Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn

06:10, 09/10/2017

Khối ngành sức khỏe là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, đòi hỏi công tác đào tạo phải thật sự có chất lượng, sát với nhu cầu thực tiễn;...

Khối ngành sức khỏe là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, đòi hỏi công tác đào tạo phải thật sự có chất lượng, sát với nhu cầu thực tiễn; đào tạo làm sao để sau khi ra trường có thể làm việc ngay ở các cơ sở y tế.

Giảng viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai hướng dẫn sinh viên thực hành chăm sóc bệnh nhân trên mô hình. Ảnh: N. Thư
Giảng viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai hướng dẫn sinh viên thực hành chăm sóc bệnh nhân trên mô hình. Ảnh: N. Thư

Đó là những nội dung chính đã được GS.TS Lê Quang Cường,Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh tại hội thảo Đào tạo nhân lực y tế trình độ cao đẳng do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức tại Đồng Nai vừa qua.

* Còn nhiều bất cập

Năm 2016, cả nước có 54 cơ sở giáo dục có đào tạo trình độ cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó có 37 trường công lập, 17 trường ngoài công lập. Đến năm 2017 tăng lên thành 65 trường.

Tại buổi hội thảo, đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao đẳng tăng nhanh, nhưng các tiêu chí chuyên môn để mở ngành ở các trường đa ngành, đặc biệt là trình độ trung cấp y sĩ, điều dưỡng, dược còn chưa chặt chẽ. Thực trạng này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của hệ thống y tế.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng y dược Hồng Đức (TP.Hồ Chí Minh) Vũ Văn Nhân cho rằng hiện nay có tình trạng “loạn” về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp y tế. Đối với các trường công lập, như Trường cao đẳng y tế Đồng Nai thì đào tạo khá bài bản, nhưng ở nhiều trường tư thục trong cả nước có cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa tốt, chưa đủ, giáo viên chỉ kê khai trên giấy, thu tiền của sinh viên cao... nhưng Bộ Y tế vẫn cấp phép ào ào. Trong thời gian tới, Bộ Y tế phải cho kiểm tra, giám sát để có đánh giá lại, chấn chỉnh hoạt động của các trường này để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng thực sự.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng dược Trung ương Hải Dương Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng nêu những bất cập trong liên kết, liên thông trong đào tạo nguồn nhân lực y tế hệ cao đẳng. Về quy mô đào tạo chưa có thông tư hướng dẫn về việc liên kết, các quy định về liên thông cũng chưa rõ ràng nên các trường vẫn còn vướng mắc. Đặc biệt, từ khi chuyển công tác quản lý các cơ sở đào tạo y tế trình độ cao đẳng, trung cấp từ Bộ Y tế sang Bộ Lao động - thương binh và xã hội thì chỉ tiêu tuyển sinh của các trường giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến tất cả các trường. Chỉ tiêu giảm nhưng năng lực đào tạo vẫn như cũ thì đến năm 2020-2021 sẽ khó đào tạo hết đội ngũ nhân viên y tế chuyển đổi lên cao đẳng đạt chuẩn theo quy định.

* Lo chất lượng đầu ra

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo cũng bày tỏ nhiều ý kiến lo lắng về chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao đẳng, vì hiện nay chất lượng đầu ra do các cơ sở đào tạo tự công bố, chưa có kiểm chứng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cần sớm ban hành chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đầu ra để các trường có cơ sở xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo chi tiết. 

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Đồng Nai Nguyễn Lương Thao đề nghị để nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên cần nâng thời lượng thực hành (trên mô hình và ở bệnh viện) lên 50% tổng số tiết học. Hiện nay trong chương trình đào tạo, thời lượng học các môn chung còn quá nhiều trong khi thời lượng cần thiết để trau dồi chuyên môn, y đức lại ít. Đặc thù của ngành y là càng được thực hành nhiều sẽ càng thành thạo, sau khi ra trường sẽ bắt tay vào làm việc được ngay.

Vấn đề quốc tế hóa chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng được nhiều đại biểu đề cập. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.Hồ Chí Minh) Trần Văn Hải cho rằng hiện có 6 nghề trong khối ASEAN được chuyển đổi tự do, trong đó có nghề điều dưỡng. Tuy nhiên, chương trình đào tạo của các trường ở Việt Nam rất khác với chương trình đào tạo trong khối ASEAN. Do đó, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao đẳng cần phải tính tới yếu tố hội nhập để tạo cơ hội cho sinh viên sau khi ra trường có điều kiện làm việc tốt hơn.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều