Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh

11:10, 30/10/2017

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng fallot…

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng fallot…

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh như: do bất thường của các nhiễm sắc thể, di truyền trong gia đình; các yếu tố từ môi trường sống tác động lên cơ thể người mẹ lúc mang thai, như: tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc (đặc biệt là các thuốc an thần, thuốc nội tiết tố); hoặc mẹ mắc một số bệnh do siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ… Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác.

Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh hoạt, học tập không khác trẻ bình thường, nhưng nhìn chung tất cả trẻ mắc bệnh này cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có sức khỏe tốt. Cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp với ngành y điều trị trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Về tiêm ngừa, theo các chuyên gia, việc tiêm phòng rất cần thiết vì những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cần được bảo vệ. Nhiều bệnh tuy nhẹ với trẻ bình thường nhưng rất nguy hiểm cho những bé mắc bệnh tim. Tuy nhiên nếu trẻ không khỏe hoặc đang điều trị bằng thuốc, cần hỏi ý kiến bác sĩ tim mạch để chắc chắn rằng việc tiêm chủng là an toàn.

Việc phòng tránh bệnh lý đường hô hấp là rất cần thiết đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ trẻ ấm khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, không nên hút thuốc lá ở những chỗ trẻ ở. Việc chăm sóc răng miệng rất quan trọng đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém có thể gây một biến chứng cực kỳ nguy hiểm: viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Vi khuẩn theo đường răng miệng vào máu cư trú và gây bệnh ở nơi tim bị dị dạng.

Về dinh dưỡng, đối với những trẻ mắc bệnh tim thường khó ăn do mệt, ăn vào nôn ngay. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn từ từ, chủ yếu bằng thìa, ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít hơn bình thường; đồng thời theo dõi sát việc lên cân của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Về điều trị, không phải tất cả các trẻ bị tim bẩm sinh đều cần dùng thuốc. Bác sĩ sẽ cho các loại thuốc khác nhau tùy theo loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Có rất nhiều loại thuốc để điều trị tim bẩm sinh, các loại này nếu dùng không đúng chỉ định có thể có hại cho trẻ, do đó nên cho trẻ đi tái khám theo lịch hẹn. Các trẻ đã được can thiệp phẫu thuật hay thông tim vẫn cần được tiếp tục theo dõi ở phòng khám của chuyên khoa tim mạch. Phụ huynh nên cho trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường.

Bác sĩ CK I Lê Hoàng Phong

 

Tin xem nhiều