Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ

10:10, 16/10/2017

Bệnh cong vẹo cột sống không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong sinh hoạt và học tập nếu không được phát hiện sớm.

Bệnh cong vẹo cột sống không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong sinh hoạt và học tập nếu không được phát hiện sớm.

Theo bác sĩ Phạm Văn Khương, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trong thời gian qua bệnh viện tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh vẹo cột sống điều trị khó khăn và rất tốn kém do gia đình phát hiện ra bệnh quá muộn.

* Khó phát hiện

Dấu hiệu cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức so với bình thường ở ngực, cổ hoặc thắt lưng. Trẻ em từ 10 tuổi trở lên dễ bị cong vẹo cột sống nhất. Khi trẻ bị cong vẹo cột sống có thể nhìn thấy những bất thường, như: đau lưng, mỏi lưng, dáng đi thay đổi không bình thường, 2 vai dốc không cân xứng bên cao bên thấp, khi trẻ cúi xuống cột sống cổ gồ lên…

Do bận buôn bán nên chị N.T.T. (37 tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu) ít có thời gian chơi với con. Chị thường cho con trai là bé L.T.N., 10 tuổi, chơi iPad suốt nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bé N. kêu mỏi lưng, đau lưng, lúc này chị quan sát mới thấy lưng của con khi ngồi xuống không còn thẳng như bình thường nên chị đưa con đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám. Kết quả, bé Đ. bị cong vẹo cột sống lưng phải tập phục hồi chức năng tại bệnh viện, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chiều cao và cuộc sống sau này của bé. 

Bác sĩ Phạm Văn Khương cho biết khi trẻ ngồi chơi trò chơi, trẻ sẽ ngồi yên “bất động” và giữ tư thế đó trong một thời gian dài. Lúc đó, cơ thể cột sống lưng sẽ chịu lực nặng do ngồi quá lâu và thường xuyên thì sẽ dẫn đến cong vẹo cột sống.

Đối với những trường hợp bệnh nhẹ và phát hiện sớm có thể điều trị bằng các biện pháp kỹ thuật, như: vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, tập thể dục, chỉnh tư thế ngồi phù hợp thì tình trạng bệnh sẽ được ổn định.

Nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. Trường hợp bệnh nặng trẻ phải bó bột hoặc phải phẫu thuật chỉnh hình để nắn chỉnh. Quá trình điều trị bệnh cong vẹo cột sống kéo dài, chi phí rất tốn kém có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Bệnh còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chiều cao, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng giao tiếp vì bị bạn bè trêu chọc.

* Cần được phát hiện sớm

Bác sĩ Phạm Văn Khương cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống ở trẻ. Một số trẻ do bẩm sinh, còn một số thường do động tác ngồi không đúng, sai tư thế trong lúc ngồi học, ngồi chơi game, lướt web trong thời gian dài thì lâu ngày cộng lại dễ gây cong vẹo. Bàn ghế ngồi học không đúng kích thước, thiếu ánh sáng nên khi trẻ ngồi học phải cúi xuống sẽ ảnh hưởng đến mắt và sau đó ảnh hưởng cột sống.

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống cho trẻ, trước hết cần phải nâng cao sức khỏe của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục - thể thao nhằm làm tăng sự dẻo dai, bền bỉ và phát triển cân đối. Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với mọi lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Ở trường học phải đảm bảo ánh sáng tự nhiên và nhân tạo, ở nhà ngoài hệ thống chiếu sáng chung, phụ huynh cần trang bị đèn ở góc học tập cho bé để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Khi ngồi học không quá 45 phút, sau đó giải lao đứng dậy đi lại, tránh ngồi lâu, hạn chế cho bé dùng máy tính, điện thoại. Đặc biệt, cha mẹ thường xuyên theo dõi, nhắc nhở bé ngồi học đúng tư thế. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường về cột sống nên đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh quá nặng sẽ khó điều trị và tốn kém.

Thảo Anh

Tin xem nhiều