Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan con đường khởi nghiệp

07:01, 30/01/2018

Nhiều sinh viên muốn khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học song không mấy dễ dàng. Phần lớn ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên chưa thể triển khai thành hiện thực.

Nhiều sinh viên muốn khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học song không mấy dễ dàng. Phần lớn ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên chưa thể triển khai thành hiện thực.

Các nhân viên của Công ty TNHH sự kiện - nhân sự Biên Hòa tự thực hiện phần lớn các phần việc trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thay vì thuê nhân viên bên ngoài. Ảnh: C.NGHĨA
Các nhân viên của Công ty TNHH sự kiện - nhân sự Biên Hòa tự thực hiện phần lớn các phần việc trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thay vì thuê nhân viên bên ngoài. Ảnh: C.NGHĨA

Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều diễn đàn và cuộc thi khởi nghiệp trong thời gian qua. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp được trao giải nhưng đều gặp khó vì thiếu kỹ năng quản trị, cách tiếp cận thị trường và nhất là vốn để khởi nghiệp.

* Chỉ dừng lại ở… ý tưởng

 Cần “đỡ đầu” những dự án khởi nghiệp

Theo anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn, Đồng Nai có nhiều lợi thế để tuổi trẻ, đặc biệt là sinh viên khởi nghiệp. Tỉnh đoàn rất muốn sẽ xây dựng được đội ngũ Startup trẻ với kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh.

Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã khởi động phong trào khởi nghiệp và đang tiếp tục phối hợp với ban giám hiệu và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường đại học tiếp tục thúc đẩy có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp ra đời. Tỉnh đoàn đã phối hợp với một số đơn vị liên quan, trong đó có Hội doanh nhân trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, tập huấn cho sinh viên những kỹ năng trong quá trình khởi nghiệp.

Tỉnh đoàn cũng đã kết nối với Sở Kế hoạch - đầu tư sẵn sàng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng việc hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp miễn phí, đồng thời tư vấn cho sinh viên quá trình hoạt động. Tỉnh đoàn sẽ tìm kiếm và giới thiệu những nhà đầu tư tiềm năng để “đỡ đầu” cho những dự án của sinh viên đi vào triển khai hiệu quả.

TS.Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, đồng thời là thành viên Tổ tư vấn khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam, cho biết phong trào khởi nghiệp trong sinh viên được phát động sâu rộng nhưng số doanh nghiệp do sinh viên thành lập và điều hành mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đưa một ý tưởng kinh doanh đi vào khởi nghiệp và gặt hái được thành công là một quá trình gian nan, đòi hỏi nhiều điều kiện mà sinh viên thường là thiếu, trong đó có kinh nghiệm quản trị và vốn.

Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã từng đoạt giải tại các hội thi, nhưng tới nay vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy chứ chưa có điều kiện triển khai. Trong số đó có dự án “Sản xuất xe lăn thông minh cho bệnh nhân”,  “Sản xuất giò chả sạch không sử dụng hàn the” đều của sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai, hay dự án “Chăm sóc phụ nữ và trẻ em sau sinh” của sinh viên Trường đại học Lạc Hồng…

Công ty TNHH sự kiện - nhân sự Biên Hòa do sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thành lập và duy trì hoạt động hơn 1 năm nay. Đây là công ty duy nhất được thành lập và điều hành bởi sinh viên tại các trường đại học trong tỉnh hiện nay. Để duy trì hoạt động, các thành viên của công ty phải chia nhau giới thiệu dịch vụ với khách hàng, thậm chí sẵn sàng ký hợp đồng với giá cạnh tranh để làm quen và khẳng định chất lượng dịch vụ của mình.

Mỗi khi ký được hợp đồng, công ty phải đi thuê lại các thiết bị của các công ty sự kiện khác để thực hiện. Việc thuê lại thiết bị thường chiếm một phần không nhỏ lợi nhuận hợp đồng. Bên cạnh đó, công ty phải giảm tối đa chi phí con người nên các thành viên công ty tự chia nhau làm những phần việc có thể thay vì đi thuê người.

* Nhiều cái khó

Võ Thị Phương Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, cho biết sinh viên là những người được đào tạo bài bản trong các trường đại học. Họ chính là những doanh nhân trong tương lai không xa và cần được “tiếp lửa” khởi nghiệp để kích thích và hình thành nên những ý tưởng khởi nghiệp. Các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên sẽ khó thành công nếu không có sự hỗ trợ và tư vấn kịp thời, đặc biệt sinh viên luôn cần những người “đỡ đầu” về tài chính và phương pháp quản trị trong quá trình khởi nghiệp.

Cuối năm 2016, Trần Nguyên Phúc, sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai, đã đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo do Bộ Khoa học - công nghệ tổ chức với sản phẩm “Sản xuất xe lăn thông minh cho bệnh nhân”. Phúc từng có mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả cạnh tranh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được thêm một sản phẩm nào ngoài sản phẩm mang đi dự thi và đoạt giải. Phúc cho biết do mẫu mã sản phẩm khó cạnh tranh, không có vốn khởi nghiệp, kỹ năng tiếp cận thị trường  hạn chế, do đó không thể khởi động được dự án như mong muốn.

Ông Võ Quang Long, Giám đốc Công ty TNHH Trí Minh Phát (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), cho hay mới đây công ty tổ chức khai trương dịch vụ mới và đã nhờ một công ty của sinh viên đứng ra tổ chức sự kiện vì muốn ủng hộ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ là điều chưa thể hài lòng, dù sinh viên cung cấp được dịch vụ cho doanh nghiệp với giá cạnh tranh hơn nhiều so với các đơn vị tổ chức sự kiện khác.

Theo một số sinh viên đang ấp ủ khởi nghiệp, việc cho ra đời một ý tưởng khởi nghiệp không quá khó, bởi cuộc sống ngày càng đòi hỏi phong phú các sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên sinh viên thường không có vốn để khởi nghiệp. Hơn nữa, đa phần sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường thường không có kiến thức thực tế về quản trị kinh doanh nên càng khó để khởi nghiệp chứ chưa dám nói đến khởi nghiệp thành công.

Anh Phạm Xuân Lịch (ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) là chủ của hệ thống cà phê sạch Eco Cafe đang có ý định đầu tư vốn cho một công ty do sinh viên thành lập dưới dạng cổ phần. Anh Lịch cho biết: “Sinh viên có nhiều khó khăn về kiến thức quản trị và vốn trong quá trình khởi nghiệp, nhưng đổi lại họ năng động và giàu ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên công ty của sinh viên đã thành lập sẵn với những ý tưởng mới trong kinh doanh hiện còn quá ít để nhà đầu tư có thể tìm và “đổ vốn” vào giúp sinh viên phát triển ý tưởng”.

Trong khi đó, TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, lại cho rằng khởi nghiệp trong sinh viên không dễ, vì sinh viên mới chỉ có kiến thức trên sách vở, thiếu thực tế. Ngay cả những người có kinh nghiệm và vốn đôi khi khởi nghiệp còn thất bại chứ chưa nói tới sinh viên. Ông Sơn chia sẻ quan điểm: “Sinh viên muốn khởi nghiệp thành công thì cần đi làm thêm. Tốt nghiệp xong nên đi làm thuê vài năm để có kinh nghiệm thì khởi nghiệp mới có thể thành công được”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều