Báo Đồng Nai điện tử
En

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm

07:01, 16/01/2018

Mới đây, khoảng 50 công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do ăn nấm bào ngư có nhiễm vi sinh vật...

Mới đây, khoảng 50 công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do ăn nấm bào ngư có nhiễm vi sinh vật.

Công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc
Công nhân Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) bị ngộ độc thực phẩm được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Đ.Ngọc

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (Sở Y tế) Nguyễn Văn Hữu cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn trong thời gian vừa qua chính là việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào tại một số bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp xuất ăn công nghiệp chưa được thực hiện tốt. Nhiều bữa ăn giữa ca có giá trị suất ăn thấp dưới 15 ngàn đồng nên chất lượng bữa ăn kém và tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đề nghị ngay từ đầu năm 2018 phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến các xã, phường; thực hiện nghiêm việc xử phạt hành chính ở cấp cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; kiến nghị UBND tỉnh đầu tư phòng kiểm nghiệm thực phẩm, xe lưu động kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ cho công tác kiểm soát nguyên liệu đầu vào hạn chế để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Thực tế hiện nay, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm được bán tại các chợ cũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hàng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai qua công tác tổ chức giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm ở một số chợ trên địa bàn, cho thấy tình trạng ô nhiễm thực phẩm ở các chợ còn rất phổ biến.

Cụ thể, trong năm 2017 giám sát ở TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom cho thấy có tới 9/19 mẫu kiểm tra có nhiễm vi sinh, 17/32 mẫu thực phẩm không đạt các chỉ tiêu lý hóa.

Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện ra nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Một số cơ sở sản xuất - kinh doanh còn xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không đúng quy định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là đối với các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ tại các chợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau tuy có giảm nhưng không thực sự ổn định.

Đặc biệt, trong năm 2017 kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra, kiểm tra lấy mẫu có tỷ lệ không đạt khá cao, có 9/83 mẫu kiểm tra không đạt, chiếm tỷ lệ 10,84% so với năm 2016 chỉ có hơn 4% mẫu không đạt.

* Tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Hiện nay, công tác kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ, giám sát nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp còn một số hạn chế, bất cập. Theo ông Lê Minh Hân, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản Đồng Nai, qua nhiều năm tham gia đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm cho thấy, việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm còn hạn chế do thiếu kinh phí, khi lấy mẫu phải chuyển lên TP.Hồ Chí Minh kiểm nghiệm và phải chờ 10-14 ngày mới có kết quả chính xác nên khi kiểm tra không có đủ cơ sở để xử lý các sản phẩm nghi không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 307 ca mắc và 1 người tử vong, chủ yếu xảy ra ở bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học; so với năm 2016, tăng 3 vụ và 102 người mắc, 1 người tử vong.

Do đó, thời gian tới Đồng Nai cần xây dựng một phòng kiểm nghiệm thực phẩm riêng phục vụ công tác an toàn thực phẩm của tỉnh và xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị. Có như vậy, khi thanh tra, kiểm tra mới lấy được nhiều mẫu đi kiểm nghiệm, giảm chi phí, thời gian lấy kết quả nhanh giúp việc xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn kịp thời hơn.

Trong khi đó Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Trai đề xuất, muốn kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm đầu vào cần xây dựng mô hình chợ an toàn trong toàn tỉnh nhằm kết nối các chuỗi sản xuất thực phẩm sạch cung ứng cho các chợ, đáp ứng yêu cầu sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Mặt khác, cần chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhất là ở tuyến cơ sở.  Vì thiếu kỹ năng nên có muốn xử phạt cũng không biết dựa vào quy định nào, đây cũng là nguyên nhân mà tuyến xã, phường khi đi thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm chủ yếu là nhắc nhở.

Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Trần Minh Hòa cảnh báo, hiện có tới 90% người dân Việt Nam sử dụng thức ăn đường phố nên vấn đề an toàn thực phẩm cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra là ngộ độc cấp tính đã rõ, có thể thống kê được nhưng còn ngộ độc mãn tính dẫn đến các bệnh mãn tính liên quan đến đường tiêu hóa do ăn thực phẩm ô nhiễm chưa thể thống kê hết được. Do đó, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều