Báo Đồng Nai điện tử
En

Dị ứng do tự ý mua thuốc uống

07:02, 27/02/2018

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị nổi ban đỏ toàn thân với mức độ rất dày, ngứa ngáy khó chịu do dị ứng khi tự ý uống thuốc trị nhức đầu, sổ mũi, đau họng.

Mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị nổi ban đỏ toàn thân với mức độ rất dày, ngứa ngáy khó chịu do dị ứng khi tự ý uống thuốc trị nhức đầu, sổ mũi, đau họng.

Bệnh nhân Trần Thị Hoàng H.bị nổi mẩn đỏ khắp người vì dị ứng thuốc. Ảnh: A.Thư
Bệnh nhân Trần Thị Hoàng H.bị nổi mẩn đỏ khắp người vì dị ứng thuốc. Ảnh: A.Thư

Bệnh nhân là chị Trần Thị Hoàng H. (27 tuổi, đến từ TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã bị các triệu chứng kể trên sau khi uống 2 liều thuốc tự mua ở tiệm thuốc tây gần nhà. Chị đã đến một phòng khám tư để khám, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh sởi và tiếp tục cho thuốc uống. 

* Dấu hiệu dị ứng thuốc

Sau khi uống thuốc do bác sĩ phòng khám tư kê, các dấu hiệu bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngược lại bệnh nhân xuất hiện ban đỏ nhiều hơn ở vùng mặt, cổ, ngực bụng và tay chân; cảm giác ngứa nhiều hơn và mệt nhiều hơn kèm sốt nên đã đến Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai để khám và điều trị.

Phòng ngừa dị ứng thuốc

ThS-BS. Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, khuyến cáo để phòng ngừa dị ứng thuốc, người dân không nên tự ý điều trị, không dùng theo toa thuốc của người khác; không dùng thuốc không có nhãn hiệu, chuyển màu, quá hạn sử dụng; đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng; để xa tầm với của trẻ nhỏ; cẩn trọng khi sử dụng thuốc khi có thai, đang cho con bú; cần thông báo tình trạng dị ứng thuốc cho bác sĩ biết khi kê toa…

Bác sĩ CK1 Đặng Thị Kim Dung, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, nổi ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều   kèm dấu hiệu viêm loét vùng miệng, họng, được chẩn đoán hội chứng Stevens - Johnson do dị ứng thuốc tân dược (nghi do nhóm kháng sinh Cephalosporin). Hội chứng này là một tình trạng nặng của dị ứng thuốc, thường gặp nhất do các nhóm thuốc rất phổ biến, như: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Bệnh nhân này do phát hiện và nhập viện tương đối muộn nên phải điều trị trong thời gian kéo dài hơn.

Theo bác sĩ Dung, triệu chứng dị ứng thuốc rất đa dạng, nhẹ là nổi mề đay, da nổi ban cùng sần phù, ngứa ngáay khó chịu. Trường hợp nặng có thể khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao, hôn mê, tổn thương các cơ quan như: thận, gan… dẫn đến tử vong. Tình trạng này thường gặp khi bệnh nhân chủ quan tự ý mua thuốc uống, không có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ; uống không đúng thuốc, không đúng liều lượng nên dễ xảy ra các biến chứng do sử dụng thuốc bừa bãi gây ra như: kháng thuốc kháng sinh, dị ứng thuốc…

* Cẩn trọng khi tự ý mua thuốc uống

ThS-BS. Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, cho biết trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận điều trị nhiều ca bị dị ứng thuốc các loại với các mức độ nặng nhẹ khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh tự đi mua thuốc uống. Những trường hợp này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng có thể bị các tình trạng nặng như suy thận cấp, suy gan cấp; nặng hơn có thể dẫn đến suy đa phủ tạng hoặc thậm chí là tử vong.

ThS-BS. Trần Viết Hợi khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc để chữa bệnh, ngay cả các tình trạng bệnh phổ biến và được xem là nhẹ như: đau nhức, cảm cúm… kể cả những loại thuốc vẫn được xem là an toàn như Đông y, thảo dược. Trong suốt quá trình sử dụng thuốc phải theo dõi và phát hiện sớm tình trạng dị ứng thuốc có thể xảy ra, đặc biệt lưu ý với những người có tiền căn bị dị ứng với thuốc, thực phẩm hoặc mắc một số bệnh lý về dị ứng, như: hen phế quản (suyễn), viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng.

Bệnh nhân cần lưu ý trong hoặc sau khi dùng thuốc, nếu thấy xuất hiện ban ngoài da (mề đay), ngứa hoặc các biểu hiện bất thường khác, như: tức ngực, khó thở thì phải ngay lập tức ngừng sử dụng tất cả các thuốc trong toa, đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị càng sớm càng tốt, không nên chủ quan làm diễn biến bệnh nặng hơn và có thể gây nguy hiểm. Nếu người bệnh đã có tiền căn bị dị ứng thì nên cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể  cho nhân viên y tế trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh để được lưu ý.

Anh Thư

Tin xem nhiều