước cũ nát nhồi nhét học sinh không đảm bảo an toàn…

Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu; cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng xe đưa rước cũ nát nhồi nhét học sinh không đảm bảo an toàn…

Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình Nguyễn Thị Phú kiến nghị sớm có giải pháp với dãy nhà cấp 4 trường đang sử dụng vì dãy nhà đã quá xuống cấp. Ảnh: H. Dung
Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình Nguyễn Thị Phú kiến nghị sớm có giải pháp với dãy nhà cấp 4 trường đang sử dụng vì dãy nhà đã quá xuống cấp. Ảnh: H. Dung

Đó là những vấn đề được cán bộ, giáo viên ngành giáo dục TP.Biên Hòa nêu lên tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố sáng 27-8.

* Trường xuống cấp, thiếu giáo viên

Bà Nguyễn Thị Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình (xã Tam Phước) cho biết, vừa qua nhà trường được xây dựng thêm 20 phòng học nhưng do học sinh quá đông (tăng 5 lớp) nên trường vẫn đang duy trì sử dụng 7 phòng học thuộc dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1995. Dãy nhà cấp 4 này nếu tiếp tục sử dụng sẽ không đảm bảo an toàn cho học sinh. “Tôi rất mong lãnh đạo thành phố cho hướng giải quyết, nếu cho phép nhà trường tu sửa thì trường sẽ có biện pháp sửa lại trần gấp vì nó có nguy cơ sập. Khi sập sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của giáo viên và học sinh” - bà Phú kiến nghị.

Cũng bị áp lực vì số lượng học sinh tăng cao, phòng học lại hạn chế, ông Lê Văn Lành, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (phường Long Bình) chia sẻ, trên địa bàn phường có 3 trường tiểu học nhưng chỉ có 2 trường THCS. Vừa qua, có hơn 1,8 ngàn học sinh tiểu học tốt nghiệp nhưng Trường THCS Phan Bội Châu chỉ có thể nhận 430 học sinh, còn lại dồn hết vào Trường THCS Hoàng Văn Thụ gây áp lực rất lớn cho trường. Ông Lành kiến nghị thành phố sớm xây thêm 1 trường THCS trên địa bàn phường Long Bình để sớm giảm áp lực cho nhà trường.

Tương tự, bà Đào Thị Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Phước 1 (xã Tam Phước) trình bày, trường có 2 điểm trường. Trong đó, điểm trường số 1 có nhiều hạng mục đã xuống cấp, đặc biệt là khu vệ sinh. Các lan can bị gỉ sét, phía sau nhà trường chưa có hàng rào mà phía trên là đồi nên rất nguy hiểm cho học sinh. Các phòng học ở điểm trường số 2 cũng bị xuống cấp nặng. Sân trường thường bị ngập nước mỗi khi mưa. Bà Lý rất mong trường được tu bổ, sửa chữa lại để giáo viên an tâm dạy học.

Bên cạnh đó, Trường tiểu học Tam Phước 3 (xã Tam Phước) chỉ có 3 nhà vệ sinh phục vụ cho 2,4 ngàn học sinh. Cả trường có 47 lớp nhưng suốt nhiều năm qua chỉ có 5 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khiến nhà trường không thể xoay xở được. Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình) có 79 lớp nhưng chỉ có 29 phòng học, phải mượn phòng học của Trường tiểu học Bình Đa cho 20 lớp. Việc di chuyển qua quốc lộ cũng gây nguy hiểm cho học sinh, phụ huynh.

Vấn đề thiếu giáo viên mỗi đầu năm học cũng khiến nhiều trường phải “đau đầu”. Chẳng hạn, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (phường Long Bình) hiện còn thiếu đến 19 giáo viên. Trường THCS Trảng Dài còn thiếu 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Trường tiểu học Tam Phước 1 có 2 điểm trường với 29 lớp cách nhau 5km nhưng chỉ có 1 hiệu trưởng quản lý, không có phó hiệu trưởng, hiện còn thiếu 8 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên âm nhạc. Do thiếu giáo viên vào đầu năm học nên nhiều phụ huynh rất hoang mang khi con đến lớp mà không có giáo viên chủ nhiệm.

* Khẩn trương giải quyết những bức xúc

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa cho biết, sẽ bố trí giáo viên về các trường còn thiếu trong thời gian sớm nhất; rà soát, kiến nghị để từ năm sau sẽ tổ chức thi tuyển dụng giáo viên sớm hơn, đảm bảo phân bổ về các trường trước khi năm học mới bắt đầu. Một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp sẽ được tính toán, xin ý kiến UBND thành phố sửa chữa những nơi cấp bách trước.

Về vấn đề trường lớp, đại diện Phòng Tài chính - kế hoạch thành phố cho hay, trong kế hoạch đầu tư trung hạn từ năm 2016-2020 sẽ xây thêm một trường THCS tại phường Long Bình. Riêng những trường nào xuống cấp nghiêm trọng thì làm báo cáo lên phòng GD-ĐT thành phố để báo lên lãnh đạo thành phố đầu tư sửa chữa trước, đảm bảo an toàn cho học sinh. Những trường còn sử dụng được sẽ được xem xét để đầu tư trong thời gian tiếp theo.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Lê Văn Dành nhấn mạnh: “Sự nghiệp GD-ĐT phải được ưu tiên hàng đầu. Những kiến nghị nào trong khả năng có thể giải quyết được thì các cơ quan chức năng phải làm ngay. Những kiến nghị liên quan đến cân đối ngân sách, kinh phí thì phải thực hiện theo trình tự nhưng phải khẩn trương ưu tiên thực hiện”.

Chỉ ra thực trạng do học sinh tăng quá nhanh, trường lớp xây dựng không kịp, Bí thư Thành ủy Biên Hòa đề nghị phải rút kinh nghiệm, không để xảy ra học ca ba. Phòng GD-ĐT nghiên cứu, tham mưu, đề nghị với Sở Nội vụ tiến hành tuyển giáo viên trước tháng 9, chia thành nhiều đợt tuyển dụng để đảm bảo đủ giáo viên, cán bộ quản lý, không thể để xảy ra thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Về cơ sở vật chất, Bí thư Thành ủy Biên Hòa đề nghị UBND thành phố rà soát, ưu tiên đầu tư xây, sửa những nơi xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nhiều phòng, phải thuê mượn cơ sở. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ưu tiên hơn cả vấn đề xử lý ngập nước. “Các phòng, ban chức năng liên quan như Ban Quản lý dự án, Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất, Phòng GD-ĐT, Phòng Tài chính - kế hoạch phối hợp chặt chẽ, vướng ở đâu giải quyết ở đó, tiến hành xử lý quyết liệt, đảm bảo đủ trường lớp, nước sạch trong nhà trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh” - ông Lê Văn Dành chỉ đạo. 

Về trường hợp của Trường tiểu học Tam Phước 3, Bí thư Thành ủy đề nghị Phòng GD-ĐT thành phố và các phòng, ban phải khẩn trương khảo sát, kiểm tra lại. Nếu tạm thời sửa chữa đảm bảo an toàn thì tiếp tục dạy học và nghiên cứu đầu tư xây dựng mới dãy phòng học. Nếu không đảm bảo an toàn cho học sinh thì phải đi mượn phòng khác, tránh nguy hiểm cho học sinh, giáo viên.

Giáo viên Nguyễn Bình Phương, Trường THCS Long Bình Tân chia sẻ: “Có nhiều xe đưa rước học sinh rất cũ nát, chở nhồi nhét. Có những xe 16 chỗ nhưng chở tới 31 em. Tôi đã rất nhiều lần nói với phụ huynh rằng các vị đang cho con mình ngồi trên những chiếc quan tài”. Về vấn đề này, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa yêu cầu lãnh đạo các trường nắm tình hình các giáo viên nhận giữ trẻ, thông báo với phụ huynh, tiến hành hợp đồng xe phải đảm bảo chất lượng, lái xe phải có giấy phép lái xe, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều