Báo Đồng Nai điện tử
En

Chẳng than phận khó ai ơi

08:11, 06/11/2017

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những ngày qua thời tiết tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục chịu đợt không khí lạnh cùng mưa dầm. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực dựng lại nhà cửa để bình thường cuộc sống.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những ngày qua thời tiết tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục chịu đợt không khí lạnh cùng mưa dầm. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực dựng lại nhà cửa để bình thường cuộc sống, khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do cơn bão số 10 gây ra vừa qua.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao 500 triệu đồng của Đồng Nai ủng hộ đồng bào Thanh Hóa.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao 500 triệu đồng của Đồng Nai ủng hộ đồng bào Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nhận xét đã 10 năm rồi Thanh Hóa mới lại hứng chịu cơn bão lớn đến vậy, nhưng nguy hiểm hơn là đi kèm theo bão còn có những cơn lũ quét, lũ ống bất ngờ kèm theo triều cường nước dâng lên nhanh, có nơi ngập sâu đếm 3m gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thống kê đến ngày 4-11, cơn bão số 10 đã làm 24 người chết, 7 người bị thương nặng; trên 700 căn nhà bị hư hại trong đó có 80 căn nhà bị sập hoặc bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Tổng thiệt hại do bão lũ gây ra ước tính khoảng 3.300 tỷ đồng.

Họa vô đơn chí

Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, nhận xét cơn bão số 10 năm nay Hà Tĩnh ít có người thiệt mạng là do chính sách cương quyết yêu cầu người dân phải sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Những năm trước dù đã có thông báo, nhưng người dân nhất là dân nghèo và ngư dân thường bỏ qua cảnh báo, ra khơi tìm cách mưu sinh dẫn đến tai nạn. Năm nay lúc bão sắp đến, tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm sơ tán khoảng 11 ngàn hộ dân, đồng thời kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất số người tử vong do bão lũ.

Bà Lê Thị Thái, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), xót xa cho biết phần lớn những người bị chết và mất tích trong cơn bão số 10 vừa qua là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Như anh Vũ Trọng Mạnh (23 tuổi, ở thôn Rọc Năng, xã Công Chính, huyện Nông Cống) bị lũ cuốn tử vong ngày 10-10 thuộc hộ nghèo của xã, có cha là ông Vũ Trọng Đồng bị bệnh tâm thần. Anh Mạnh đang chăn trâu thì bất ngờ bị lũ quét cuốn mất tích, phải gần một ngày sau mới tìm thấy thi thể. Anh Mạnh mất đi, gia đình không có được một tấm hình để thờ, phải lấy hình lúc anh còn đi học đeo khăn quàng đỏ làm ảnh thờ.

Hoàn cảnh của bà Lữ Thị Thuyệt (dân tộc Thái, ở bản Buôn, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) càng bi đát hơn khi chồng bị lũ cuốn mất tích đến nay chưa tìm thấy thi thể, bản thân bà bị thương nặng ở chân, phải tháo khớp bẹn, đến nay cả người còn sưng phù. Ngày thường, vợ chồng bà Thuyệt là lao động chính nuôi 2 con và người mẹ già gần 90 tuổi, nay chồng không còn, vợ bị tàn tật, những ngày sắp tới gia đình bà Thuyệt chưa biết phải sống ra sao.

Ở thôn 7, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), 3 chị em Nguyễn Thị Khánh Huyền (13 tuổi), Nguyễn Thị Khánh Linh (7 tuổi), Nguyễn Nhật Long (3 tuổi) đầu quấn khăn tang trắng, chỉ biết nép vào nhau bên cạnh bàn thờ cha là ông Nguyễn Văn Bính (42 tuổi), nạn nhân trong đợt bão lũ vừa qua. Chị của các cháu hiện ở bệnh viện chăm sóc mẹ bị động thai, 3 chị em ở nhà phải tự chăm sóc nhau, đến bữa cơm thì sang nhà người chú gần đấy để ăn nhờ. Mất đi cha là lao động chính trong nhà, tương lai 4 chị em (chưa kể em trong bụng mẹ) Khánh Huyền, Khánh Linh trở nên mịt mờ, đường đến trường có nguy cơ bị bỏ dở.

Nhiều trường hợp chết rất thương tâm, như Đoàn Như Mão (28 tuổi), Phạm Ngọc Tài (19 tuổi, ở TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trong lúc đi vớt củi trên sông Mã đã bị lũ cuốn. Cha con anh Vi Văn Chiến và Vi Thị Linh Đan (thôn Chiềng, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) chết do đất lở chôn vùi 5 ngôi nhà, trong đó có nhà của cha con anh Chiến. Ở huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), ông Ngân Văn Quyên là cán bộ mặt trận xã Lâm Xa trên đường đi giúp bà con chống bão về đã bị lũ cuốn...

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Từ Văn Diện cho biết tổng thiệt hại do bão lũ ở Hà Tĩnh là hơn 6.600 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách năm 2017 toàn tỉnh chỉ ước đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Cơn bão năm nay, Hà Tĩnh thiệt hại về người ít hơn những năm trước, chỉ có 2 người chết nhưng thiệt hại về tài sản, vật chất rất lớn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới viếng và thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Bính (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới viếng và thăm hỏi gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Bính (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Ở các vùng bị bão, lũ quét qua trở nên xơ xác, tiêu điều như bị bom B52 thời chiến tranh. Có khoảng 41 ngàn hécta rừng tràm đang chờ thu hoạch của dân bị gãy ngã rạp, trên 4 ngàn cột điện bị gãy đổ, sau bão ngành điện lực đang tích cực khôi phục để cung cấp điện trở lại cho các vùng. Hệ thống trường học cũng bị hư hại nhiều, nhất là ở huyện Kỳ Anh, nên ưu tiên hàng đầu của tỉnh là nhanh chóng sửa chữa trường học để các cháu học sinh tiếp tục đến trường; song song đó là chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hạn chế tối đa không để xảy ra dịch bệnh sau lũ.

“Hà Tĩnh vừa hoàn tất hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại về nhà cửa, giống má để khôi phục sản xuất trong cơn bão năm 2016 xong, kinh phí hỗ trợ khoảng 24 tỷ đồng. Nay lại tiếp đến cơn bão số 10, thiệt hại tính ra còn nặng nề hơn. Mảnh đất miền Trung lắm tai ương, nhưng người dân miền Trung cũng rất kiên cường, mỗi lần bão qua sau đau thương bà con lại tích cực khôi phục đời sống, sản xuất...” - bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, thổ lộ.

Ở huyện Kỳ Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoàng Văn Bẹ cho biết toàn huyện thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên liệu sản xuất như lúa giống, con giống. Các trường học cũng bị hư hại như tốc mái, sập đổ khá nhiều, kinh phí sửa chữa ước khoảng 370 tỷ đồng. Thế nhưng từ lúc xảy ra bão đến nay đã có 375 đoàn trong cả nước đến thăm hỏi, chia sẻ, trao quà động viên khiến người dân Kỳ Anh rất ấm lòng.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Thọ (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh), cho biết trường có 6 phòng học bị tốc mái hoàn toàn khiến hơn 100 học sinh không còn chỗ học, cổng trường cũng bị hư hại, nhưng nhà trường còn có thể tổ chức cho học sinh các lớp nói trên học 1 buổi (trước đây học sinh của trường học 2 buổi/ngày). Cạnh bên, Trường THCS Thư Thọ cũng bị hư hại 4 lớp học, học sinh phải sang điểm trường ở xã Kỳ Thư học nhờ. Kinh phí sửa chữa Trường tiểu học Kỳ Thọ dự kiến là 1,5 tỷ đồng, hiện ngân sách huyện mới bố trí được 500 triệu đồng nhưng nhà trường đang chủ động liên hệ tìm phương án sửa chữa trước.

Ở gia đình của Đại úy Nguyễn Thành Chủng (đồn biên phòng Yên Khương, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh), người bị nước lũ cuốn trôi ngày 10-10 khi trên đường giúp dân tránh bão, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh bà Lê Thị Nữa, mẹ của Đại úy Chủng, gào khóc đến ngất đi. Bởi trước đó chỉ 100 ngày, người anh song sinh của Đại úy Chủng mất do tai nạn giao thông. 2 người con trai ra đi chỉ trong vòng 3 tháng khiến bà Nữa như hóa dại. Cha mẹ già yếu, con trai còn quá nhỏ, căn nhà đang xây dở dang chưa kịp quét vôi không biết bao giờ mới hoàn thành. Thế nhưng ông Nguyễn Thành Long, cha Đại úy Chủng, cũng là một cựu chiến binh nuốt nước mắt khẳng định: “Khi đồng ý cho con gia nhập Quân đội thì chúng tôi chấp nhận con có thể hy sinh vì nước vì dân. Nay trước sự hy sinh của con, gia đình chúng tôi dẫu có đau thương, mất mát nhưng vẫn rất tự hào vì con trai đã hoàn thành nhiệm vụ người lính đối với nước với dân. Những ngày qua có rất nhiều đoàn trong tỉnh cũng như cả nước đến viếng thăm, động viên, chúng tôi rất cảm động, ấm lòng”.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều