Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo xuất toán bảo hiểm y tế

11:08, 20/08/2017

Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều kêu khó vì bảo hiểm y tế "siết" ngày càng chặt. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ở các bệnh viện công lập

Hiện nay, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều kêu khó vì bảo hiểm y tế (BHYT) “siết” ngày càng chặt.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT bị cắt giảm, tình trạng xuất toán BHYT ngày càng nhiều làm giảm nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ở các bệnh viện công lập.

* Căng thẳng vì BHYT

Không nên cứng nhắc quá

Mới đây tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, Sở Y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh công lập về vấn đề xuất toán BHYT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng Sở Y tế trực tiếp làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh về những vấn đề cụ thể còn bất hợp lý trong xuất toán BHYT. Nếu cái nào chưa phù hợp thì tiếp tục kiến nghị sửa đổi, đặc biệt là các danh mục thuốc. Với những sai sót thì các bệnh viện cần có thông báo chung để mọi người cùng biết và điều chỉnh. Rà lại việc xuất toán, nếu sai sót từ ngữ không nên cứng nhắc quá mà cần trao đổi qua lại cho hợp lý.

Một bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh chia sẻ khi làm việc căng thẳng nhất không phải vì bệnh viện quá tải, phải chữa bệnh cho đông bệnh nhân mà vì nỗi lo bị xuất toán BHYT. Cũng vì phải loay hoay tính toán để không bị xuất toán BHYT mà các nhân viên y tế, điều dưỡng không có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân.

TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, phân tích có những nhóm bảo hiểm xuất toán tại các bệnh viện. Thứ nhất là do các quy định chưa phù hợp của BHYT. Ví dụ như định mức 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày là chưa hợp lý, trong khi các bệnh viện tuyến huyện còn thiếu bác sĩ rất nhiều.

Thứ hai là những thiếu sót của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bác sĩ và điều dưỡng. Chẳng hạn, như bệnh nhân nghi ngờ bị u não nhưng ghi là viêm xoang, sẽ bị xuất toán.

Thứ ba là những áp đặt của bảo hiểm chưa hợp lý. Ví dụ như trong quá trình đấu thầu thuốc, số tiền chênh lệch trong việc đấu thầu thuốc cũng bị xuất toán. Giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội còn “choảng” nhau gây khó cho các cơ sở y tế.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cũng cho rằng cơ chế, chính sách chọi nhau nên bệnh viện rất khó khăn. Cụ thể, bệnh viện được phân 100 ngàn thẻ nhưng sau thông tuyến thì bệnh nhân lên thẳng tuyến trên khám nên giảm tiền thu. Tiền thu không tăng, hơi một tý sai là bị xuất toán. Những xét nghiệm chuyên sâu đắt tiền mà bị xuất toán thì bệnh viện rất khó nhưng vì an toàn cho bệnh nhân, bệnh viện vẫn phải làm.

Khi bệnh viện bị xuất toán nhiều, không có nguồn thặng dư thì bệnh viện khó phát triển và cũng không có nguồn kinh phí để giữ chân bác sĩ. Theo bác sĩ Dũng, trong 4 năm qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã có 80 bác sĩ nghỉ việc. Riêng năm 2016 đến nay có hơn 40 bác sĩ nghỉ việc, đây đều là những bác sĩ có tay nghề và chuyên môn. Nguyên nhân chính do tiền lương ít quá nên các bác sĩ đi về các bệnh viện tư và bệnh viện ngoài tỉnh. Vấn đề bây giờ là cơ chế chính sách phải thay đổi để các bệnh viện đủ sống.

* Cần một quy trình thống nhất

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phan Văn Mến cho rằng trong 7 tháng của năm, toàn tỉnh đã xuất toán khoảng 59 tỷ đồng.  Nguyên nhân chính do các bệnh viện chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng quá rộng rãi, có những dịch vụ quá mức cần thiết. Ví dụ, có những bệnh nhân mới vào bệnh viện chưa cần chụp MRI và CT nhưng bệnh viện vẫn cho chụp. Khi chỉ định còn chung chung, như đau khớp không ghi cụ thể nên chụp cả 3 khớp.

Tuy nhiên, ông Mến cũng nhìn nhận vẫn còn những bất cập do cơ chế là chính và Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã kiến nghị với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ. Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh theo hướng sẽ xóa bỏ 3 định mức: số bệnh nhân/bàn khám/ngày, thời gian thực hiện một dịch vụ và những trường hợp chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được đào tạo liên tục cũng được chấp nhận thanh toán. Đồng thời, từ nay bảo hiểm thực hiện xuất toán sẽ mời Sở Y tế để cùng giám sát cho khách quan.

Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh cũng đề xuất Sở Y tế cần ban hành một phác đồ điều trị thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh. Đây là một quy trình điều trị chuẩn, theo một quy trình khép kín để giúp việc thẩm định BHYT thống nhất, tránh chồng chéo, nay thế này mai thế khác, mỗi bệnh viện một khác.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng nhiều cơ sở y tế có những việc làm chưa chuẩn, cần chấn chỉnh nhưng về phía Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cũng cần phối hợp với Sở Y tế để đưa vấn đề chuyên môn lên chứ không nên áp đặt. Vì khi bảo hiểm xã hội làm gắt, hàng năm đều xuất toán thu lại 5%, như năm 2016 thu hồi lại 80 tỷ đồng, ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của cán bộ y tế, dẫn đến tinh thần, thái độ làm việc của nhân viên y tế đi xuống… Tất cả những bức xúc của đơn vị y tế đổ dồn vào đầu bệnh nhân, khi đó người dân sẽ quay lưng lại BHYT, ảnh hưởng đến những vấn đề an sinh xã hội.

Ngọc Thư - Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích