Báo Đồng Nai điện tử
En

Sai lầm trong phòng bệnh sốt xuất huyết

11:08, 14/08/2017

Cũng như tình hình chung của cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Nai đang gia tăng. Toàn tỉnh có hơn 2,8 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, số ca nhập viện tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng như tình hình chung của cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Nai đang gia tăng. Toàn tỉnh có hơn 2,8 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, số ca nhập viện tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành y tế khuyến cáo nếu người dân không bắt tay vào vệ sinh môi trường sống thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Nhân viên Trạm y tế xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch đến các khu nhà trọ tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Ngọc
Nhân viên Trạm y tế xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch đến các khu nhà trọ tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Ngọc

Ngay từ khi số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, như: tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi… nhưng số ca mắc sốt xuất huyết vẫn gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức và hành động của người dân trong phòng ngừa sốt xuất huyết còn hạn chế.

* Hành động chưa đúng

Tăng cường truyền thông tại các khu công nghiệp

Huyện Nhơn Trạch vừa  kiến nghị cần tăng cường truyền thông về bệnh sốt xuất huyết, giám sát mật độ côn trùng, lăng quăng trong các nhà máy ở khu công nghiệp, vì địa phương này cho rằng có đến hơn 50% số ca mắc sốt xuất huyết của huyện là công nhân làm trong các khu công nghiệp. Do đó, tại các nhà máy, xí nghiệp vẫn có thể tồn tại những vật dụng chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sống, ẩn nấp. Có như vậy, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết mới hiệu quả.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số khu nhà trọ công nhân tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao đột biến trong năm 2017, cho thấy vẫn còn nhiều người không quan tâm đến tình hình dịch bệnh đang xảy ra tại khu vực mình sinh sống.

Dù ngành y tế và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh chưa có vaccine phòng ngừa này, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khu nhà trọ xuống cấp, hệ thống thoát nước không đảm bảo, tình hình vệ sinh môi trường kém, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh trưởng.

Chị H.T.N.H. (ngụ tại ấp 3, xã Hiệp Phước) cho biết: “Tôi đi làm tối ngày, nghe nói có người tới xịt muỗi chứ không biết khu này đang có dịch sốt xuất huyết. Bệnh này do muỗi chích nên phải ngủ mùng”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chị có cho con ngủ mùng không thì chị H. thật thà nói không vì nhà dọn dẹp sạch sẽ. Trong khi đó, gia đình chị H. ở nhà trọ khoảng 20m2 bao gồm cả bếp, nhà vệ sinh rất chật chội với nhiều đồ đạc ngổn ngang là nơi ẩn nấp “lý tưởng” của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Tình hình dịch sốt xuất huyết đã diễn ra trên địa bàn tỉnh không phải là chuyện mới, công tác tuyên truyền cũng được triển khai nhiều, thực tế người dân cũng hiểu về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng chống nhưng để có hành động đúng là cả một vấn đề.

Mới đây, lãnh đạo ngành y tế đi kiểm tra tình hình dịch sốt xuất huyết tại huyện Long Thành, khi đến nhà một hộ dân ở ấp 3, xã An Phước, chủ hộ có thể nói rành rẽ về cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Nhưng khi đoàn đi kiểm tra phía trong nhà hộ dân này vẫn còn nhiều vỏ bánh xe đạp có chứa nước; đồ đạc trong nhà rất lộn xộn, quần áo treo mắc đầy nhà. Qua kiểm tra những nơi này đều có muỗi Aedes aegypti gây bệnh sốt xuất huyết.

* Truyền thông chỉ ra những sai lầm

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải nhận định, sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Ngoài lý do thời tiết thuận lợi còn có nhiều nguyên nhân chủ quan khác, nhưng cái chính vẫn là do môi trường sống chưa được đảm bảo, ý thức của người dân trong phòng bệnh sốt xuất huyết còn thấp; sự quan tâm của cộng đồng chưa cao, có người còn chưa ý thức được bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong.

Do đó, theo Phó giám đốc Sở Y tế, trong thời gian tới bên cạnh công tác giám sát, diệt lăng quăng, phun thuốc dập dịch, công tác truyền thông rất quan trọng. Truyền thông phải kịp thời, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để người dân chuyển từ nhận thức đúng sang hành động đúng.

Đặc biệt, phải nêu rõ tình hình sốt xuất huyết tại địa phương cho người dân biết phòng tránh; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trực tiếp. Bên cạnh đó, chú ý truyền thông cả những sai lầm trong nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, như: muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng. Thực tế muỗi sốt xuất huyết sinh trưởng ở tất cả những nơi có nước đọng lâu ngày, như: lu, chậu, bình bông, vỏ xe, vật phế thải như chai, lọ, vỏ nhựa…

Ngoài ra, trong điều trị bệnh sốt xuất huyết cũng cần chú ý không nên truyền dịch bừa bãi. Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết khi vào bệnh viện điều trị rất khó khăn, mất nhiều thời gian do các ca này đã được các phòng khám, bệnh viện tư nhân truyền dịch bừa bãi.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được truyền dịch đúng liều lượng và tốc độ. Nếu quá tải dịch truyền sẽ làm nước tràn ra khỏi thành mạch máu, tràn vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi; tràn vào phổi, các phế nang và gây khó thở, làm cho bệnh nhân bị suy hô hấp gây biến chứng phù phổi, nguy cơ tử vong cao.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều