Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

10:03, 11/03/2018

Theo dân gian, bệnh sởi còn được gọi là bệnh đau ban đỏ, là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất, thường gặp ở trẻ em, có triệu chứng giống như bệnh viêm họng. Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.

Theo dân gian, bệnh sởi còn được gọi là bệnh đau ban đỏ, là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất, thường gặp ở trẻ em, có triệu chứng giống như bệnh viêm họng. Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi như: viêm phổi, lao, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm kết mạc mắt (dẫn đến loét giác mạc do thiếu vitamin A gây mù), viêm cơ tim, viêm loét niêm mạc má, miệng, viêm hạch mạc treo ruột, viêm gan, viêm vi cầu thận cấp. Còn phụ nữ mang thai bị sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là các bé có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vaccine phòng ngừa đầy đủ. Người lớn cũng có thể bị sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh. Đường lây truyền chủ yếu là đường hô hấp như: nước bọt, hắt hơi, sổ mũi hoặc do hít phải mầm bệnh từ môi trường bên ngoài của bệnh (do mầm bệnh có thể tồn tại ngoài môi trường hơn một giờ).

Cách nhận biết bệnh sởi: sau khi tiếp xúc nguồn bệnh khoảng 10 ngày, thời kỳ khởi phát kéo dài từ 3-5 ngày với các biểu hiện: sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5-40OC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng, tiêu chảy. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

Đối với bệnh sởi, chủ yếu là điều trị nâng đỡ. Nên cho trẻ nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong giai đoạn sợ ánh sáng và cho trẻ ăn chế độ giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, giữ gìn vệ sinh răng miệng. Vẫn có thể điều trị tại nhà nếu dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối; tắm rửa sạch bằng nước ấm; dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A; nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa); chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc. Lưu ý cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên: sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nặng; ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt; có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt...

Cách phòng ngừa bệnh sởi rất đơn giản vì hiện nay có vaccine phòng ngừa bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Phụ huynh cần theo dõi để cho trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ theo lịch.

Phân biệt bệnh sởi với một số bệnh có phát ban dạng sởi

- Bệnh Rubella: bệnh nhân cũng bị phát ban, nhưng việc phát ban này không có trình tự, bệnh nhân ít khi có viêm long (là các dấu hiệu, như: mắt ướt, ho, chảy nước mũi...).

- Nhiễm virus entero: bệnh nhân cũng thường phát ban không có trình tự, đặc biệt là thường phát ban kèm theo rối loạn tiêu hóa.

- Bệnh do Mycoplasma pneumoniae: sốt nhẹ, đau đầu và viêm phổi không điển hình.

- Bị sốt mò: bệnh nhân có vết loét hoại tử do côn trùng đốt.

- Ban dị ứng thường kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan (là những tế bào máu trắng).

TS-BS. Nguyễn Trọng Nơi

(Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)

Tin xem nhiều