Báo Đồng Nai điện tử
En

Phản biện dự án hồ chứa nước Cà Ròn

08:12, 12/12/2017

Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong năm 2017, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) đã hoàn thành tư vấn, phản biện dự án hồ chứa nước Cà Ròn (huyện Định Quán).

Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong năm 2017 Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) đã hoàn thành tư vấn, phản biện dự án hồ chứa nước Cà Ròn (thuộc xã Gia Canh, huyện Định Quán).

Các thành viên trong Hội đồng tư vấn phản biện xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh đi khảo sát thực tế để tính toán và đưa ra những tư vấn, phản biện đối với chủ đầu tư dự án Hồ chứa nước Cà Ròn. ảnh: Lê Nghĩa
Các thành viên trong Hội đồng tư vấn phản biện xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh đi khảo sát thực tế để tính toán và đưa ra những tư vấn, phản biện đối với chủ đầu tư dự án Hồ chứa nước Cà Ròn. ảnh: Lê Nghĩa

Đơn vị chủ đầu tư dự án là UBND huyện Định Quán, Công ty TNHH tư vấn xây dựng miền Đông là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư. Dự án có tổng số vốn đầu tư hơn 212 tỷ đồng, với mục tiêu cấp nước tưới cho khoảng 630 hécta đất nông nghiệp của người dân xã Gia Canh.

Theo TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp Hội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện, 13 thành viên của hội đồng đã tiến hành nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, tính toán các thông số để đánh giá khả năng tích nước, điều kiện thủy văn, khí tượng, lưu lượng nước về tích nước, giữ nước.

Đây là dự án xây dựng hồ chứa nước nên vấn đề mà hội đồng phản biện đặc biệt quan tâm là nguồn nước cung cấp cho hồ chứa, khả năng chứa nước, giữ nước của hồ trong mùa khô để đảm bảo nhu cầu sử dụng. Với hồ Cà Ròn, nguồn cấp nước chủ yếu là nước mưa vào mùa mưa, tận dụng các khe rạch nhỏ tự nhiên và nguồn nước ngầm. Do đó cần có đánh giá cụ thể, đầy đủ về khả năng, trữ lượng của nguồn nước này trên toàn khu vực dự án đầu tư.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, kiêm Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng cần đánh giá tác động môi trường của dự án và có kế hoạch bảo vệ môi trường để trình Sở Tài nguyên - môi trường thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

“Suối Cà Ròn là nhánh nhỏ đầu nguồn sông La Ngà, có diện tích lưu vực 7,7 km2, tổng lượng nước bình quân 6,6 triệu m3/năm, tần suất 75% là 4,99 triệu m3. Tuy nhiên do lượng mưa phân bố không đều trong năm, vào mùa khô dòng chảy cạn kiệt, không đủ nguồn nước tưới tiêu, do đó việc xây hồ để tích nước, giữ nước mùa mưa và cung cấp nước tưới vào mùa khô là cần thiết và cấp bách” - PGS.TS Phùng Chí Sỹ tư vấn.

Theo các thành viên của Hội đồng tư vấn phản biện, trong thuyết minh dự án, mục tiêu tưới nước của hồ là 630 hécta nhưng trong kết quả tính toán lưu lượng các kênh thì tưới cho 474,8 hécta, trong bản đồ vị trí tuyến kênh và bố trí cây trồng là hơn 550 hécta. Do đó, Hội đồng phản biện đề nghị đơn vị lập dự án cần kiểm tra, xác định, tính toán lại diện tích phục vụ cụ thể, thống nhất từ đó xác định lại quy mô, dung tích của hồ cũng như quy mô, thông số kỹ thuật phù hợp cho hệ thống kênh tưới.

Ngoài ra, Hội đồng phản biện đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư nghiên cứu kỹ tác động và ảnh hưởng của việc xả lũ và kết nối giao thông của hồ chứa nước Cà Ròn với khu vực xung quanh dự án, đặc biệt là việc kết nối với cánh đồng lúa tại thị trấn Định Quán. theo thuyết minh dự án, lưu vực hồ chứa nước Cà Ròn dài 7,7km, nhưng theo tính toán của hội đồng, diện tích lưu vực hồ Cà Ròn có thể lớn hơn.

Một vấn đề được các nhà khoa học, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện rất quan tâm là giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân, tái định cư. Bởi đây là việc rất khó và có nhiều vấn đề phức tạp liên quan sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, chủ đầu tư phải tính toán trước nhu cầu sử dụng đất, kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng (số hộ dân bị ảnh hưởng, các công trình công cộng, mức độ, tiến độ, trách nhiệm của chính quyền và các đơn vị liên quan…).

An Yên

Tin xem nhiều