Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện sớm hội chứng tự kỷ ở trẻ

07:11, 07/11/2017

Hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là hội chứng tự kỷ) ngày càng gia tăng. Việc phát hiện và điều trị hội chứng tự kỷ càng sớm càng tốt, thời gian can thiệp vàng là từ 2-3 tuổi sẽ mang lại cơ hội để đưa trẻ trở lại với cộng đồng cao hơn.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là hội chứng tự kỷ) ngày càng gia tăng. Việc phát hiện và điều trị hội chứng tự kỷ càng sớm càng tốt, thời gian can thiệp vàng là từ 2-3 tuổi sẽ mang lại cơ hội để đưa trẻ trở lại với cộng đồng cao hơn.

Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ mắc hội chứng tự kỷ vẫn có thể học tập bình thường.Trong ảnh: Chuyên viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức hướng dẫn phụ huynh và học sinh xem những bức tranh do chính trẻ tự kỷ học tại trung tâm vẽ. Ảnh: N.Thư
Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ mắc hội chứng tự kỷ vẫn có thể học tập bình thường.Trong ảnh: Chuyên viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức hướng dẫn phụ huynh và học sinh xem những bức tranh do chính trẻ tự kỷ học tại trung tâm vẽ. Ảnh: N.Thư

TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (TP.Biên Hòa), cho biết trong xã hội hiện đại có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây rối loạn phát triển ở trẻ, trong đó có bệnh tự kỷ, như: áp lực công việc của người mẹ, môi trường sống, dinh dưỡng, chu sinh…

Dấu hiệu nhận biết

Theo TS.Lê Minh Công, để phát hiện một trẻ mắc hội chứng tự kỷ phải chú ý ở 3 khía cạnh chính. Thứ nhất, trẻ giảm chức năng giao tiếp, chậm nói, nói khó, diễn đạt khó. Thứ hai, trẻ suy giảm chức năng giao tiếp xã hội, không hiểu các yêu cầu của người khác, khó giao tiếp bằng ánh mắt. Thông thường ánh mắt của trẻ không hướng về người đang nói chuyện, khi nghe gọi trẻ không quay lại, không biết cách chơi với đồ vật hay chơi với người lớn hoặc trẻ em cùng lứa tuổi.

Thứ ba, trẻ mắc hội chứng tự kỷ có hành vi định hình lặp đi lặp lại và kỳ dị. Trẻ thường có thói quen lặp lại như hay xoay vòng, thích đồ chơi xếp hình chỉ một kiểu hàng giờ, đi nhón gót. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ không tuân thủ các quy tắc xã hội, không biết sợ người khác. Một số trẻ có hành vi công kích, tấn công cắn người khác hay hủy hoại bản thân, như: cắn tay chân, đập đầu vào tường…

Hội chứng tự kỷ là một rối loạn phát triển nên không khỏi về mặt bệnh học, nhưng nếu trẻ được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp cải thiện chức năng, cải thiện triệu chứng. Việc phát hiện sớm trẻ bị hội chứng tự kỷ sẽ giúp trẻ  càng có nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng, từ 18 tháng - 3 tuổi sẽ giúp trẻ phục hồi tốt nhất. Nhiều trẻ phát hiện bệnh trễ, từ 6-7 tuổi, dường như không còn cơ hội can thiệp. Một trong những nguyên nhân can thiệp trễ là do trẻ không được điều trị bệnh đúng cách.

Phương pháp nào điều trị tốt nhất?

Thực tế, có nhiều phụ huynh vì lo lắng cho tình trạng bệnh của con mà đưa trẻ đi chữa bệnh nhiều nơi bằng các phương pháp như: châm cứu, trị liệu, uống thuốc Nam, thực phẩm chức năng... Ai chỉ ở đâu gia đình cũng tới nhưng không cải thiện được triệu chứng cho trẻ mà mất tiền oan. Như trường hợp của bé T.N.K. (9 tuổi ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) được gia đình đưa đi điều trị rất nhiều nơi nhưng không hiệu quả. Dù đã 9 tuổi nhưng bé không chơi với ai, người lớn nói không nghe, chỉ thích chơi một mình.

TS.Lê Minh Công khuyến cáo phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn nơi can thiệp cho con em mình. Trong đó, phải tìm hiểu kỹ nơi điều trị có được cấp phép hay không, chuyên viên có được đào tạo không, chương trình can thiệp có hợp lý không, có năng lực thực tế thế nào. Đối với hội chứng tự kỷ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một trong những phương pháp hiệu quả đang được triển khai trong điều trị hội chứng tự kỷ là các liệu pháp về tâm lý giáo dục.

Để điều trị bằng phương pháp này, mỗi trẻ mắc hội chứng tự kỷ sẽ được kiểm tra, đánh giá. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, chuyên gia tâm lý sẽ xây dựng chương trình can thiệp cho từng trẻ với các bài học về ngôn ngữ, các kỹ năng tương tác, nhận thức màu sắc, cao thấp, toán học… Từ đó, các chuyên viên sẽ trực tiếp hướng dẫn, can thiệp mẫu để cho phụ huynh biết cách để cùng hỗ trợ cho trẻ tập khi ở nhà. Phụ huynh không thể đứng ngoài cuộc trong việc can thiệp cho con, vì chỉ có cha mẹ mới đưa ra lời khuyên tốt nhất cho con mình làm theo các bài can thiệp ở lớp. Vai trò của phụ huynh chiếm 50-60% sự thành công của một ca can thiệp cho trẻ.

Thực tế, những trẻ mắc hội chứng tự kỷ được phát hiện và can thiệp sớm đã cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn phát triển, phục hồi chức năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ và tập trung hơn. Nhiều trẻ đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và đi học như bao trẻ bình thường khác.

Ngọc Thư (ghi)

Tin xem nhiều